Forex: Mua tận gốc, lời tận ngọn?

QUỲNH CHI| 12/11/2009 09:17

Forex là hình thức kinh doanh, mua bán tiền tệ trực tuyến. Cái hay của forex là nếu trong tài khoản có 300 đến 500 USD thì có thể mua bán được tới 15.000 đến 25.000USD, tức gấp 50 lần...

Forex: Mua tận gốc, lời tận ngọn?

Forex là hình thức kinh doanh, mua bán tiền tệ (thường được gọi là kinh doanh ngoại hối) trực tuyến. Cái hay của forex là nếu trong tài khoản có 300 đến 500 USD thì có thể mua bán được tới 15.000 đến 25.000USD, tức gấp 50 lần. Sự hấp dẫn của forex netting trading (kinh doanh ngoại tệ không cần có ngoại tệ giao dịch thực tế mà chỉ cần chốt lỗ/lãi theo mức chênh lệch giá khi hết phiên) đã lôi kéo nhiều người tham gia.

Bỏ 2.000, mua 100.000

Rủi ro của hình thức mua bán tiền tệ khiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán không mở thêm sàn giao dịch vàng - Ảnh: Quý Hòa

Chẳng thế mà chỉ chưa đầy một năm, trên thị trường VN đã có gần 20 sàn vàng và hàng trăm trang web giao dịch kiểu này ra đời, với doanh số mỗi ngày lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng nhiều người chưa biết rằng, hình thức kinh doanh mạo hiểm (high leveraged trading) này được khuyến cáo là chỉ nên dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các công ty lớn (có độ hấp thụ rủi ro cao).

Nhà đầu tư Quốc Thanh (sàn FXDD) nói: “Đầu tư cổ phiếu bỏ vốn quá nhiều mà mua bán T+3 cũng thấy mệt. Chơi forex chỉ cần bỏ ra 2.000 USD có thể mua được 100.000 USD. Tức là chỉ phải đặt tiền cọc có 2%. Hơn nữa, nếu tỷ giá chênh lệch là có thể bán được ngay. Mua trước bán sau hoặc ngược lại. Thị trường hoạt động 24 giờ/ngày, sáu ngày/tuần”.

Cơ sở của forex là tỷ giá chênh lệch giữa những đồng tiền của các quốc gia. Tỷ giá này được tính toán dựa trên tổng số tiền đầu tư, nên nó không cố định và được cập nhật liên tục bởi các tổ chức tài chính hay hệ thống ngân hàng (NH). Nó biến đổi tùy tình hình cụ thể của thị trường và chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, như tin tức chính trị, chính sách kinh tế, biến động kinh tế ảnh hưởng tới "sức khỏe" của một loại tiền tệ nào đó.

Cơ hội sinh lời của thị trường này dựa vào sự phán đoán và phân tích tình hình của các trader theo nguyên tắc mua vào lúc đang xuống (giảm giá trị) và bán ra lúc đang lên (tăng giá trị), đương nhiên phải tương quan với một loại tiền tệ cụ thể nào đó. Đây là một kênh đầu tư thu lời chiếm tỷ trọng cực lớn đối với tất cả các NH ở VN. NH nào cũng có một phòng kinh doanh ngoại tệ.

Bên cạnh sự nở rộ các sàn giao dịch vàng trong nước, các website giao dịch forex đặt đại diện tại VN cũng ngày càng nhiều. Đại diện Trung tâm Giao dịch vàng của ACB cho biết, hiện trung tâm đã phát triển được 150 điểm giao dịch và nhận lệnh; Trung tâm Giao dịch vàng Eximbank (SJC) có 40 điểm giao dịch trên cả nước. Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi - Tổng giám đốc Công ty Vàng Bạc Đá quý SBJ của Sacombank, cho biết, điểm giao dịch của công ty này đã lên đến 230. Các sàn giao dịch forex cũng mọc lên vô số, như Marketiva, Fxpro, FXDD, Ifcmarkets và Avafx...

Lời 20, lỗ 80

Nhiều người cho rằng, forex là một thị trường “siêu lợi nhuận”, nhưng trên thực tế đã có không ít bài học về "Forex netting trading" ở VN và quốc tế. Một trong những bài học không thể không nhắc đến là vụ thua lỗ 500 tỷ của nhân viên làm forex ở NH Agribank. Thua đến 30 triệu USD nhưng nhiều năm sau thông tin này mới bại lộ, vì lãnh đạo NH chủ trương gỡ lại.

Tuy nhiên, không ngờ rằng chuyện “càng muốn gỡ, càng thua” lại “linh ứng” ở thị trường này đến vậy. Những người có thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh vàng cũng cho biết, trên thị trường vàng tài khoản gần đây chỉ có khoảng 20% nhà đầu tư có lời, 80% là lỗ. Sở dĩ như vậy là vì nhiều nhà đầu tư đã dự đoán sai xu hướng nên không cắt lỗ kịp thời khi vàng ở dưới 1.000 USD/ounce và lên 1.020 USD/ounce. Bài học kinh doanh trong thị trường này được nhiều người công nhận là “nếu không stoploss (điểm dừng lỗ) đúng thời điểm thì thua lỗ trong tầm tay”.

Gần đây, tiếp theo việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán không mở thêm sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản tương tự đối với các NH thương mại. Nhưng hiện vẫn đang tiếp tục có nhiều sàn giao dịch vàng ra đời, với cơ sở pháp lý và các nền tảng khác khá mong manh.

Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Giao dịch vàng VN (VGB), các nhà đầu tư tham gia các sàn giao dịch ở nước ngoài sẽ gặp một rủi ro lớn là tiền chuyển ra nước ngoài có khả năng sẽ không được chuyển về nước trở lại, nhà đầu tư khó có khả năng lấy lại tiền vì các công ty này đều nằm ở nước ngoài.

“Đã từng có nhiều sàn vàng của Đài Loan, Hồng Kông, Singapore đề nghị VGB hợp tác làm đại lý cho các nhà đầu tư chơi trên sàn nước ngoài thông qua VGB, nhưng khi tôi yêu cầu họ mở một tài khoản phong tỏa tại NH để có thể chuyển trả tiền lời cho nhà đầu tư trong nước thì họ nhất định không chịu, buộc tiền phải chuyển sang NH của họ ở nước ngoài”, ông Hải cho biết.

Hiện các trang web forex thông dụng đều có ghi địa chỉ email và số điện thoại ở nước ngoài để nhà đầu tư có thể liên hệ khi gặp sự cố, nhưng độ tin cậy thì không có ai xác nhận. Nếu có sự cố gì xảy ra, như mạng có vấn đề dẫn đến thua lỗ cho nhà đầu tư, sẽ không có bất kỳ khung pháp lý nào bảo vệ cho những nhà đầu tư này.

Các chuyên gia nói rằng, trong điều kiện đó, kìm hãm hình thức này để củng cố nền tảng là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, kìm hãm chỉ nên nhằm củng cố cơ sở, nền tảng của thị trường và hạn chế sự quá "nóng” của nhà đầu tư, chứ không nên “phanh” bằng biện pháp hành chính hóa (cấp phép). Các quy chế đưa ra cũng nên theo hướng nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các bên (nhà tổ chức, nhà đầu tư,...) tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Forex: Mua tận gốc, lời tận ngọn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO