Nhận định thị trường chứng khoán ngày 15/9

Nguồn VnEconomy| 15/09/2009 07:03

Giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 15/9.

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 15/9

Giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 15/9.

Theo VCBS, nếu vượt qua được ngưỡng cản 561,7 điểm, thì VN-Index sẽ còn tiếp tục tiến xa và có thể hướng đến mốc 650 điểm từ nay đến cuối năm” - Nguồn: VNDS.

VN-Index sẽ tăng nhưng giằng co tại 560 điểm

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Việt - AVSC)

“Bất chấp thị trường châu Á giảm điểm mạnh sáng 14/9, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có một phiên tăng điểm ấn tượng. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đã tăng lên 556,59 điểm, giá trị giao dịch cả hai sàn tăng hơn 4.300 tỷ đồng.

Mặc dù đã có thị giá khá cao nhưng hai cổ phiếu hàng đầu trong ngành bất động sản là HAG và SJS vẫn chứng tỏ sự hấp dẫn của mình bằng những thông tin chia thưởng và lợi nhuận dự kiến.

Việc tăng trần gần như trong suốt phiên giao dịch của hai mã này phần nào cũng kéo theo sự tăng giá của các cổ phiếu thuộc khác thuộc nhóm ngành này trên cả hai sàn.

Ngoài ra, các cổ phiếu nhóm ngành xi măng cũng đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu bứt phá. Khối nhà đầu tư nuớc ngoài vẫn tiếp tục bán ròng và hôm 14/9 họ đã bán ròng gần 83 tỷ đồng trên cả hai sàn.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index đã chính thức vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý và kỹ thuật quan trọng ở mức 550, và dự báo sẽ tiếp tục kiểm tra ngưỡng kháng cự 560 vào ngày 15/9.

Các tín hiệu kỹ thuật bắt đầu đi vào vùng mua quá mức RSI đang ở mức 72, Stochatic đã vượt mức 80. Dự báo thị trường ngày 15/9 sẽ có sự giằng co mạnh ở mức 560 điểm và nhiều khả năng chiến thắng sẽ thuộc về bên mua”.

Nếu vượt 561,7 điểm, VN-Index có thể hướng đến mốc 650

(Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - VCBS)

“Đến thời điểm hiện tại, lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài chưa có ảnh hưởng đáng kể tới thị trường bởi giao dịch của khối chỉ chiếm phần nhỏ.

Theo chúng tôi quan sát, thị trường gặp áp lực bán tăng lên khi tiến đến sát ngưỡng 560 điểm, đồng thời lượng cung giảm nhanh khi VN-Index lùi về 550 điểm. Điều này cho thấy nhà đầu tư không quen với thị trường tăng mạnh, gây phản ứng về tâm lý của một sự sụt giảm sau đó.

Do đó, với đà tăng điểm chậm và chắc sẽ phù hợp hơn trong hiện tại.

Theo quan điểm của chúng tôi, thị trường cần phải kiểm tra ngưỡng 561,7 điểm đỉnh cũ thiết lập vào tháng 8 năm ngoái - nếu vượt qua được ngưỡng cản này, thì thị trường sẽ còn tiếp tục tiến xa và có thể hướng đến mốc 650 điểm từ nay đến cuối năm”.

Nhà đầu tư ngắn hạn nên ngừng giải ngân

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC)

“Chúng tôi tương đối thận trọng đối với diễn biến của thị trường trong bối cảnh hiện tại và thị trường tiếp tục được đẩy lên cao cùng với khối lượng giao dịch lớn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng nhận thấy áp lực bán đang tăng lên theo tỷ lệ đối với đà tăng của VN-Index.

Nếu thị trường giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 15/9, VN-Index được dự báo sẽ có thêm một vài phiên điều chỉnh kế tiếp đó và xu thế tăng của thị trường cũng như sóng 5 Elliott sẽ có nguy cơ kết thúc.

Tuy nhiên trong trường hợp đó, thị trường có một vùng hỗ trợ tại 513 - 525 điểm và đây mới là chốt chặn cuối cùng của thị trường.

Trong trường hợp VN-Index tiếp tục đi lên (khả năng xảy ra hiện được đánh giá thấp hơn), thị trường có một vùng kháng cự khá rộng tại 560 - 576 điểm.

Mặc dù mùa kết quả kinh doanh đang đến gần, song với việc tăng “quá nóng” của một số nhóm mã cổ phiếu như trong bối cảnh hiện tại, rủi ro đầu tư ngắn hạn đang đứng ở mức cao.

Vì vậy, tại thời điểm hiện tại chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên ngừng hoạt động giải ngân và chỉ nên nắm giữ danh mục đầu tư hiện tại để chờ đợi xu thế rõ ràng hơn. Nếu thị trường có diễn biến tiêu cực, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét bán ra từng phần”.

Nên chốt lời khi thị trường đang hưng phấn

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt - VCSC)

“Trước khuyến nghị của một số tổ chức nước ngoài như Credit Suisse và HSBC cảnh báo về quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục phiên bán ròng liên tiếp thứ 6 của mình với giá trị bán ròng tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 14/9.

Kết quả kinh doanh quý 3 dự kiến rất khả quan của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản (HAG, SJS), cao su (CSM), thép (HPG, VIS, HLA…), và thực phẩm (KDC, BBC), cùng với các thông tin chia tách hấp dẫn hiện đang là động lực và cơ sở chính cho các quyết định mua bán của nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhà đầu tư nội địa hiện vẫn rất lạc quan về xu hướng hiện tại của thị trường, những thông tin tích cực hơn từ nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn hết sức cần thiết để củng cố cho đà tăng bền vững của VN-Index trong thời gian tới.

Với mức tăng giá hơn 20% của nhiều cổ phiếu, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên chốt lời khi thị trường đang ở mức hưng phấn như hiện nay. Các phiên điều chỉnh để kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 550 sẽ tạo ra cơ hội tốt hơn cho các nhà đầu tư ngắn hạn”.

Cổ phiếu ở Việt Nam chưa phải là quá đắt

(Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect)

“Xu thế tăng điểm của thị trường chưa hề bị thay đổi và đây vẫn là điều kiện lý tưởng để nắm giữ cổ phiếu, và chỉ nên chốt lãi ở mức giá trần ngay trong phiên.

Theo cập nhật của chúng tôi thì hiện tại hệ số giá trên thu nhập (P/E) của thị trường đang ở mức 16,57 và P/E cho năm 2009 là 15,4, còn hệ số giá trên giá trị sổ sách (P/B) đang ở mức 3,04.

Các con số trên vẫn đang phản ánh thị trường Việt Nam chưa phải là quá đắt, nhưng các nhà đầu tư cũng nên đề phòng rủi ro với các khoản đầu tư của mình vào các công ty khi mức P/E đã vượt quá 30 và P/B lớn hơn 5.

Một vài cổ phiếu khối vận tải (những cổ phiếu đảm bảo được lợi nhuận trong năm nay) vẫn là nhóm được chúng tôi khuyến nghị mua và nắm giữ, với kì vọng về sự phục hồi của giá cổ phiếu luôn đi trước những con số thống kê trong thực tế khoảng 6 tháng”.

* Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 15/9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO