Dư luận đang phản ứng mạnh với các đề án và dự thảo sửa đổi 6 luật thuế là Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế Thu nhập cá nhân, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế Tài nguyên, Luật Thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu mà Bộ Tài chính đưa ra với tinh thần tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vấn đề đặt ra là những nội dung gì cần ưu tiên xem xét để sửa đổi các sắc thuế nêu trên.
Thực tế cho thấy, tốc độ tăng chi tiêu NSNN nhanh hơn hẳn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Những năm qua, chi thường xuyên gần bằng thu thường xuyên, nếu cộng thêm khoản chi dự phòng hằng năm bắt buộc thì tổng thu thường xuyên NSNN có những năm nhỏ hơn tổng chi thường xuyên. Điều này đồng nghĩa Chính phủ sẽ phải vay một phần cho chi thường xuyên, còn chi đầu tư phát triển bắt buộc phải vay 100%, như hai năm 2015 - 2016.
Với dự toán NSNN 2018, tổng số thu của 16 tỉnh có đóng góp cho ngân sách trung ương ước khoảng 1.050.000 tỷ đồng, trong đó riêng 4 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 541.000 tỷ, Hà Nội và TP.HCM đem lại khoảng 611.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2011 - 2016, cả nước có 13/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có khả năng tự chủ tài chính, năm 2017 tăng lên 16. Dự toán tổng thu NSNN của 16 tỉnh này chiếm 80% tổng thu NSNN. Thế nhưng, xét cơ cấu giữa thu thường xuyên với chi thường xuyên có thể thấy NSNN thiếu tính bền vững.
Thêm nữa, tỷ lệ thất thu thuế của Việt Nam được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá quá cao so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do không quản lý được dòng tiền và điểm đến của các dòng tiền này. Công nghệ ngành thuế còn lạc hậu, không theo kịp công nghệ lĩnh vực ngân hàng và viễn thông. Hệ thống dữ liệu bán hàng cuối ngày của đối tượng chịu thuế không được chuyển về máy chủ cơ quan thuế tại các cấp quản lý trong khi hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc mới chỉ giúp quản lý một phần cơ bản về chi NSNN.
Tăng thuế là kết quả của tăng chi tiêu NSNN. So với các nước trên thế giới, chi tiêu NSNN của Việt Nam tăng nhanh hơn 10%/năm, có giai đoạn lên tới 20%, tốc độ tăng chi tiêu ngân sách nhanh hơn hẳn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (6 - 7%), từ đó tạo ra sức ép nguồn thu NSNN lấy từ đâu để tài trợ cho chi tiêu.
Nếu xem xét một cách khách quan thì NSNN từ lâu nay đã thiếu bền vững, nên khi kinh tế gặp khó khăn, số thu bị suy giảm những hạn chế sẽ được bộc lộ rõ hơn. Cụ thể, nguyên tắc cơ bản trong điều hành là thu thường xuyên NSNN phải lớn hơn chi thường xuyên, từ đó để dành một phần cho chi đầu tư phát triển. Nhưng từ nhiều năm nay, nếu giảm trừ thu từ dầu thô, thuế tài nguyên hay thu hồi vốn của doanh nghiệp nhà nước thì thu thường xuyên không đủ chi thường xuyên, tức là Nhà nước phải đi vay để chi thường xuyên.
Nghiên cứu số liệu NSNN qua các năm, cùng với khó khăn trong tìm kiếm nguồn thu cho NSNN trước sức ép tăng chi tiêu, giải pháp ngắn hạn là vay nợ và tiến tới bắt buộc phải tăng thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường, là những loại thuế chiếm 50% nguồn thu NSNN hiện nay.
Trong khi đó thuế trực thu và thuế xuất nhập khẩu sẽ khó có khả năng tăng trước xu hướng chung là cạnh trạnh thuế giữa các nước và thực thi các FTA đã ký kết. Ví dụ mức thuế suất thuế giá trị gia tăng phổ thông có thể sẽ không còn là 10% nữa, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng ở một số mặt hàng có số thu lớn, thuế môi trường với xăng dầu sẽ tăng và tìm thêm nguồn thu mới, như thuế tài sản.
Cần có thay đổi cơ bản trong điều hành để hướng tới sự cân đối bền vững cho cả ngân sách trung ương lẫn ngân sách địa phương, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh. Đặc biệt, để NSNN bền vững, cần xem xét cơ cấu thu thường xuyên và chi thường xuyên, tăng cường giám sát và điều chỉnh đối với nhóm thuế gián thu và tập trung tại 16 tỉnh có đóng góp ngân sách cho trung ương.
(*) Tác giả đang công tác tại Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân)