"Phù phép" lợi nhuận: Nhà đầu tư lạc mê hồn trận

LAM BÌNH| 07/12/2012 04:13

Chỉ còn vài tuần nữa năm tài chính 2012 sẽ kết thúc, như thường lệ, lúc này nhiều "bùa chú kế toán" lại được đem ra áp dụng nhằm thổi phồng con số lợi nhuận. Thực tiễn, những thủ thuật nào vẫn thường hay được áp dụng làm hoa mắt, chóng mặt giới đầu tư?

Chỉ còn vài tuần nữa năm tài chính 2012 sẽ kết thúc, như thường lệ, lúc này nhiều "bùa chú kế toán" lại được đem ra áp dụng nhằm thổi phồng con số lợi nhuận. Thực tiễn, những thủ thuật nào vẫn thường hay được áp dụng làm hoa mắt, chóng mặt giới đầu tư?

Đọc E-paper

Từ lợi nhuận khủng bất ngờ...

Trượt dốc dài từ cuối năm 2008 nhưng bất ngờ vào quý II/2010 Công ty CP Nước giải khát Sài Gòn - Tribeco (TRI) công bố lợi nhuận hoành tráng đạt tới 44 tỷ đồng. Kinh doanh nước giải khát vẫn bi bét nhưng lợi nhuận khủng của Tribeco đến từ chuyển nhượng vốn.

Cụ thể, đúng vào ngày 30/6/2010, Công ty đã ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty con Tribeco Miền Bắc và Tribeco Bình Dương. Bên mua là Tập đoàn Uni- President, cũng là cổ đông chiến lược của Tribeco.

Đáng chú ý là việc chuyển nhượng được thực hiện một cách vội vã chỉ vài ngày sau khi cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Tribeco cấp "quota" cho việc thoái vốn.

Tuy nhiên, thời gian ngắn ngủi này cũng vừa đủ để Tribeco ghi nhận lợi nhuận vào báo cáo tài chính quý II/2010. Phút lóe sáng bất ngờ không cứu vãn được số phận hẩm hiu của thương hiệu nước giải khát nổi tiếng đang trên đà trượt dốc:

Đây là quý lãi đột biến duy nhất của Tribeco trong 13 quý liên tiếp bắt đầu từ cuối năm 2008 đến khi Công ty xin hủy niêm yết tự nguyện tháng 4/2012. Không lâu sau đó, thương hiệu Tribeco đã bị chính thức xóa sổ, Tribeco Bình Dương bị Tập đoàn Thực phẩm Đài Loan nắm trọn!

Các đợt thanh lý tài sản lớn là các giao dịch phức tạp nếu liên quan đến cổ đông nội bộ. Các con số công bố ra thị trường chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm với nhiều thỏa thuận ngầm nên không cứu vãn được đà trượt dốc của một công ty sa sút như Tribeco.

Một trường hợp khác gây chú ý vào đầu năm 2012 là Công ty CP Tập đoàn Dabaco (DBC). Khi vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2012 với kế hoạch lợi nhuận 167 tỷ đồng thì hai ngày sau đó, DBC lại ước lợi nhuận quý I/2012 đạt trên 200 tỷ đồng!

Trả lời báo giới về sự thiếu thống nhất này, lãnh đạo Dabaco nêu những lý giải không thuyết phục. Điều này khiến giới đầu tư nghi ngờ các con số được công bố không hoàn toàn... vô tư.

Bán, chuyển nhượng, đánh giá lại tài sản là chiêu thức tạo ra lợi nhuận khủng khá quen thuộc của các công ty niêm yết vài năm gần đây. Ma lực này thường khiến cổ phiếu tăng giá rất mạnh. Kịch bản này luôn luôn lặp đi lặp lại, lần này qua lần khác.

Tuy nhiên, nếu thực sự nhà đầu tư không có lợi thế về tiếp cận thông tin mà đánh đu theo các cổ phiếu có lợi nhuận khủng bất ngờ, thì rất có thể họ đang chơi một ván bài sấp ngửa mà phần thắng hầu như luôn thuộc về nhà cái.

... đến "bùa chú” kế toán

TS. Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận xét, "có muôn vàn bùa chú kế toán tạo ra các con số lợi nhuận đẹp trong ngắn hạn". Tuy nhiên, chung quy có hai phương pháp phổ biến vẫn được chủ doanh nghiệp sử dụng là dùng thủ thuật tạo ra doanh thu ảo và che giấu bớt chi phí.

Tùy theo đặc thù của mỗi lĩnh vực như xây lắp, bất động sản, bán lẻ, sản xuất mà cách thực hiện rất khác nhau, và người am tường về tài chính cũng chỉ có thể nghi ngờ chứ ít khi chỉ ra rõ ràng.

Cách đây không lâu, Công ty CP Dược Viễn Đông (DVD) bị phanh phui gian lận báo cáo tài chính với chiêu thức thực hiện các giao dịch đáng ngờ với hệ thống các công ty liên quan bên ngoài được lập ra bởi chính các thành viên Ban lãnh đạo DVD.

Việc ghi nhận doanh thu của DVD theo chứng từ, hóa đơn với nhóm công ty này có thể thực hiện dễ dàng, đủ điều kiện để ghi nhận doanh thu, lợi nhuận, qua mặt cả công ty kiểm toán dù trong thực tế không phát sinh hoạt động bán hàng hóa hay cung cấp dịch vụ.

Chiêu thức che giấu thực chất công nợ làm giảm chi phí là một trong những kỹ thuật gian lận phổ biến nhất trên báo cáo tài chính nhằm mục đích khai khống lợi nhuận tương ứng. Giai đoạn 2006-2007, nhiều công ty niêm yết tham gia trào lưu đầu tư tài chính.

Trong số này có Công ty CP Kinh Đô với khoản đầu tư vào cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank. Khi thị trường chứng khoán trượt dốc, khoản đầu tư sa lầy. Năm 2008, báo cáo tài chính kiểm toán của Kinh Đô cho thấy Công ty thực chất lỗ 62 tỷ đồng thay vì lãi 142 tỷ đồng như tự công bố trước đó.

Thương hiệu bánh kẹo lớn nhất Việt Nam đã "quên" không trích lập dự phòng tài chính cho các khoản đầu tư vào EIB trong lần công bố báo cáo tài chính đầu tiên.

TS. Lê Đạt Chí nhận định, trong thực tế có muôn vàn chiêu thức để công ty niêm yết có thể qua mặt cả đơn vị kiểm toán. Tuy nhiên, với con số lợi nhuận "khủng" có một số dấu hiệu nhỏ mà giới đầu tư không thể bỏ qua: lợi nhuận biến động quá nhiều so với cùng kỳ năm trước; con số lợi nhuận không đồng nhất với các đối thủ cạnh tranh; các công ty nhỏ dễ phù phép lợi nhuận hơn các công ty lớn; lợi nhuận gắn với khoản phải thu bất ngờ tăng cao; hàng tồn kho tích tụ nhiều...

Theo TS. Lê Đạt Chí, thông tin trên báo cáo tài chính thường không bao giờ đầy đủ để giới đầu tư mổ xẻ chi tiết hoạt động tài chính của doanh nghiệp, để tự bảo vệ mình, giới đầu tư nên quan tâm đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc Tư vấn tài chính doanh nghiệp Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhận xét về nguyên tắc đơn vị kiểm toán chỉ có trách nhiệm rà soát các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được phản ánh đầy đủ theo hóa đơn, chứng từ.

Họ có quyền nêu các ý kiến ngoại trừ nếu nghi ngờ doanh nghiệp không trung thực hay cố tình che giấu tình hình tài chính. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán không có trách nhiệm khám phá, tìm hiểu các giao dịch đáng ngờ này. Vì vậy, nhà đầu tư buộc phải cẩn trọng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Phù phép" lợi nhuận: Nhà đầu tư lạc mê hồn trận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO