“Chất” doanh nhân

Vân Ly| 12/01/2022 00:35

Là trụ cột về kinh tế, góp phần xây dựng quốc gia thịnh vượng, đội ngũ doanh nhân ngày nay hình thành lối sống dũng cảm, nhân ái, trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, doanh nhân không chỉ chung tay góp sức với chính quyền chia sẻ khó khăn với người dân mà không ít người đã lăn xả vào tâm dịch.

“Chất” doanh nhân

LTS: Nhằm xây dựng và nâng cao vai trò vị trí của đội ngũ doanh nhân thành phố ngày càng lớn mạnh về lượng và chất, đóng góp vào quá trình xây dựng quốc gia thịnh vượng, ngày 12/1/2022, Tạp Chí Doanh Nhân Sài Gòn đã phối hợp với Ban Dân vận - Thành uỷ và Đảng đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức Hội thảo Phát huy vai trò và nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân TP.HCM. Nhân dịp này, Doanh Nhân Sài Gòn trân trọng giới thiệu quan điểm của một số lãnh đạo đang điều hành doanh nghiệp về vai trò của doanh nhân trong thời đại mới

Ông Bùi Hiền - Tổng giám đốc SouthernHomes Việt Nam: 

Hiểu được mục tiêu phụng sự xã hội, doanh nhân sẽ không kiếm tiền bằng mọi giá

Bui-Hien-JPG.jpg

Ông Bùi Hiền

So với mặt bằng chung của xã hội thì doanh nhân có điều kiện tốt hơn, có sức ảnh hưởng với xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn đất nước gặp khó khăn, việc doanh nhân đóng góp vào Quỹ Vaccine, vật tư y tế, chia sẻ khó khăn với chính quyền, cộng đồng là những hình ảnh đẹp, phát huy được truyền thống đã có từ xa xưa của giới doanh nhân (đóng góp Vàng cho Nhà nước).

Trong khó khăn, người doanh nhân vẫn phải chèo lái doanh nghiệp, lo cho người lao động nhưng họ vẫn không quên trọng trách đóng góp với xã hội chính là hình ảnh tốt đẹp cần lan toả.  Bên cạnh những hình ảnh tốt đẹp đó, chúng ta vẫn thấy những vụ như Việt Á làm hoen ố hình ảnh của doanh nhân Việt Nam. 

Theo tôi, chỉ khi người doanh nhân coi việc kiếm tiền và biết cách làm ra tiền để tạo niềm vui, giúp đời, đóng góp cho xã hội thì họ mới có thể giữ được sự trong sạch.

Vì vậy, nền tảng đạo đức, văn hoá sẽ quyết định cách mà doanh nhân kiếm tiền. Về bản chất, doanh nhân là những người làm kinh tế, nhưng họ phải hiểu được, tiền và nguồn thu đó từ đâu? Họ sử dụng tài nguyên thế nào? Bản thân doanh nhân phải hiểu được nghĩa vụ phải phụng sự đất nước, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho xã hội. Khi hiểu được điều đó, doanh nhân sẽ không kiếm tiền bằng mọi giá.

Chính vì vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân hiểu được trọng trách phụng sự xã hội. Khi và chỉ khi xác định được mục đích phụng sự xã hội, người doanh nhân sẽ biết phải làm gì để đóng góp vào tiến trình xây dựng quốc gia thịnh vượng. 

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang: 

Thử thách xảy ra chính là cơ hội để doanh nhân tri ân tổ quốc

Luu-Thi-Thanh-Mau.jpg

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu

Việc các doanh nhân đóng góp cho Quỹ Vaccine, đóng góp vật tư y tế…. cũng như sự san sẻ khó khăn với người dân thời gian qua đã cho thấy những hình ảnh rất đẹp về tinh thần trách nhiệm và ái quốc của doanh nhân với đất nước trong giai đoạn nhiều biến động vì dịch bệnh.

Chỉ khi đất nước "khỏe mạnh" thì cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp mới có điều kiện và môi trường hoạt động lý tưởng để phát triển, vững vàng vươn ra "biển lớn". Thử thách xảy ra với đất nước cũng chính là cơ hội để cộng đồng doanh nhân tri ân sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ. 

Thông qua những chương trình thiết thực và ý nghĩa nhằm san sẻ gánh nặng, khó khăn với người dân trên khắp đất nước đã khắc họa thật đẹp về tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào và tình yêu thương.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh không gì là không thể nếu chúng ta đoàn kết, đồng lòng. Chúng ta nhìn thấy những ánh sáng lấp lánh của tình yêu thương và yêu thương một cách vô điều kiện, cho đi không cần báo đáp trong giai đoạn dịch bệnh. Trải qua thử thách, vai trò và tinh thần doanh nhân đã được phát huy một cách mạnh mẽ, khẳng định trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thể đạo đức kinh doanh, văn hoá kinh doanh với sự phát triển bền vững của cộng đồng, đất nước.

Tôi mong Chính phủ, chính quyền các cấp, các bộ ban ngành cần thấu hiểu những mong đợi, vướng mắc, khó khăn của doanh nhân để tháo gỡ và tạo đà cho sự phát triển của doanh nghiệp. Khi các doanh nhân có môi trường xã hội tốt để phát triển một cách lành mạnh sẽ là nguồn lực quan trọng trong việc xây dựng một quốc gia hùng cường và thịnh vượng. 

Bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land: 

Doanh nhân gánh trên vai trọng trách rất lớn

Huong-Nguyen-jpeg.jpg

Bà Nguyễn Hương

Trọng trách trước hết của mỗi doanh nhân là trách nhiệm đối với doanh nghiệp và người lao động của mình. Để duy trì được bộ máy hoạt động vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh kéo dài là điều không đơn giản với họ.

Hơn thế nữa, doanh nhân còn xông pha trong các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng từ việc đóng góp cho Quỹ vaccine, tài trợ trang thiết bị y tế cho các bệnh viện cứu người hay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Hình ảnh của doanh nhân xông pha trực tiếp trên mọi mặt trận chống dịch, tại các điểm nóng hay các ngõ hẻm để tiếp tế từng bình oxy, từng túi thuốc, thực phẩm giúp người bệnh... luôn là hình ảnh đẹp đáng trân trọng. 

Doanh nhân là người trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội thông qua các hoạt động của doanh nghiệp. Họ là người phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thách thức. Họ cũng là đội ngũ năng động và đổi mới theo nhịp phát triển của đất nước. Tiếng nói của họ cần được lắng nghe, những khó khăn, rào cản về cơ chế, thủ tục cần được tháo gỡ kịp thời để giúp họ khơi thông nguồn lực và phát triển.

Cơ chế đối thoại thường xuyên với chính quyền cần được thiết lập, nếu cần phải có đại diện doanh nhân trong ban cố vấn Chính phủ và có nhiều hơn nữa đại biểu quốc hội là doanh nhân. Sự tham gia này của doanh nhân sẽ đem lại góc nhìn thực tế từ thị trường và yêu cầu phát triển của doanh nghiệp.  

Ông Khương Văn Thuấn - Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TP.HCM:

Câu chuyện Việt Á làm xấu hình ảnh doanh nghiệp

A-Thuan-jpeg.jpg

Ông Khương Văn Thuấn 

Câu chuyện của Việt Á là con sâu làm rầu nồi canh, làm xấu hình ảnh của doanh nghiệp. Những kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi không thể tha thứ. Đây là những kẻ không có lương tâm, coi trọng đồng tiền hơn tính mạng của người dân. Trong khi cộng đồng doanh nhân đóng góp công sức - tiền của chống dịch thì bọn chúng lại câu kết để trục lợi. 

Dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Để ứng phó tốt với đại dịch Covid-19, người đứng đầu doanh nghiệp phải vững tay chèo thì mới tạo được chỗ dựa cho đội ngũ nhân viên.

Ngoài nội lực của doanh nghiệp, thì Chính phủ cần có những biện pháp hữu hiệu, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp như:  hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế, các khoản BHXH, các nghĩa vụ khác đối với nhà nước, để doanh nghiệp có nguồn tiền hỗ trợ cho lao động cũng như đồng hành với Nhà nước và chính quyền địa phương chống dịch.

Song song đó, Chính phủ có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, gia hạn các khoản nợ cũ, giảm lãi suất cho vay hợp lý.... giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí và có sức vực dậy doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cơ cấu doanh nhân trong Quốc hội cũng như HĐND các cấp để kịp thời tư vấn đề ra các chính sách phù hợp nhằm phát triển kinh tế cho đất nước.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên: 

Giá trị cốt lõi của doanh nhân là phục vụ cộng đồng

mr-lu-nguyen-xuan-vu-2-1641918021-164191

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ 

Ở thời kỳ nào cũng có những doanh nhân tốt, tích cực hoạt động hướng về cộng đồng, đặc biệt trong giai đoạn đất nước gặp khó khăn. Điều này có thể thấy rõ qua các con số đóng góp của đội ngũ doanh nhân thông qua Mặt Trận Tổ Quốc, Quỹ vaccine, quỹ phòng chống dịch Covid-19, với các cơ sở y tế và với người dân gặp khó khăn. 

Trong thử thách do dịch Covid-19, chúng ta thấy rõ sự hình thành 2 lớp doanh nhân. Lớp doanh nhân thứ nhất luôn tìm cách giúp đỡ người khó khăn, đồng hành với chính quyền đẩy lui đại dịch. Đội ngũ này đáng trân trọng. 

Lớp doanh nhân thứ hai đó là tìm sản phẩm và bán kiếm lời. Điều này không hề xấu, nhưng nếu lợi dụng dịch bệnh để trục lợi như Việt Á thì lại rất đáng buồn, đáng để giới doanh nhân nhìn lại. 

Theo tôi, doanh nghiệp phải tự lớn mạnh bằng giá trị và nền tảng chân chính của mình. Nếu đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, nền kinh tế sẽ phát triển. Nhưng người doanh nhân cần hiểu rõ mục đích quan trọng nhất trong kinh doanh là để làm gì. Giá trị cốt lõi của doanh nhân là phục vụ cho cộng đồng chứ không phải tư lợi cho bản thân mình. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Chất” doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO