Du lịch làng nghề: Làm sao để hấp dẫn du khách?

NGÔ MINH| 24/06/2009 04:06

Tour du lịch chuyên đề làng nghề là một nét mới để tạo thêm sản phẩm du lịch ở miền Trung, nếu làm tốt sẽ rất hấp hẫn du khách.

Du lịch làng nghề: Làm sao để hấp dẫn du khách?

Tour du lịch chuyên đề làng nghề là một nét mới để tạo thêm sản phẩm du lịch ở miền Trung, nếu làm tốt sẽ rất hấp hẫn du khách.

Từ nhiều năm nay, lượng khách du lịch đến miền Trung tăng mỗi năm từ 15 - 20%, nhưng thời gian lưu trú rất ngắn, như Huế chỉ từ 1,7- 1,9 ngày/khách, ít tháng vượt được con số 2 ngày/khách. Lý do thật đơn giản là ngành du lịch chỉ tập trung xây khách sạn, còn sản phẩm du lịch, như văn hóa lễ hội, du lịch làng nghề... lại quá thiếu vắng.

Phong phú làng nghề, du khách èo uột

Để tăng sản phẩm du lịch, 5 năm trước, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã thống nhất xây dựng chương trình du lịch chung mang tên “Con đường di sản” nhằm khai thác thế mạnh của ba Di sản Thế giới trong khu vực là quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn.

Trong chương trình “Con đường di sản”, có tour du lịch xuyên suốt khu vực có tên là Du lịch làng nghề, tức là đưa du khách đến tham quan các làng nghề nổi tiếng. Đây là sáng kiến có ý nghĩa không chỉ đối với ngành du lịch mà con là cơ hội để các làng nghề có điều kiện đầu tư phát triển, quảng bá thương hiệu, tăng khả năng hấp dẫn của hàng hóa lưu niệm tại các địa phương. Nhưng buồn một nỗi, từ khi kế hoạch được đưa ra (2004) cho đến nay vẫn không được thực hiện trọn vẹn.

Làng nghề ở miền Trung trải bao đời đã thành tài sản văn hóa và vật chất vô giá. Theo sử sách thì ở Quảng Nam - Đà Nẵng có tới 90 làng nghề nổi tiếng từ thời thương cảng Hội An phát triển thịnh vượng, với nghề đúc đồng ở làng Phước Kiều, làng đá mỹ nghệ Non Nước, làng mộc Kim Bồng, nhiều làng nuôi tằm dệt lụa dọc sông Thu Bồn...

Ở Thừa Thiên - Huế, trải qua 350 năm từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, vùng phụ cận đã tạo nên một hệ thống làng nghề quan trọng với 150 nghề phục vụ các triều vua chúa, như nghề đúc đồng ở Phường Đúc, kim hoàn ở Kế Môn, đan lát ở Bao La, làm bún ở làng Vân Cù, gốm ờ Phước Tích, chạm khắc mỹ nghệ ở Mỹ Xuyên, rồi rượu làng Chuồn, tranh dân gian làng Sình...

Ngành du lịch ba tỉnh và thành phố này đã tổ chức khảo sát 12 làng nghề truyền thống đặc trưng, gồm: Làng mây tre đan Phò Trạch, chạm khắc gỗ Mỹ Xuyên, chài Thuận An, đúc đồng Phường Đúc (Thừa Thiên -Huế), đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, đúc đồng Phước Kiều, dệt Mã Châu, Đông Yên, Thi Lai (Quảng Nam) và đã tổ chức hội thảo xây dựng hoàn chỉnh bốn chương trình gồm các tour du lịch chuyên đề đi qua những làng nghề truyền thống ấy.

Nhưng đề ra các chương trình, tour du lịch thì dễ, còn làm sao để các làng nghề hấp dẫn du khách mới là khó. Theo chúng tôi, để du lịch làng nghề hấp dẫn du khách, cần phải làm tốt mấy việc cụ thể sau:

- Thứ nhất là phải chọn các làng nghề mang đậm chất văn hóa Việt, trong thực tế hoạt động sôi nổi. Ở Huế, ngoài Phường Đúc, nên chọn làng Sình nơi mà nghề vẽ tranh dân gian, làm hoa giấy chưa mai một, hay nghề cào hến, nấu cơm hến ở Cồn Hến...

Ở Hội An, tôi đã thấy người dân quê trình diễn từ chăn tằm, ươm kén, quay kén, dệt lụa, đến may áo, khăn bàn lấy ngay theo yêu cầu của khách. Hay dịch vụ dệt thổ cẩm ở bản Lăk (Dăk Lăk), du khách có thể trực tiếp ngồi vào khung dệt, tự làm theo hướng dẫn. Nếu chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” thôi thì rất dễ nhàm chán vì đơn điệu, nên khó mà giữ chân du khách.

- Thứ hai, khi làng nghề đã nằm trong tour du lịch thì phải đầu tư vốn liếng, thuê người làm “kịch bản”, “đạo diễn”, “diễn viên” nhưng phài là những nghệ nhân làng nghề đích thực. Những người này hưởng lương của hãng du lịch nên ràng buộc họ phục vụ du khách đúng như hợp đồng.

Làng nghề được chọn phải đầu tư máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu để có điều kiện hướng dẫn du khách tập làm sản phẩm, và tổ chức quay phim, chụp ảnh cho họ làm lưu niệm. Hằng tuần, hằng tháng phải thay đổi kịch bản để làm mới nội dung làng nghề. Theo cách làm này, có thể tạo ra nhũng “làng nghề thu nhỏ” tại các trung tâm du lịch bằng cách đưa nghệ nhân về làm cho khách xem và hướng dẫn khách làm.

- Thứ ba là phải phân chia hợp lý tiền lợi nhuận giữa hãng du lịch với làng nghề và thợ. Phải chấm dứt tình trạng đơn vị lữ hành dẫn khách đến “ quấy rối” bà con đang làm nghề ở các làng nghề rồi quay lưng đi như hiện nay. Có đầu tư mới tổ chức bán vé tham quan làng nghề, bán vé khi du khách muốn làm thử công việc của làng nghề theo các hình thức thích hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch làng nghề: Làm sao để hấp dẫn du khách?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO