Nhạc sĩ Hà Okio: "Cớ gì sáng tác cứ phải cao siêu?"

LẠC LÂM thực hiện| 12/12/2013 08:55

Hà Okio được công chúng biết đến và đón nhận ngay từ những sản phẩm đầu tiên anh tung ra thị trường, nhưng ở mức độ nào đó vẫn bị cho là "kén người nghe".

Nhạc sĩ Hà Okio:

Hà Okio được công chúng biết đến và đón nhận ngay từ những sản phẩm đầu tiên anh tung ra thị trường, nhưng ở mức độ nào đó vẫn bị cho là "kén người nghe". Những sáng tác của anh ít nói về tình yêu nam nữ mà đại chúng ở chủ đề về xã hội, những thông điệp về cuộc sống... Cho đến khi "Your heart" của anh được lọt vào danh sách sơ bộ đề cử giải thưởng Grammy danh giá, khán giả lại rủ nhau tìm nghe.

Đọc E-paper

>Nhạc sĩ Nguyễn Cường: "Âm nhạc phải được phản ánh từ công chúng"
>Thu Minh đoạt giải thưởng âm nhạc châu Á
>
Vĩnh biệt “cánh chim đầu đàn” âm nhạc bác học
>Đi đến ngọn nguồn âm nhạc

* Đến tận bây giờ, anh có thấy nghịch lý không khi sản phẩm của anh được đề cử Grammy nhưng ở trong nước vẫn chưa có nhiều người biết?

- Tôi sáng tác bài này bằng tiếng Anh. Mà bạn cũng biết, ở xứ mình, khán giả nghe nhạc ngoại chỉ thích nghe từ MTV, từ ca sĩ nước ngoài. Mấy ai tin khả năng sáng tác nhạc bằng tiếng Anh của ca sĩ trong nước.

Tôi không thấy có gì nghịch lý ở đây. Ban đầu tôi cho phát hành ở Mỹ mà cũng đâu có nghĩ nó lọt vào danh sách đề cử Grammy. Cũng như có những nhóm nhạc Mỹ chỉ nổi tiếng và được biết đến tại châu Âu.

* Sự ghi nhận từ quốc tế có là động lực mở ra hướng sáng tạo mới cho anh?

- Tôi muốn âm nhạc của mình phải đem đến sự tươi mới, sảng khoái, tràn ngập sức sống. Tôi sáng tác rất tự nhiên, theo những gì con tim và cảm quan cảm nhận được. Tại sao khi sáng tác cứ phải nói đến những chủ đề cao siêu? Tính tôi thích cái gì dung dị, giản đơn trong cuộc sống.

Mà cuộc sống xung quanh mình có nhiều thứ rất nhỏ nhoi, đơn giản, thầm lặng mà vẫn chứa đựng được nghệ thuật. Nơi ấy, Sài Gòn cà phê sữa đá... tôi viết trong một buổi là xong. Cà phê sữa đá là thức uống rất bình dân, chẳng có gì cao sang.

Mỗi ngày bạn có thể uống vài ly, tán gẫu cũng bạn bè, hưởng thụ, cảm nhận cuộc sống từ những điều rất dung dị đó. Cảm hứng thường là từ việc quan sát, chắt lọc cái gì hay nhất từ cuộc sống và tạo cho mình cảm giác nhất thì viết.

* Được chú ý là một vinh dự, song cũng là một áp lực cho anh trong các sáng tác sắp tới, vì bây giờ khán giả sẽ để tâm xem "ông nhạc sĩ Grammy" sắp có gì?

- Trong âm nhạc tôi thích sự tự nhiên, cái gì đủ duyên thì sẽ hái quả vào lúc thích hợp. Tính tôi phải đủ, phải đúng thời điểm thì mới làm. Không thể vội vã được. Tôi vẫn thích khán giả tự tìm đến âm nhạc của mình.

Tôi cần những người biết nghe hơn là nghe vì báo chí nhắc đến nó hằng ngày. Nếu truyền thông, quảng bá để sản phẩm được mọi người biết đến rồi đổ xô đi tìm nghe, tôi cũng làm được, nhưng như thế mất tự nhiên. Khi có sự đồng điệu, đã "cảm" thì tự khắc âm nhạc và tâm hồn sẽ tìm được đến nhau.

* Hiện Việt Nam chỉ mới có vài nghệ sĩ đạt được giải thưởng tầm quốc tế. Theo anh, âm nhạc của chúng ta đã đủ sức "với tới" những giải thưởng quốc tế thật đình đám chưa?

- Tôi nghĩ cái chúng ta cần thực sự là điều kiện làm việc với quốc tế. Có như vậy mới nắm bắt được xu thế, cái hay, cái dở. Từng làm việc với các nghệ sĩ Mỹ, tôi biết được giới làm nhạc quốc tế cũng quan tâm đến Việt Nam. Họ cũng có phương án tìm đến để hợp tác.

Song họ lại chùn chân vì chúng ta tuy hiếu khách nhưng "nhà còn bừa bộn quá”, chưa có đủ điều kiện cho một sân chơi âm nhạc quốc tế hay kinh doanh âm nhạc. Họ cũng băn khoăn vì việc tôn trọng bản quyền của mình chưa được tốt.

Khi nào có sự tuân thủ nghiêm túc, nghệ sĩ Việt sẽ thực sự có được cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế. Hợp tác làm việc với quốc tế quan trọng lắm, đến khi nào sự hợp tác này được mở rộng, chúng ta mới có cơ hội tiếp cận những giải thưởng cao quý.

* Vậy thì âm nhạc Việt Nam sẽ tiếp cận thế giới bằng cách nào và với phương tiện nào?

- Chúng ta có một thị trường sôi động. Ngày càng nhiều nghệ sĩ Việt Nam có điều kiện hợp tác, làm việc với giới làm nhạc nước ngoài. Một vài ca sĩ, nhạc sĩ của chúng ta đã hợp tác và có sản phẩm chung với họ nhưng chưa nhiều.

Nhiều nhạc sĩ Việt Nam, nhất là các nhạc sĩ trẻ, có điều kiện tiếp cận văn hóa thế giới, đang nắm bắt rất tốt xu hướng, phong cách âm nhạc thế giới. Cũng là điều đáng mừng và đáng ghi nhận.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhạc sĩ Hà Okio: "Cớ gì sáng tác cứ phải cao siêu?"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO