Chảy đi tiền ơi!

HÀ LINH| 27/03/2013 08:52

Tiền đồng tiếp tục ứ đọng ở ngân hàng (NH) và các tổ chức tín dụng tỏ ra bi quan về việc đẩy vốn ra trong năm nay. Chính vì thế, tiền đang chảy vào trái phiếu và tín phiếu.

Chảy đi tiền ơi!

Tiền đồng tiếp tục ứ đọng ở ngân hàng (NH) và các tổ chức tín dụng tỏ ra bi quan về việc đẩy vốn ra trong năm nay. Chính vì thế, tiền đang chảy vào trái phiếu và tín phiếu.

Đọc E-paper

Dư thừa vốn

Để khơi thông dòng vốn tín dụng, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục chủ động giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay.

Nhìn chung, ngoài một số NHTM có quy mô vừa và nhỏ vẫn duy từ mức lãi suất huy động VND quanh 11,5-12%/năm, còn lại các NHTM như BIDV, VCB, ACB, SCB, OCB, DongA Bank... đều đã hạ lãi suất xuống dưới 11%/năm.

Cụ thể, mức điều chỉnh lãi suất huy động VND đối với các kỳ hạn dài đều giảm 1%/năm so với trước đó. Riêng các kỳ hạn ngắn, trần tối đa trung bình là 8%/năm.

Theo đó, với mức gửi kỳ hạn 1-6 tháng hình thức lĩnh lãi cuối kỳ, người gửi chỉ được nhận khoảng 6 -7%/năm. Mức giảm khá lớn tính từ đầu năm đến nay.

Lý giải điều này, phần lớn các NHTM đều nói rằng do cung đang vượt cầu. Cụ thể, hiện nay tại nhiều NHTM, dù lãi suất huy động giảm nhưng lượng tiền gửi vẫn cao hơn rất nhiều so với số tiền cho vay ra. Đó là chưa kể ở những tháng cuối năm 2012, lo ngại người dân sẽ rút tiền nhiều nên các NH đã trữ thanh khoản rất lớn.

Một số NH thậm chí đã để trạng thái ngoại hối âm và ưu tiên cho tiền đồng. Tác động có thể thấy rõ khi nhìn vào lãi suất chào vay bình quân ngày 28/1/2012: kỳ hạn qua đêm tăng lên 2,89% (tăng 58 điểm so với tuần trước đó). Có nhận xét thời điểm đó các NHTM rơi vào tình trạng thiếu hụt vốn tạm thời trong hệ thống.

Tuy nhiên, sau Tết, khi thống kê lại người ta mới thấy năm nay lượng tiền rút không bao nhiêu, thậm chí có rất nhiều khách hàng còn gửi tiết tiệm ở những ngày cuối cùng của năm cũ.

Về cơ bản, điều này có lợi cho NH vì thanh khoản được cải thiện, nhưng trong bối cảnh tín dụng tăng thấp mà tiền cũ tiền mới dồi dào khiến các NHTM rơi vào tình trạng dư thừa vốn.

Thừa nhận điều này, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc NH Phương Đông, nói rằng, việc cho vay của các NH đang gặp khá nhiều khó khăn. Dù lãi suất cho vay đã giảm nhưng khách hàng vẫn ngại vay vì tình hình kinh doanh chưa có nhiều chuyển biến.

Các NH đang rất nỗ lực trong việc tìm kiếm khách hàng vay. Còn theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc NH DongA Bank, hiện nay lượng vốn huy động NH tăng đều trong khi cá nhân và doanh nghiệp đều không có nhu cầu vay vốn, vấn đề kiểm soát lạm phát cũng rất khả quan nên chuyện các NHTM chủ động giảm lãi suất là điều dễ hiểu.

Tiền chạy vòng quanh

Trước tình hình đó, nhiều NHTM buộc phải tìm chỗ cho dòng tiền này chảy đi. Trong đó, trái phiếu đang là lựa chọn hàng đầu của các NH mặc cho lợi tức trái phiếu Chính phủ rớt xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua (kỳ hạn 1 năm 7,64%, hai năm 8,26%).

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 4 phiên đấu thầu thành công với tỷ lệ trúng thầu bình quân là 94%, huy động được 7.810 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, 11.950 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, 6.610 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 888 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm.

Như vậy, tổng lượng trái phiếu phát hành hai tháng đầu năm 2013 gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2012, đạt 27.258 tỷ đồng, cùng với đó, vùng lãi suất huy động đã giảm so với cuối năm ngoái và dao động trong khoảng từ 8,3%-9,3%/năm.

Không chỉ dùng tiền để mua trái phiếu, các NH tiếp tục đổ tiền vào tín phiếu. Trên thị trường OMO, Ngân hàng Nhà nước tích cực hút ròng thông qua việc phát hành tín phiếu với các kỳ hạn 91 ngày và 182 ngày, tính từ ngày 3/1/2013 đến nay, NHNN đã phát hành tổng cộng 75.132 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất 6,25- 7,19%/năm, đưa lượng tín phiếu chưa đáo hạn tính đến ngày 28/2/2013 lên 108.887 tỷ đồng.

Cả hai dấu hiệu trên cho thấy dòng tiền các NHTM đổ vào trái phiếu đang rất lớn. Theo số liệu mà Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà đưa ra trong Hội nghị gần đây thì đến 85-90% dư nợ trái phiếu nằm trong tay các NH.

Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ lượng trái phiếu khá thấp, chỉ 6-7% số dư trái phiếu. Cũng theo ông Hà, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư trái phiếu chính phủ tuy lợi tức thấp nhưng có độ an toàn cao, rủi ro thấp.

Theo đó, dù biết rằng tiền để kho chờ ngày đáo hạn thay vì dùng để kích thích sản xuất kinh doanh sẽ không có lợi cho nền kinh tế, nhưng lúc này đây là lựa chọn hợp lý đối với các NHTM.

Bởi trái phiếu là thứ tài sản chống lưng được tìm đến nhiều hơn trong giai đoạn kinh tế suy thoái, đặc biệt trong trường hợp các NHTM chưa thể tăng trưởng tín dụng như mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chảy đi tiền ơi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO