Sốc nặng vì vàng, chết đứng theo chứng khoán

26/06/2013 00:56

Chưa hoàn hồn khi giá vàng giảm liên tục thì các nhà đầu tư gần như chết đứng khi trải qua một ngày chứng khoán giảm điểm kỷ lục.

Sốc nặng vì vàng, chết đứng theo chứng khoán

Chưa hoàn hồn khi giá vàng giảm liên tục thì các nhà đầu tư gần như chết đứng khi trải qua một ngày chứng khoán giảm điểm kỷ lục.

Hiện tượng tháo chạy bằng mọi giá trong ngày 25/6 đã khiến TTCK giảm điểm ở mức mạnh tương đương với thời điểm thị trường đón nhận tin đồn Chủ tịch BIDV bị bắt và có lúc trong phiên mức giảm ngang bằng với thời điểm bầu Kiên bị bắt.

Đây thực sự là một cú giáng mạnh vừa sự hưng phấn mới trỗi dậy của chứng khoán.

Về mức thấp nhất 4 tháng qua

Tronng phiên ngày 25/6, TTCK đã chuyển từ trạng thái thận trọng dò đáy vào đầu giờ sang bán mạnh giữa buổi sáng và cuối cùng là tháo chạy bắt đầu từ gần 11h cho tới hết phiên.

Chỉ số VN-Index lao dốc thảm hại, có lúc mất gần 23 điểm, tương đương mức giảm vào ngày ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt cách đây gần một năm, trước khi chốt phiên giảm hơn 16 điểm (-3,4%) xuống 473 điểm.

Đây là diễn biến không khác so với thời điểm TTCK đón nhận tin đồn chủ tịch ngân hàng BIDV, ông Trần Bắc Hà bị bắt.

Tính chung trong hai phiên đầu tuần, VN-Index đã giảm 26 điểm. HNX-Index của sàn Hà Nội cũng giảm rất mạnh với -2,4% xuống còn 62 điểm.

TTCK giảm mạnh trong bối cảnh chứng khoán đã có một chuỗi tăng điểm mạnh trong vài tháng đầu năm và đợt điểu chỉnh giảm từ đỉnh 3 năm thiết lập ngày 7/6 vừa qua, từ mức 528 về ngưỡng 490 điểm cuối tuần qua.

Thông tin tác động tới TTCK trong nước được giới đầu tư cân nhắc trong đầu phiên giao dịch 25/6 không có gì khác chính là những biến động trên thị trường tài chính thế giới trong gần một tuần qua với tâm điểm là những biến động giảm giá rất mạnh trên hầu khắp các TTCK các nước và sự sụt giảm của giá vàng.

Biến động nói trên xảy ra sau khi chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Ben Bernanke hôm 19/6 phát đi tín hiệu cho biết Mỹ sẽ giảm quy mô chương trình nới lỏng có định lượng 3 (QE3) - chương trình mua trái phiếu 85 tỷ USD/tháng.

Theo đó, Fed có thể bắt đầu giảm quy mô của chương trình xuống 65 tỷ USD/tháng vào cuối năm nay, thậm chí còn 20 tỉ USD/tháng từ tháng 9 tới và dừng hẳn vào giữa năm sau.

TTCK các nước cùng với thị trường vàng chưa kịp hoàn hồn trước tuyên bố giảm dần bơm tiền vào nền kinh tế của Mỹ thì lại đón nhận ngay thông tin ngân hàng trung ương Trung Quốc thắt chặt tín dụng, kiên quyết nói không với tín dụng tăng nóng cho dù nhiều ngân hàng nước này đang rơi vào tình trạng khan hiếm tiền mặt trầm trọng.

Giới đầu tư lo ngại dòng tiền đang rủng rỉnh sau các đợt bơm tiền ồ ạt của đa số chính phủ các nước sẽ bị co lại đột ngột và điều không tránh khỏi là chứng khoán và vàng sẽ giảm giá. Điều này không chỉ xảy ra đối với Mỹ và Trung Quốc mà dòng tiền sẽ được rút ra khỏi các thị trường mới nổi.

Khả năng nào cho TTCK thời gian tới?

Trong vài ngày qua, các thị trường tài chính trên thế giới chứng kiến hoạt động bán ra ồ ạt trước cảm nhận về sự đảo ngược dòng vốn do khả năng Fed thay đổi chính sách. Chỉ số S&P 500 mất mốc 1.600 điểm trong khi chỉ số Dow Jones Industrial Average mất mốc 15.000 điểm.

TTCK các nước trong các khu vực khác cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định của Fed. Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã giảm 4,5% trong tuần qua và xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 9 tháng.

TTCK Trung Quốc “đỏ rực” với chỉ số tổng hợp Thượng Hải giảm tới 5,3% và chỉ số CSI-300 giảm 6,3% trong phiên ngày 24/6. Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm khoảng 7% vào giữa phiên giao dịch ngày 25/6 trước khi đóng cửa ở mức gần tham chiếu vào cuối phiên.

Trong phiên giao dịch 25/6 trên TTCK Việt Nam, vào đầu phiên, áp lực bán khá cao nhưng chưa có dấu hiệu bán tháo. Sau khi các cổ phiếu lớn bị bán mạnh và thị trường mất đi các trụ đỡ, VN-Index xuyên thủng mốc hỗ trợ được cho là mạnh 480 điểm và nhanh chóng về ngưỡng 470 điểm.

Hiện tượng bán tháo khiến áp lực giải chấp tăng cao và thị trường giảm quá đà đã xảy ra rất nhiều như trường hợp tin đồn chủ tịch BIDV bị bắt, vụ ông Đặng Văn Thành… Thị trường đã hồi phục rất mạnh sau đó nhờ hoạt động bắt đáy.

Quá trình này dường như cũng đã xảy ra với TTCK vào cuối phiên giao dịch 25/6. Mức giảm điểm vào cuối phiên không quá mạnh như trước đó. Thanh khoản cũng tăng mạnh, khoảng 25-30% so với phiên trước lên tương ứng 1.400 tỷ đồng trên sàn HSX và 400 tỷ đồng trên sàn Hà Nội.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người, bao gồm cả các NĐT cá nhân và tổ chức lo ngại hơn trong lần này là, nguy cơ dòng tiền ngoại thu co hẹp lại sau quyết định của Fed là hoàn toàn có thật.

Hiện tượng bán ròng cổ phiếu của khối ngoại đã diễn ra rất mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Riêng trong phiên 24/6, khối ngoại bán ròng hơn 190 tỷ đồng.

Trước đó, dường như đoán được xu hướng giảm nới lỏng của Mỹ, khối ngoại đã liên tục bán ròng từ tuần cuối cùng của tháng 5. Đây là nguyên nhân chính khiến TTCK điểm chỉnh giảm mạnh sau một đợt phục hồi ấn tượng thuộc tốp đầu trên thế giới.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, từ đầu tháng 6, khối ngoại đã bán ròng hơn 800 tỷ đồng trên sàn HOSE mà chủ yếu là do NĐT rút tiền khỏi hai quỹ ETF.

Nhiều người lo ngại, với những diễn biến mới trên thị trường tài chính quốc tế,, dòng vốn ngoại sẽ còn bị rút bớt ra khỏi TTCK. Quyết định của Fed như dội một gáo nước lạnh vào nhiều NĐT nội vốn đặt khá nhiều kỳ vọng vào tác động cửa khả năng nới room ngoại trong thời gian tới.

Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam có khá nhiều chuyển biến tích cực như lạm phát ổn định ở mức thấp, tỷ giá USD ổn định, tín dụng rục rịch tăng trở lại… Về dài hạn, đầu tư cổ phiếu vẫn là một kênh hấp dẫn. Tuy nhiên, trước mắt, điều mà không ít người lo ngại là dòng vốn ngoại có thể bị co hẹp.

Không những thế, TTCK có hồi phục hay không còn phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến kinh tế vĩ mô trong các tháng tới. Tuy nhiên, trước mắt chưa thể có nhiều lạc quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sốc nặng vì vàng, chết đứng theo chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO