![]() |
Ưu thế của siêu thị đã được minh chứng qua các con số cụ thể và được củng cố mạnh mẽ bằng chính sách cũng như các khoản đầu tư lớn.
Siêu thị “ăn” chợ
Theo ông Hoàng Trọng, Giám đốc Nghiên cứu Công ty tư vấn The Pathfinder, mặc dù cả nước có 590 siêu thị nhưng con số này mới chỉ chiếm 1/20 so với kênh bán lẻ truyền thống. Tuy nhiên, kênh phân phối hiện đại này có mức tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây và đạt mức bình quân khoảng 27%/năm.
Ba hệ thống siêu thị có số điểm bán hàng tăng nhanh nhất hiện nay là Co.opmart, Vinatexmart và Big C. Trong đó, Co.opmart có 59 siêu thị, tốc độ tăng trưởng cao hơn 35% so với năm 2010.
Vinatexmart có 74 siêu thị tổng hợp và chuyên doanh với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 3 năm gần đây là 28%. Big C có 19 siêu thị và đơn vị được đánh giá là đối thủ cạnh tranh quyết liệt nhất của các siêu thị trong nước.
Nghiên cứu của The Pathfinder cho thấy, dù chợ truyền thống vẫn là nơi mua thực phẩm chính với 69% nhưng tỷ lệ mua ở siêu thị tăng lên nhanh chóng với 27%. Ba yếu tố chính khiến người tiêu dùng cho mua thực phẩm ở siêu thị là vệ sinh, an toàn; hàng tươi, ngon và giá cả hợp lý.
Số liệu nghiên cứu thị trường tại TP.HCM còn cho thấy, người tiêu dùng thành phố đã tăng mức chi mua hàng trong siêu thị từ 627.000 đồng/năm (năm 2005) lên mức trên 1,419 triệu đồng/năm (năm 2010) và gần 1,5 triệu đồng (năm 2011).
Kết quả khảo sát trên 1.000 người tại TP.HCM cho thấy, 80% số người có thói quen đi siêu thị mua sắm mỗi tuần so với mức 12% cách đây 10 năm. Tính đến ngày 31/12/2011, TPHCM có 140 siêu thị, 25 trung tâm thương mại chuyên và đa ngành hiện đại, hơn 500 cửa hàng tiện ích và hàng chục ngàn cửa hàng tạp hóa các loại.
Tính trên giá trị, kênh mua sắm hiện đại (gồm trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, siêu thị) tại TP.HCM đã đạt khoảng 35% doanh thu bán lẻ, tăng hơn gấp 2 lần so với mức 15% năm 2007, cao hơn mức bình quân 20%-22% của cả nước. Doanh thu hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tăng bình quân 19-27%/năm.
Ông Bùi Đức Huệ, Giám đốc Công ty Phân phối Sao Việt, đánh giá cao tính hiệu quả và tiềm năng của siêu thị trong thời gian tới. Công ty Giấy Sài Gòn là ví dụ khá điển hình về vai trò của kênh bán hàng siêu thị đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Thị phần của Giấy Sài Gòn chưa tới 5% trong thị trường giấy tiêu dùng và kênh siêu thị đóng góp 4,5% trong tổng doanh số. Thế nhưng, đến năm 2011, thị phần của Giấy Sài Gòn đã tăng lên 26,5% trong thị trường giấy tiêu dùng và kênh siêu thị đóng góp 25% trong tổng doanh số của công ty (số liệu từ Nielsen Vietnam). Chi phí cho kênh siêu thị của Giấy Sài gòn chỉ chiếm 1/3 so với kênh truyền thống nhưng mang đến hiệu quả cao gấp 2,5 lần so với kênh truyền thống. Tiến lên hiện đại
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện cả nước có đến hơn 9.000 chợ trong khi chỉ có 590 siêu thị. Dù số lượng khá nhỏ so với kênh truyền thống nhưng hiệu quả mà kênh bán hàng hiện đại mang lại không hề nhỏ.
Năm 2011, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 1.650.000 tỷ đồng, riêng kênh bán hàng hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) đã đạt 111.472 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2012, doanh thu từ kênh bán hàng hiện đại sẽ đạt 129.402 tỷ đồng.
Chính tiềm năng cũng như xu hướng tiêu dùng đang thay đổi nên cơ quan quản lý Nhà nước phát triển ngành bán lẻ theo hướng ưu tiên cho kênh hiện đại.
Trong cuộc họp cuộc họp rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2009-2015, Sở Công Thương TP.HCM, cho biết, tính đến tháng 4/2012, trên địa bàn thành phố có 243 chợ, giảm 6 chợ so thời điểm năm 2009, bao gồm 17 chợ loại 1, 48 chợ loại 2 và 178 chợ loại 3.
Trong khi đó, thành phố có 163 siêu thị, tăng 71 siêu thị so thời điểm năm 2009. Theo Sở Công Thương, trong 3 năm tới, thành phố sẽ phát triển 240 siêu thị, tăng 77 siêu thị so với hiện nay.
Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng tiện ích các đơn vị: Co.op Food, Satrafood, Foodcomart, Vissan, Citimart... cũng được nâng lên 562 cửa hàng. Loại hình này đang phát triển nhanh chóng tại các khu dân cư, chung cư, khu công nghiệp, các khu vực xa trung tâm, góp phần phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa cho người dân.
Trong khi đó, các siêu thị cũng công bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đầu tư, mở rộng hệ thống phân phối của mình. Tổng giám đốc Hệ thống siêu thị Vinatexmart Dương Thị Ngọc Dung, cho biết, hệ thống Vinatexmart hiện có 74 siêu thị, bình quân mỗi tháng khai trương 3 siêu thị mới và từ đầu năm đến nay đã có 12 siêu thị đi vào hoạt động.
Công ty đang phấn đấu đến cuối năm nay phát triển hệ thống Vinatexmart lên 90 siêu thị và điểm bán lẻ và mục tiêu đến năm 2015 là 204 điểm siêu thị Vinatexmart. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cũng cho biết, năm 2011, Saigon Co.op đạt doanh số 16.000 tỷ đồng.
Năm 2012, Saigon Co.op quyết tâm đạt tiêu doanh thu cả năm đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2011, lợi nhuận tăng 15%. Cùng với việc tăng doanh số, Saigon Co.op sẽ khai trương thêm tối thiểu 8 Co.opMart và 30 Co.op Food trong cả nước.