Chưa vội mừng

TS. ĐINH THẾ HIỂN| 30/09/2011 08:46

Người tiêu dùng Việt Nam vẫn khá “hiền”với các ngân hàng (NH) trong nước. Nhưng các NH nội không nên vội mừng với lợi thế này trước sự gia tăng cạnh tranh của NH nước ngoài.

Chưa vội mừng

Người tiêu dùng Việt Nam vẫn khá “hiền”với các ngân hàng (NH) trong nước. Nhưng các NH nội không nên vội mừng với lợi thế này trước sự gia tăng cạnh tranh của NH nước ngoài.

Khoảng cách còn xa

85% thị phần tập trung vào 12 NH thương mại lớn - Ảnh: Quý Hòa

Mặc dù các NH trong những năm gần đây đã có nhiều nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nhưng mức độ tiếp cận dịch vụ NH tại Việt Nam vẫn còn thấp so với khu vực và thế giới.

Mức độ phân bổ các chi nhánh, phòng giao dịch không đồng đều, chủ yếu tập trung tại thành thị, quy mô phòng giao dịch, thậm chí chi nhánh còn chưa xứng tầm.

Đối với khách hàng cá nhân thì tỷ lệ tiếp cận và sử dụng dịch vụ NH còn ở mức khiêm tốn. Phương thức giao dịch chủ yếu vẫn là giao dịch trực tiếp tại quầy, còn giao dịch thông qua hệ thống điện tử còn chưa phổ biến. Mảng kinh doanh thẻ và thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn chưa được phát triển rộng rãi.

Các ứng dụng trong việc sử dụng thẻ còn chưa đa dạng, mức độ liên minh giữa các NH trong hệ thống thẻ (Smartlink) còn chưa cao gây khó khăn và bất tiện cho người sử dụng.

Trung thành với thương hiệu ngân hàng

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Masso Survey (thuộc Trung tâm nghiên cứu Masso Group), độ hài lòng và sự trung thành của người tiêu dùng đối với các thương hiệu NH trong nước khá cao và không có sự khác biệt lớn giữa các NH. Theo đó, những khách hàng nào đã lựa chọn được NH cho mình thì đều có lý do để hài lòng với nó và có đến 88% khách hàng nói rằng không có ý định thay đổi NH đang sử dụng. Như vậy, Masso Survey cho rằng người tiêu dùng Việt Nam vẫn khá “hiền” đối với các sản phẩm dịch vụ NH. Họ vẫn chưa mạnh dạn đòi hỏi những quyền lợi đáng có của khách hàng, trong khi người tiêu dùng châu Á nói chung rất khắt khe với chất lượng dịch vụ của các NH và mạnh dạn hơn trong việc thay đổi và chọn lựa NH mới. Không những thế, cách thức giao dịch truyền thống qua phòng giao dịch và ATM vẫn thống trị tại Việt Nam, trong khi các kênh giao dịch mới qua online, mobile lại đang trở nên phố biến ở châu Á...

Theo thống kê của tạp chí The Economist, Việt Nam nằm trong top 10 nước cao nhất có số người trưởng thành không tiếp cận được với dịch vụ NH.

Đối với khách hàng doanh nghiệp thì mức độ tiếp cận và sử dụng dịch vụ NH cũng chỉ dừng ở mức vừa phải. Các sản phẩm cho các DN chủ yếu là cho vay tài trợ thương mại, thu - chi hộ, chiết khấu thư tín dụng, hối phiếu, phát lương qua tài khoản...

Thống kê hiện tại các NH nội địa cao nhất cũng chỉ khoảng hơn 300 nghiệp vụ kinh doanh, trong khi các NH nước ngoài thì con số này lên tới hàng ngàn nghiệp vụ.

Nhìn chung, thị trường NH bán lẻ tại Việt Nam hiện nay còn rất nhiều tiềm năng do nền kinh tế đang tăng trưởng cao, dân số đông, thu nhập đang cải thiện và chưa tiếp cận nhiều tới dịch vụ NH so với các nước phát triển.

Tuy nhiên, đây cũng là thị trường cạnh tranh gay gắt, với trên dưới 100 NH trong và ngoài nước.

Có khá nhiều NHTM của Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư nhân lực và tài lực để xây dựng nền tảng phát triển, gặt hái được nhiều thành công và được các tổ chức tài chính thế giới công nhận như Sacombank, Techcombank, ACB, Đông Á...

Nhưng nếu so với các NH nước ngoài hiện đang hoạt động tại như HSBC, ANZ, Citibank... hay các NH bán lẻ trong khu vực như NH bán lẻ của Thái Lan, Singapore hay Malaysia thì khoảng cách vẫn còn khá xa. Do vậy, các NHTM Việt Nam cũng đang có nỗ lực cấu trúc, nâng cao quy mô và chất lượng để giữ vững thị phần.

So với các NH trong nước, hiện nay các NH nước ngoài đang đẩy mạnh mở rộng thị trường cũng như cung cấp các sản phẩm dịch vụ trên thị trường này. Với lợi thế rất lớn về vốn, kỹ thuật và công nghệ thì trong tương lai cạnh tranh trong thị trường này sẽ chắc chắn còn khó khăn hơn rất nhiều.

Do đó, để tăng cường hiệu quả và đa dạng hóa dịch vụ tài chính cá nhân, NH trong nước phải rà soát lại những nguồn lực hiện có và chọn ra phân khúc mình có thế mạnh. Trên cơ sở những nhân tố quan trọng như nền tảng công nghệ, yếu tố con người, nền tảng pháp lý. Bên cạnh đó, mỗi NH cần xác lập một tiêu chí riêng.

Ví dụ, NH bán lẻ thì tập trung hiện đại hóa các nghiệp vụ liên quan tới tín dụng cá nhân hay NH liên quan nhiều tới nghiệp vụ ngoại thương thì hiện đại hóa hệ thống giao dịch kết nối với các NH nước ngoài. NH quy mô nhỏ thì lên tập trung vào một phân khúc thị trường thay vì cũng hướng tới mô hình tập đoàn tài chính như các NH lớn.

Manh mún phần đáy

Các NH đang có xu hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu thông qua việc đổi mới, đầu tư cho công nghệ và đội ngũ nhân lực, nhưng mức độ tập trung còn khá yếu.

Mức độ tập trung chủ yếu ở các NH lớn và có tiềm lực mạnh như EIB, VCB, ACB, TCB, STB... trong khi đa phần các NH Việt Nam hiện nay đều là những NH có quy mô nhỏ. (Thống kê đến năm 2010, cả nước có hơn 80 NH đang hoạt động nhưng tới 85% thị phần tập trung vào 12 NHTM lớn).

Do tính chất của hệ thống NH Việt Nam là số lượng khá nhiều nhưng lại không đồng đều, chủ yếu tập trung ở phần đỉnh nhưng lại manh mún ở phần đáy. Khoảng cách giữa NH có quy mô lớn nhất (theo tiêu chí tổng tài sản) so với NH có quy mô nhỏ nhất hiện nay tới 67 lần.

Tỷ trọng kinh doanh chính của các NH hiện nay vẫn là tín dụng và các NH chủ yếu cạnh tranh nhau về lãi suất. Tâm lý ăn đong, lấy ngắn nuôi dài và tâm lý người dân chuộng gửi ở những NH có lãi suất cao hơn khiến tình trạng chạy đua lãi suất diễn ra trong suốt nhiều năm liền.

Nhiều NH có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu và luôn trong tình trạng yếu thanh khoản ảnh hưởng đến tình hình hoạt động chung của toàn hệ thống. Đối với một số NH lớn như EIB, ACB, MSB... thật sự đang có chuyển biến về chiêu sâu thông qua tái cấu trúc hệ thống, đầu tư công nghệ và nhân lực.

Tuy nhiên, nhiều các NH nhỏ, vẫn chưa thật sự tập trung cho phát triển chiều sâu mà chỉ quan tâm đến phát triển chiều rộng như tăng quy mô chi nhánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chưa vội mừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO