Giải hạn cho…”nước”

VŨ HOÀNG| 15/04/2010 03:34

Sở Công Thương TP.HCM vừa cho biết, có hơn 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn rất thấp, nhu cầu vay vốn mở rộng kinh doanh rất lớn, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vô cùng khó khăn.

Giải hạn cho…”nước”

Sở Công Thương TP.HCM vừa cho biết, có hơn 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn rất thấp, nhu cầu vay vốn mở rộng kinh doanh rất lớn, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vô cùng khó khăn.

Chính những khó khăn này đã lý giải vì sao vừa qua, khi họp với Phó chủ tịch UBND thành phố, các hiệp hội, DN TP.HCM đều than phiền về việc vốn và lãi suất trở thành gánh nặng quá cao khiến sản xuất kinh doanh có nguy cơ sút giảm nếu Nhà nước không sớm giải quyết. Mọi người đều cho rằng, mức lãi suất ngân hàng quá cao hiện nay khiến DN không vay được vốn, trong khi thủ tục cho vay rườm rà lại không thống nhất, gây thêm khó khăn cho người kinh doanh khát vốn.

Các doanh nhân đã mạnh dạn kiến nghị giảm dần mặt bằng lãi suất xuống dưới 12%, dành tín dụng ưu đãi, ưu tiên và quỹ ngoại tệ cho DN xuất khẩu vay. Tuy nhiên, đến nay, các lãnh đạo của thành phố vẫn chỉ trả lời rằng: “Sẽ phân tích các ý kiến để đề nghị giải quyết, trong bối cảnh trung ương và thành phố đang phải gắng đạt hai mục tiêu là kiềm chế lạm phát và phát triển sản xuất kinh doanh”.

Chưa biết mọi chuyện sẽ đi theo hướng nào, nhưng không ít chuyên gia đưa ra những dự báo đầy khó khăn về việc khả năng nền kinh tế không được cung cấp đủ vốn. Nhớ cách đây chưa lâu, chuyên gia Bùi Kiến Thành, nhà tư vấn chiến lược kinh tế của Chính phủ nhận định rằng, người làm nông nghiệp có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, với DN thì vốn chẳng khác nào nguồn nước để làm nông.

Cũng theo vị này, đây là câu hỏi lớn nhất đối với thị trường tài chính năm nay. Bởi nếu năm ngoái DN hoạt động với vốn chịu lãi suất 6,5% thì nay sẽ không chỉ là 12% mà có thể là 16%, thậm chí 18%/năm. Quả là một thử thách lớn khi DN phải hoạt động với chi phí vốn đầu vào tăng gấp đôi ba như hiện nay.

Có thể thấy rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng như trong năm 2009 mang lại một số hệ quả chưa như mong muốn. Nhưng lạm phát là điều người ta có thể thấy trước chứ không phải một tai nạn. Như vậy, thấy trước chiều hướng lạm phát để đưa ra biện pháp khắc phục chứ không phải kìm nén và cố kéo cho bánh xe kinh tế dừng lại.

Việc tìm vốn cho DN không chỉ có ý nghĩa duy trì lợi nhuận cho bản thân DN đó mà nó còn có ý nghĩa to lớn hơn là đóng góp vào sự phát triển GDP, giúp ổn định nền kinh tế. Rõ ràng, DN có vai trò không nhỏ trong vòng quay này. Hay như ông Bùi Kiến Thành từng tuyên bố trên báo chí, nền kinh tế là một thực thể sống, phải nhấn mạnh yếu tố phát triển ổn định bền vững. DN cần vốn để tồn tại và phát triển ổn định. Nếu cắt nước, đồng sẽ cháy, ruộng sẽ khô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải hạn cho…”nước”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO