Báo cáo tài chính quý II/2016: Về đích sớm chưa hẳn hấp dẫn

DIỆU THẢO| 10/08/2016 01:19

Nhóm doanh nghiệp thuộc ngành thép, vật liệu xây dựng có kết quả ấn tượng hơn cả. Do đó, đây là nhóm công bố báo cáo tài chính sớm nhất.

Báo cáo tài chính quý II/2016: Về đích sớm chưa hẳn hấp dẫn

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã đến. Đến ngày 4/8, đã có khoảng 650 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý II/2016. Nhờ đó giới đầu tư đã có thể hình dung rõ ràng bức tranh kinh doanh nửa đầu năm 2016 của các doanh nghiệp niêm yết và những doanh nghiệp đã hoàn thành sớm kế hoạch cả năm. 

Đọc E-paper

Sáu tháng đầu năm nay, xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn là tăng trưởng, với phần lớn các công ty đều làm ăn có lãi. Trong đó, nhóm doanh nghiệp thuộc ngành thép, vật liệu xây dựng có kết quả ấn tượng hơn cả. Chính vì thế, đây là nhóm công bố báo cáo tài chính sớm nhất.

Nhiều công ty hoạt động trong những ngành này cũng đã về đích trước hạn: Hoa Sen Group (HSG), Thép Nam Kim (NKG), Hòa Phát (HPG), Thép Thái Nguyên (TIS), Thép Vicasa (VCA), Công ty SMC, Đại Thiên Lộc (DTL), Kim khí TP.HCM (HMC), Stramexco (KKC).

Ở các ngành khác là các tên tuổi như Thiết bị Điện Việt Nam (GEX), Sông Đà Cao Cường (SCL), Cao su Thống Nhất (TNC), Phú Tài (PTB), Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (CAP), Vipco (VIP), Đường Kontum (KTS), Than Núi Béo (NBC), Sadico Cần Thơ (SDG), Sonadezi Long Thành (SLZ)...

Hầu hết các doanh nghiệp trên đều đã vượt đáng kể kế hoạch lợi nhuận năm 2016. Như HMC vượt tới 81,5%, KTS vượt 66%, GEX vượt 49%, TNC đã vượt 38% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra. Chính vì thế, cổ đông nắm giữ các cổ phiếu của những doanh nghiệp này ít nhiều cảm thấy hân hoan.

Chẳng hạn, trong nhóm ngành thép, cổ phiếu SMC trong nửa đầu năm 2016 đã ghi nhận đà tăng giá ngoạn mục, từ mức giá bình quân 7.000 đồng/CP đầu năm nay, liên tục tăng và hiện vẫn giữ mức giá gần gấp đôi.

Cổ phiếu HSG cũng một đà thẳng tiến, có lúc lên gần 50.000 đồng/CP. Còn cổ phiếu HPG không ngừng tăng và hiện ở mức giá 43.100 đồng/CP (5/8/2016).

Ở nhóm ngành khác, cổ phiếu CAP bứt phá trong năm 2016 và có thời điểm chạm ngưỡng 60.000 đồng, cao hơn 2,5 lần so với đầu năm 2015. Hay trong nửa đầu năm 2016, giá cổ phiếu SZL đã duy trì được đà tăng giá liên tục qua nhiều phiên và đang được giao dịch ở mức giá 25.500 đồng/CP.

Một kế hoạch kinh doanh dưới sức có lẽ sẽ giúp nhiều lãnh đạo công ty yên tâm hơn. Nhưng chính vì thế mà việc về đích sớm của các công ty này lại không đáng để xem như thành tích có thể tự hào. Hay khi nhìn vào cơ cấu đóng góp lợi nhuận, nếu các khoản lợi nhuận được tạo ra từ mua bán tài sản, chuyển nhượng cổ phần, đầu tư... thì nguồn lợi nhuận này chỉ có tính chất đột biến, kém bền vững. Cũng vậy, nếu các doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận chỉ dựa chủ yếu vào tác động từ chính sách, thì trong tương lai, nếu chính sách ấy thay đổi, sẽ không còn lợi thế để duy trì kinh doanh tốt. Trường Long, Hoàng Huy... ở ngành phân phối ô tô là một ví dụ.

Có nhiều lý do để các doanh nghiệp về đích sớm. Trong đó, đáng chú ý là những điều kiện khách quan tác động. Điển hình trong ngành thép, kể từ khi Bộ Công Thương áp thuế tự vệ tạm thời với phôi thép và thép dài (tháng 3/2016), giá của các loại thép đã tăng mạnh, khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành thép khởi sắc. Chỉ 6 tháng đầu năm nay, HPG đã lãi ròng 3.050 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ 2015. 

Riêng Thép Nam Kim vừa trải qua quý II/2016 với doanh thu tăng trưởng 65% và lợi nhuận sau thuế gấp 5,2 lần so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng, doanh nghiệp này vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm đặt ra. Đối với TIS, DTL, diễn biến cũng tương tự.

Đối với nhóm doanh nghiệp kim khí như HMC, KKC, các công ty cũng biết "ăn theo", tận dụng thời cơ từ giá thép tăng để thúc đẩy tiêu thụ. Theo thông tin từ HMC, sản lượng tiêu thụ kim khí của HMC đã tăng 46,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một số công ty đạt kết quả kinh doanh khả quan, mau chóng hoàn thành kế hoạch năm là nhờ giảm được giá vốn hàng bán cũng như giảm mạnh các chi phí. Đó là trường hợp của SMC, HMC, DTL, GEX,...

Đáng chú ý, TNC vượt mục tiêu lợi nhuận 38% còn bởi trong quý II/2016, Công ty ghi nhận khoản doanh thu tài chính lên tới gần 20 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía Công ty, đó là khoản mà Công ty cổ phần Dịch vụ xuất nhập khẩu NNS và Phân bón Bà Rịa trả cổ tức năm 2014- 2015 cho TNC. Hay VIP đã cán đích mục tiêu lợi nhuận nhờ bán cổ phần ở Cảng Xanh VIP, thu về 48,6 tỷ đồng.

Vì những khoản thu bất thường ấy mà VIP tuy đã vượt 10% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 nhưng Công ty lại chỉ mới đạt được 40% kế hoạch doanh thu. Đây cũng là tình trạng phổ biến ở các doanh nghiệp đã về đích trước sớm. Thậm chí, không ít doanh nghiệp trong số này còn suy giảm về doanh thu, như GEX, TNC, NBC...

Một số công ty sở dĩ về đích sớm còn vì đã đặt ra kế hoạch kinh doanh thấp, quá thận trọng. Chẳng hạn, niên độ 2015- 2016, HSG xây dựng kế hoạch kinh doanh rất dè dặt, theo hướng dự báo ngành thép vẫn tiếp tục chu kỳ khủng hoảng, giá thép cán nóng suy giảm. Vì thế, mục tiêu doanh thu của HSG giảm tới 18%, còn mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ nhích 1%.

Riêng kế hoạch kinh doanh mà CAP thông qua là một kế hoạch theo chiều hướng giảm, từ giảm doanh thu đến giảm về chỉ tiêu lợi nhuận. Trong đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 của CAP chỉ vỏn vẹn 19 tỷ đồng, giảm tới 40,6% so với khả năng thực hiện trong năm 2015.

Cũng cần lưu ý đến yếu tố quy mô của nhóm doanh nghiệp về đích sớm, với khoảng ½ trong số này thuộc về nhóm doanh nghiệp nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Có công ty, mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ vài tỷ đồng.

Rõ ràng không phải cứ doanh nghiệp về đích sớm thì mới giỏi. Rất nhiều công ty như Vinamilk, như Thegioididong... tuy chỉ mới đi được 50 - 60% chặng đường kế hoạch kinh doanh nhưng luôn có sức hấp dẫn nhà đầu tư.

>Ngành thép: Cổ phiếu lớn ghi điểm

>Giá thép trong nước dự kiến tiếp tục tăng

>Indonesia lạc quan về tăng trưởng kinh tế quý II/2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Báo cáo tài chính quý II/2016: Về đích sớm chưa hẳn hấp dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO