Tín dụng ngân hàng: “Bóc ngắn cắn dài”

PHƯƠNG MINH| 21/04/2010 04:21

Ngay khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 12/2010/TT-NHNN, nhiều ngân hàng cho biết lãi suất sẽ có chiều hướng giảm trong thời gian tới...

Tín dụng ngân hàng: “Bóc ngắn cắn dài”

Ngay khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 12/2010/TT-NHNN, nhiều ngân hàng (NH) cho biết lãi suất sẽ có chiều hướng giảm trong thời gian tới. Nguyên nhân là các NH sẽ cạnh tranh nhau để đưa ra mức lãi suất thấp hơn nhằm thu hút người vay tiền. Song, đó chỉ là trên lý thuyết, vì trên thực tế, khi NHNN cho phép tự do hóa lãi suất, một số NH đã bắt đầu thay đổi biểu lãi suất.

Huy động không quá 12%/năm

Bằng việc cho phép tự do hóa lãi suất (Thông tư 12), tức là NHNN đã gián tiếp cho phép lãi suất huy động của các NH được tự do, không còn bị ràng buộc bởi mức trần 10,5%/năm như cam kết với Hiệp hội NH. Như vậy, các NH cũng đã có thể hợp thức hóa được mức lãi suất huy động cao, không còn phải lách trần bằng các loại tiền thưởng, hay quà như trước.

NH Á Châu (ACB) đã trở thành NH tiên phong đưa ra biểu lãi suất huy động mới vượt mức lãi suất trần huy động 10,5%. Lãi suất niêm yết chính thức của ACB hiện nay cao nhất là 11,5%/năm (ngày 13/4). Sau đó một ngày, các NH như Vietcombank, Việt Á, Eximbank, Đông Á, SCB, Đại Á, VietBank... cũng đã đưa ra biểu lãi suất huy động mới nhưng đều thấp hơn mức 12%/năm.

Nhiều ngân hàng đang huy động vốn khá cao, từ 12-13% - Ảnh: Quý Hòa

Cụ thể, Việt Á niêm yết lãi suất cao nhất là 11,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, các kỳ hạn còn lại dao động từ 11 - 11,7%/năm. Eximbank niêm yết lãi suất từ 11 - 11,5% cho các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng, trong khi lãi suất cao nhất của Vietcombank là 11,5% cho các kỳ hạn 6 và 9 tháng. Vietbank điều chỉnh tăng 1% cho tất cả các kỳ hạn, lãi suất tiền gửi cao nhất sẽ là 11,5%. Sản phẩm lãi suất thường và lãi suất bậc thang dành cho khách hàng gửi tiết kiệm lãnh lãi cuối kỳ sẽ là 11,5% cho các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc NH Eximbank, cho biết, đây chỉ là các NH minh bạch hóa lãi suất huy động chứ không phải tăng cao hơn. Tuy nhiên, sự minh bạch này vừa có lợi cho khách hàng và cũng vừa có lợi cho NH. NH có thể niêm yết lãi suất cao, thấp khác nhau cho các kỳ hạn khác nhau theo nhu cầu của mình, trong khi khách hàng gửi tiền có thể hưởng được lãi suất cao hơn chứ không phải “mặc cả” như trước.

Tương tự, ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc NH OCB, cho biết, chủ trương của NH hiện nay chỉ áp dụng chi phí huy động thực tế tối đa 12%/năm. Hiện NH đang từng bước cân đối lại bài toán chi phí huy động vốn và mức lãi suất huy động thực tế giảm khoảng 1,5%.

Cho vay không thấp hơn 14%/năm

Theo đánh giá của một số chuyên gia, để giảm lãi suất cho vay thỏa thuận theo chủ trương, đồng thời cải thiện tín dụng trong thời gian tới thì trước mắt các NH phải giảm chi phí vốn đầu vào. Tuy nhiên, việc này cũng không thực sự dễ dàng bởi hầu hết các NH đều đang gặp rắc rối trong việc huy động.

Chính vì thế mà phần lớn các NH cho biết sẽ tăng lãi suất cho vay ngắn hạn sau khi NHNN cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay kể cả ngắn và trung, dài hạn. Giám đốc chi nhánh của một NH quốc doanh lớn cũng cho biết: “Cho vay lãi suất 12% là NH cầm chắc lỗ, vì huy động vốn hiện nay cũng đã ở mức 12%/năm rồi”.

Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc NH An Bình, cho biết, thời gian tới, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng của NH sẽ dao động trong khoảng từ 14 - 15%/năm, trong khi lãi suất cho vay trung, dài hạn là 15 - 16%/năm. Ông Thanh cũng nhận định, với tình hình thanh khoản của các NH đã được cải thiện, có thể trong vòng ba tháng tới, lãi suất cho vay của các NH sẽ giảm dần xuống dưới mức 14%/năm.

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc thường trực NH Đông Á, cho biết: “Đối với cho vay ngắn hạn, DongA Bank công bố mức lãi suất tối đa là 15%/năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay đối với hoạt động tài trợ xuất khẩu và sản xuất kinh doanh là từ 12,6 - 14,4%/năm. Với mức lãi suất này, chúng tôi cho rằng khách hàng có thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng”.

Còn ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc NH ACB, thì cho biết lãi suất thấp nhất cho các khoản vay ngắn hạn dành cho doanh nghiệp của ACB sẽ là 14%/năm. “Cho vay với lãi suất 14% là phần lợi nhuận của ACB đã rất thấp, xem như NH chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay”, ông nói. ACB không công bố mức lãi suất cho vay tối đa, vì theo ông Toại, nó sẽ phụ thuộc điều kiện vay của từng doanh nghiệp cụ thể.

Nhận định về tình hình lãi suất thời gian tới, ông Toại cho rằng, lãi suất sẽ có thể giảm chỉ khi nào NHNN can thiệp cho các NH vay vốn với lãi suất thấp vì thực chất NH chỉ là đơn vị trung gian, nếu vay được thấp sẽ cho vay ra thấp. Đồng tình với ông Toại, Tổng giám đốc một NH cổ phần khác cho rằng: “Cho vay lãi suất 14%/năm là coi như NH lỗ chắc, vì cho vay khoảng 11,5% rồi phải cộng thêm các khoản dự trữ, chi phí hoạt động, ít nhất phải là 3,6% thì NH mới có lời được”.

Theo đánh giá của ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, tâm lý của người gửi tiền đòi hỏi mức lãi suất tiết kiệm cao, trong khi doanh nghiệp muốn vay lãi suất thỏa thuận ở mức thấp hơn so với mức 16 - 17%/năm là bài toán khó cho toàn hệ thống NH. Điều này cũng đòi hỏi các NH phải có cách tính phù hợp và linh hoạt nhất.

Tuy nhiên, ông Hạnh cũng khuyến cáo, hiện nhiều NH đang huy động khá cao, 12 - 13% trong khi nguồn vốn huy động về chưa hẳn giải quyết đầu ra, nếu không giảm lãi suất cho vay. Điều này không chỉ buộc các NH phải “è cổ” trả lãi suất tiết kiệm cho khách hàng, mà còn dẫn đến lượng vốn dư thừa trong hệ thống. Bằng chứng là mức vốn khả dụng dư thừa hiện nay đã lên khoảng 30.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín dụng ngân hàng: “Bóc ngắn cắn dài”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO