Nhiều chương trình và hoạt động trong thời gian gần đây tập trung tạo dựng các CEO công ty khởi nghiệp (startup) mang tính đột phá. Trong tiếp cận ý tưởng về chương trình quốc gia khởi nghiệp, việc tạo dựng các công ty khởi nghiệp và các CEO là chính xác, tuy nhiên, nếu tập trung ngay toàn bộ hoạt động và nguồn lực vào mục tiêu đó thì có thể chưa hợp lý.
Lý do thứ nhất để nói cách tiếp cận này không hợp lý, đó là các công ty khởi nghiệp thường có tỷ lệ tồn tại 5-10% sau 3-5 năm hoạt động. Như vậy, nếu chỉ tập trung cho CEO cũng chỉ có thể tạo dựng được một số rất ít thanh niên cho chương trình khởi nghiệp toàn quốc.
Lý do thứ hai, muốn trở thành một CEO trong công ty khởi nghiệp, các bạn trẻ cần phải sở hữu đầy đủ và phát triển đột phá những năng lực, kỹ năng và kiến thức. Không phải số đông bạn trẻ làm được điều này.
Lý do thứ ba, trên thực tế, ý tưởng để tạo ra một công ty khởi nghiệp đột phá không phải là vô hạn. Một cách hiển nhiên, chúng ta không thể có 1 triệu ý tưởng khởi nghiệp đột phá, về công nghệ chẳng hạn, để tạo ra 1 triệu công ty và tương ứng là 1 triệu CEO.
Nhìn từ các khía cạnh này, chúng ta cần tiếp cận chương trình quốc gia khởi nghiệp theo góc độ khác.
Nếu hiểu “quốc gia khởi nghiệp” là một kim tự tháp, thì tầng thấp nhất của nó là các hoạt động và các chương trình nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong doanh nghiệp (corporate entrepreneur). Chẳng hạn điều này đã được thể hiện qua bài phát biểu ngày 24/3 của ông Nguyễn Mạnh Hùng - CEO của Viettel, khi ông đòi hỏi toàn bộ nhân viên của Viettel cần có tinh thần khởi nghiệp như năm 2000 để xây dựng Viettel 2.0.
>>Israel: Quốc gia khởi nghiệp
Các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều cần tinh thần khởi nghiệp để tạo sản phẩm mới và động lực phát triển mới. Ở cấp độ thông thường và phổ biến nhất, đó chính là khởi nghiệp trong doanh nghiệp. Các bạn trẻ sẽ nhận lãnh phát triển một cái mới trong doanh nghiệp với nguồn lực và các quy định sẵn có. Theo cách tiếp cận này, khởi nghiệp trong doanh nghiệp được gắn liền với các khái niệm đổi mới và sáng tạo.
Như vậy, nếu theo cách tiếp cận này, mục tiêu của chương trình quốc gia khởi nghiệp Việt Nam là phải tạo ra cảm hứng và thúc đẩy toàn bộ thế hệ trẻ vận dụng tinh thần khởi nghiệp trong mỗi doanh nghiệp hoặc tổ chức mà họ đang làm việc. Tinh thần doanh nghiệp ở đây có thể hiểu là vượt khó khăn, thách thức thử thách, không ngừng sáng tạo và không ngại đổi mới. Hướng tiếp cận này sẽ ngay lập tức tạo ra các giá trị. Điều quan trọng nữa là chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ trẻ mang sẵn trong mình năng lực của những “chiến binh khởi nghiệp” để chuẩn bị cho tầng kế tiếp.
Tầng kế tiếp của “kim tự tháp khởi nghiệp” nhằm tạo ra lực lượng lao động trong các doanh nghiệp startup. Các bạn trẻ Việt Nam thường có xu hướng tìm kiếm việc làm trong các doanh nghiệp lớn và bền vững, tuy nhiên, làm việc trong startup là bước đầu tiên để các bạn chính thức gia nhập vào cộng đồng khởi nghiệp.
Làm việc trong startup giúp bạn có những đột phá khỏi “vỏ ốc bền vững” khi phải đối mặt với những rủi ro và bất định trong các công ty khởi nghiệp. Trên thực tế đã có nhiều CEO startup bắt đầu hành trình của mình trong vai trò nhân viên tại các dự án khởi nghiệp. Tầng thứ hai này chính là lời giải cho số đông bạn trẻ. Thay vì định hướng ngay lập tức trở thành CEO startup, bạn có thể đi từ các vị trí là nhân viên trong các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam, trong khu vực hoặc trên toàn thế giới.
>>Các startup thành công nghĩ gì về tình hình khởi nghiệp Việt Nam
Tầng thứ ba của kim tự tháp mới chính là thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết chương trình hiện có đang tập trung vào việc hình thành các startup lớn. Xã hội có muôn hình muôn vẻ! Tương tự như vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể chỉ là một người (như trường hợp của Nguyễn Hà Đông - Flappy Bird); là một doanh nghiệp nhỏ như một quán cà phê có thu nhập ổn định; hay là một doanh nghiệp du lịch lớn có khả năng phát triển ra thế giới như Trip.me. Đa dạng hóa các loại hình khởi nghiệp là cách tiếp cận hệ thống giúp các bạn trẻ thoát khỏi ảo tưởng tìm kiếm các cơ hội khởi nghiệp vượt quá sức và năng lực của mình.
Cách tiếp cận theo “kim tự tháp khởi nghiệp” sẽ đảm bảo tính bền vững và lâu dài cho chương trình quốc gia khởi nghiệp. Bản chất của startup là quản trị rủi ro. Một bạn trẻ sẽ có một định hướng khởi nghiệp lâu dài khi bắt đầu làm quen với các chương trình khởi nghiệp trong doanh nghiệp. Sau một thời gian, bạn đó có thể ứng tuyển làm việc tại các công ty khởi nghiệp. Sau 4-5 năm, khi tích lũy đủ kiến thức, tài chính, mối quan hệ, bạn đó mới bắt đầu khởi nghiệp doanh nghiệp của mình. Thấu hiểu các mức độ của doanh nghiệp, công ty của bạn đó không nhất thiết định hướng trở thành công ty khởi nghiệp đột phá nếu không hội đủ năng lực và cơ hội.
Ở góc độ chương trình quốc gia khởi nghiệp (tại Việt Nam), muốn phát triển và có được nhiều công ty khởi nghiệp đột phá, chương trình quốc gia khởi nghiệp tại Việt Nam cần có chân đế thật rộng để từ đó lựa chọn được những nhân tài và chuyển họ lên các tầng cao hơn.
Và để có tầng chân đế vững vàng, chúng ta cần huy động các trường đại học và các doanh nghiệp lớn cùng tham gia thúc đẩy “văn hóa chiến binh khởi nghiệp” ngay trong doanh nghiệp và nhà trường. Tầng chân đế chính là nơi ươm tạo, phát triển và sàng lọc những CEO khởi nghiệp của “Uber, Viber Việt Nam” trong 3-5 năm tới.
>>GS.TS Vương Đình Huệ: Phải có cách nhìn mới về khởi nghiệp kinh doanh