Thị trường chứng khoán ngày càng lành mạnh

LÊ TÁ ĐIỀN| 15/07/2008 00:32

Tuần qua, công chúng đầu tư bàn luận nhiều về việc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) quyết định tạm ngừng giao dịch cổ phiếu BBT của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết. Hầu hết đều cho quyết định đó là hợp lý và mong muốn có nhiều sự giám quản chặt chẽ để thị trường chứng khoán ngày càng lành mạnh.

Thị trường chứng khoán  ngày càng lành mạnh

Tuần qua, công chúng đầu tư bàn luận nhiều về việc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) quyết định tạm ngừng giao dịch cổ phiếu BBT của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết. Hầu hết đều cho quyết định đó là hợp lý và mong muốn có nhiều sự giám quản chặt chẽ để thị trường chứng khoán ngày càng lành mạnh.


ĐƯA CỔ PHIẾU XẤU RA KHỎI CUỘC CHƠI


Theo quy chế niêm yết chứng khoán của HOSE, các trường hợp sau đây sẽ bị tạm ngừâng giao dịch CP: Giá và khối lượng giao dịch biến động bất thường theo quy chế giám sát của HOSE; vi phạm nghiêm trọng quy chế công bố thông tin; hoạt động kinh doanh bị lỗ hai năm liền căn cứ vào báo cáo tài chính đã kiểm toán. CP BBT của Bông Bạch Tuyết nằm trong trường hợp lỗ hai năm liên tục nên đã bị ngừng giao dịch cho đến khi nào Công ty công bố đầy đủ thông tin.


Đây không phải là lần đầu tiên thị trường có một mã CP bị đưa ra ngoài cuộc chơi vì hồi tháng 10/2002, CP CAN của Công ty đồ hộp Hạ Long cũng đã bị tạm ngưng giao dịch một tuần vì ba nhân viên của Công ty bị khởi tố về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 7 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Kế đó là CP BTC của Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Bình Triệu đã bị UBCKNN cho tạm ngưng giao dịch từ ngày 11/4/2005 do Công ty BTC làm ăn thua lỗ hai năm liên tiếp.

Như vậy, việc đưa CP tạm ra khỏi sàn cứ ba năm diễn ra một lần, và lần này chưa biết số phận CP BBT đi về đâu? Theo quy định của Bộ Tài chính, CP bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty niêm yết bị lỗ ba năm liên tục và tổng số lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu. Theo nhà đầu tư Đoàn Minh Mẫn, đưa CP không chất lượng ra khỏi sàn là một việc làm cần thiết vì có như thế thị trường chứng khoán niêm yết mới được minh bạch.

Tuy nhiên, anh Mẫn cho rằng việc phát hiện BBT bị lỗ có hơi trễ khiến nhà đầu tư cứ tiếp tục mua vào. Sau đợt cảnh báo BBT, CP này trong tuần qua đã tăng kịch trần ba phiên và phiên nào cũng giao dịch được vài vạn CP. Trách nhiệm của những người làm báo cáo kiểm toán, của ban kiểm soát không được thể hiện!


LÀNH MẠNH HÓA CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN


Lần này, cùng với việc cho ngưng giao dịch BBT, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM còn cảnh cáo hàng loạt đại diện sàn của các công ty chứng khoán vì đã hủy lệnh trong cùng đợt khớp lệnh định kỳ. Ngoài ra, Sở còn đình chỉ tư cách hai đại diện giao dịch của Công ty chứng khoán Ngân hàng Á Châu và An Thành trong vòng ba tháng.

Điều đáng tiếc là các trường hợp bị đình chỉ tư cách đại diện đều không nêu rõ lý do cho công chúng đầu tư được rõ. Nhà đầu tư thường đoán già, đoán non rằng lỗi đó rất nặng có thể ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường làm thiệt hại nhà đầu tư (?). Trước đây, việc nhân viên môi giới vi phạm do nhập lệnh bị nêu tên xét thấy cũng không hay, nhưng khi phạm lỗi mà không rõ vi phạm trường hợp nào khiến đại diện phải rời sàn trong vòng ba tháng thì cũng không tốt.

Gần đây, HOSE có tiến bộ hơn trong việc công bố thông tin. Cụ thể như ngày 11/7 đã đình chỉ tư cách đại diện giao dịch của một công ty chứng khoán trong thời hạn một tháng vì đã sử dụng điện thoại di động trong thời gian giao dịch. Cũng giống như công ty niêm yết, các công ty chứng khoán không nộp báo cáo định kỳ cũng bị khiển trách và Công ty chứng khoán Thủ Đô mới bị cảnh cáo tuần rồi.

Theo dõi hoạt động của HOSE, nhà đầu tư thấy tháng nào cũng có hàng loạt nhân viên đại diện sàn bị “thổi còi” do vi phạm qui định trên sàn. Nếu nhìn theo hướng tích cực thì sự giám sát của Sở rất có hiệu quả, phát hiện được nhiều vụ tiêu cực trên sàn. Còn nhìn theo hướng tiêu cực thì những quyết định phạt không đủ sức răn đe nên các vi phạm như trên vẫn không giảm và tháng nào cũng có trường hợp đại diện sàn hủy lệnh trong cùng đợt, đem lại lợi ích cho khách hàng của mình và của công ty mình.

Ngoài ra, còn các trường hợp thành viên HĐQT, ban kiểm soát của các công ty giao dịch không công bố theo quy định mà chỉ phạt nhẹ so với quyền lợi họ thu được.


Thị trường mới vừa hồi phục, việc HOSE thanh lọc lại các CP trên thị trường cũng như xử phạt nặng các trường hợp vi phạm trong giao dịch chứng khoán là rất cần thiết. Có như thế nhà đầu tư mới thấy được thị trường chứng khoán là sân chơi lành mạnh, xứng đáng cho họ tham gia.

Bài và ảnh: LÊ TÁ ĐIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường chứng khoán ngày càng lành mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO