Dự báo tích cực cho một số doanh nghiệp trên sàn

NGỌC THỦY| 25/12/2014 03:37

Trước những chuyển biến mới về thị trường và ngành nghề, năm 2015 được dự đoán sẽ là năm có nhiều thay đổi quan trọng theo hướng tích cực ở một số doanh nghiệp niêm yết (DNNY).

Dự báo tích cực cho một số doanh nghiệp trên sàn

Trước những chuyển biến mới về thị trường và ngành nghề, năm 2015 được dự đoán sẽ là năm có nhiều thay đổi quan trọng theo hướng dự báo tích cực ở một số doanh nghiệp niêm yết (DNNY).

Đọc E-paper

Chuyển hướng ngoạn mục

Đầu tháng 12/2014, trong Đại hội đồng cổ đông bất thường, Kinh Đô ( mã chứng khoán KDC) chính thức công bố chuyển nhượng 80% cổ phần Công ty CP Kinh Đô Bình Dương (BKD) cho Mondelez International với giá chuyển nhượng 7.847 tỷ đồng.

Với việc chuyển nhượng này, từ nửa cuối năm 2015, Kinh Đô sẽ không còn mảng bánh kẹo - ngành nghề cốt lõi lâu nay của Kinh Đô. Thiếu hụt nguồn thu từ bánh kẹo, kinh doanh của Kinh Đô năm 2015 có bị ảnh hưởng nghiêm trọng?

Theo kế hoạch, với số tiền thu về gần 10.000 tỷ đồng từ bán mảng bánh kẹo, KDC sẽ trích 1.575 tỷ đồng để đầu tư (xem box). Các khoản đầu tư này dự kiến sẽ đem lại 8.900 - 10.200 tỷ đồng doanh thu, cao hơn con số 5.100 tỷ đồng mà KDC đề ra cho năm 2014.

Cụ thể, KDC đặt mục tiêu kem KIDO sẽ góp doanh thu 1.500 - 1.600 tỷ đồng; mảng dầu ăn (Vocarimex) đạt doanh thu 5.500 - 6.000 tỷ đồng; Mì gói ước đạt doanh thu 1.900 - 2.500 tỷ đồng; lãi từ gởi tiền mặt mang về khoảng 750 - 900 tỷ đồng.

Để đạt được kế hoạch này, cuối tháng 11/2014, KDC đã tung ra thị trường 5 sản phẩm mì gói ở phân khúc cấp thấp mang thương hiệu "Đại Gia Đình", hợp tác với Saigon VeWong. Tính đến nay, mì gói của KDC đã đến được 54/63 tỉnh, thành với 86.000 điểm bán trên cả nước. Dự kiến đến tháng 6/2015, Kinh Đô sẽ có thêm sản phẩm mì gói cao cấp.

Trong lĩnh vực dầu ăn, KDC sẽ nâng sở hữu tại Vocarimex từ 24% lên trên 51% vốn và đã cử 3 đại diện vào HĐQT của Vocarimex. Kinh Đô dự kiến phát triển hệ thống phân phối, phát triển một số thương hiệu sản phẩm mới, hỗ trợ kỹ năng hoạt động cho Vocarimex và đến quý II/2015 sẽ tung sản phẩm dầu ăn ra thị trường.

Tuy nhiên, nhà đầu tư có phần lo lắng cho kế hoạch táo bạo của Kinh Đô. Bởi so với các đối thủ như Acecook Việt Nam, Masan Food thì Kinh Đô vẫn là "lính mới", thiếu kinh nghiệm và còn yếu thế. Các đối tác mà Kinh Đô bắt tay như Saigon VeWong (với thương hiệu mì A-One) và Vocarimex (sản phẩm dầu Voca) chiếm thị phần khiêm tốn trên thị trường.

Đơn cử, theo Euromonitor, năm 2013, Saigon VeWong chỉ chiếm 5,1% thị phần mì gói, thấp hơn rất nhiều so với Acecook Việt Nam (51,5%), Masan Food (16,5%), Asia Food (12,1%). Dù vậy, theo ông Trần Kim Thành, Chủ tịch của Kinh Đô, những ngành hàng mới của KDC đều là chế biến thực phẩm - một ngành có tốc độ tăng trưởng cao và còn rất tiềm năng tại Viêt Nam.

Vì thế, dù có thách thức, rủi ro thì theo lãnh đạo KDC, cơ hội cho Kinh Đô vẫn nhiều. Liệu KDC có thể chuyển hướng thành công và đạt được các mục tiêu như đề ra hay không vẫn còn là ẩn số.

Triển vọng từ đầu tư

Công ty CP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (TCO) là doanh nghiệp vận tải đường bộ, kinh doanh kho bãi với địa bàn hoạt động chính tại khu vực Hải Phòng. Lâu nay, TCO vẫn duy trì kinh doanh ổn định nhờ những lợi thế như vận tải trên tuyến đường cố định, mạng lưới khách hàng lớn và ổn định, quỹ đất dành cho hoạt động kho bãi lớn (10ha) nhưng chỉ mới khai thác khoảng 1ha.

Tuy nhiên, theo BVSC, với việc TCO chuẩn bị triển khai dự án kho DC (Distribution Center), kinh doanh của TCO trong năm 2015 và các năm tiếp theo hứa hẹn nhiều triển vọng.

Kho DC là hình thức kho hiện đại, giúp khách hàng không chỉ lưu trữ mà còn có thể kiểm soát hàng hóa và linh hoạt thời gian vận chuyển. Do tính chất ưu việt, giúp tăng chất lượng lưu kho mà nhu cầu kho DC rất cao. Tại Việt Nam, mới chỉ xuất hiện một số kho DC như kho DC tại KCN VSIP 1 của Unilever, kho DC tại ICD Sóng Thần của P&G, kho DC của Gemadept...

Theo kế hoạch, TCO sẽ chi ra 20 tỷ đồng bằng nguồn vốn chủ sở hữu để khởi công xây dựng kho mới với diện tích 9.000m2 (5.000m2 dành cho kho DC và 4.000m2 xây kho CFS) ngay trong đầu năm 2015 và dự kiến đến quý IV/2015 kho sẽ đi vào hoạt động.

Khi đó, kho DC của TCO sẽ là kho DC đầu tiên tại Hải Phòng với định hướng tập trung vào nguồn khách hàng là các công ty đa quốc gia lớn thuộc ngành hàng tiêu dùng như Nestlé, DutchLady...

Trong năm 2015, kho DC hoạt động với khoảng 60% công suất, ước đem lại 4,8 tỷ đồng doanh thu và 1,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST) cho TCO. Doanh thu và lợi nhuận từ kho DC sẽ tiếp theo tăng trưởng đều đặn khoảng 11,4%/năm và đạt công suất tối đa cho giai đoạn 1, dự kiến góp 32 tỷ đồng doanh thu và 14 tỷ đồng LNST vào năm 2020.

Với Công ty CP Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), năm 2015 dự kiến là năm tăng trưởng đột biến về lợi nhuận, ước tăng 300%. Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch của TSC, mảng thực phẩm sẽ góp khoảng 60 - 70 tỷ đồng, mảng nông dược từ chỗ chưa đóng góp được gì trong năm 2014 sẽ góp khoảng 15 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2015.

Mảng giống dù còn non trẻ cũng dự kiến đóng góp khoảng 15 tỷ đồng vào lợi nhuận năm. Cùng với đó, ông Sang nhấn mạnh, cộng thêm các khoản lợi nhuận từ thanh lý tài sản và bán hàng thương mại, con số 150 tỷ đồng lợi nhuận cho năm 2015 sẽ khả thi.

Một số công ty bất động sản như Khang Điền (KDH), Đất Xanh (DXG), Nam Long (NLG), Năm Bảy Bảy (NBB)... dự báo một năm 2015 tăng trưởng tốt so với năm 2014.

Điển hình, kinh doanh của KDH năm 2015 hứa hẹn sáng sủa nhờ các yếu tố như đường kết nối cao tốc Long Thành - Dầu Giây sắp hoàn thành và dự án mở rộng đường Lương Định Của (60m) bắt đầu triển khai vào năm 2015 sẽ gia tăng giá trị cho danh mục dự án của KDH.

Năm 2015, KDH dự kiến sẽ triển khai kinh doanh và ghi nhận nguồn thu từ dự án Mega Trí Minh ( 226 căn, chiếm 70% tổng doanh thu dự án ) và Mega Ruby (185 căn, chiếm 79% tổng doanh thu dự án ). Với tiến độ ghi nhận này, giới phân tích ước tính doanh thu của KDH trong năm 2015 tăng gấp đôi, lợi nhuận tăng gấp rưỡi so với năm 2014.

Kinh doanh của một số đơn vị như Vĩnh Hoàn (VHC), Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng dự kiến thay đổi đáng kể nhờ những hoạt động đầu tư mở rộng từ trước đó.

Đơn cử, nhà máy collagen của Vĩnh Hoàn khởi công từ năm ngoái đã chạy thử nghiệm và sau nhiều năm nghiên cứu đầu tư, sản phẩm collagen sẽ có mặt trên thị trường từ quý I/2015, bắt đầu góp phần quan trọng vào cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của công ty. Từ chỗ gần như chưa có đóng góp gì, theo báo cáo thường niên năm 2013, dự kiến collagen sẽ góp 150 tỷ đồng vào doanh thu năm 2015.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp thuộc các ngành như may mặc, da giày, đồ gỗ... dự kiến sẽ hưởng lợi từ các yếu tố thị trường thuận lợi. Cụ thể, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Gỗ Trường Thành (TTF), chia sẻ, Việt Nam ký kết TPP và VN-EU FTA sẽ là một bước đệm rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có nguyên liệu đầu vào trong nước từ rừng trồng như TTF.

Hiện nay TTF đang quản lý gần 12.000ha rừng trồng đã đến chu kỳ khai thác lấy gỗ. Đến cuối năm 2014 TTF sẽ khai thác 500ha rừng và kể từ năm 2015 sẽ khai thác mỗi năm 1.000ha.

Việc này sẽ giúp Công ty thu hồi vốn đầu tư mỗi năm 120 tỷ đồng. Hay Công ty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) dự kiến doanh thu năm 2015 đạt 1.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 72 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu sẽ phát triển doanh thu tăng trưởng 20 - 25%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dự báo tích cực cho một số doanh nghiệp trên sàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO