Bắc Tây Nguyên vào thu

KHẢI LY| 05/09/2009 07:24

Bắc Tây Nguyên đã vào thu, đó đây vài bông quỳ nở sớm chờ gió đông. Cảnh vật tuyệt đẹp với nắng vàng trong vắt...

Bắc Tây Nguyên vào thu

Chúng tôi xuất phát từ Đà Nẵng, với đích đến là những trang trại hoa Lâm Đồng. Chỉ sau 50km đầu tiên, cảm giác cô đơn vây bọc vì những dãy núi chập chùng kéo dài không dứt.

Nhưng rồi ai cũng phấn chấn vì sau hai giờ, xe đã vào đến địa phận “thị trấn cao bồi” Phước Sơn. Hai bên đường rất nhiều xe máy Simson cũ kỹ chuẩn bị vượt rừng vào bãi vàng. Chủ nhân của chúng tụ tập trong các quán cà phê ven đường chờ mối. Mối là những người da tái sốt rét, bàn tay nhiều lớp sẹo chồng lên vì cianua ăn mòn do làm nghề đào vàng trong bốn bãi vàng lớn của huyện miền núi thâm u này. Chỉ khi ngắm thật kỹ những dãy hàng bán đồ khô, những chiếc xe phân khối lớn rú ga chạy qua lại. mới hiểu “thị trấn cao bồi” là ám chỉ thị trấn tiền đồn của những người đào vàng ở Quảng Nam, nơi cung cấp tất cả hàng hóa, mua bán vàng cho những phu vàng trong rừng thẳm. Con đường heo hút nhưng vô số quán thịt rừng không treo biển. “Thị trấn cao bồi” vỏn vẹn 2km nhưng đem đến cho du khách cảm giác đặc biệt về một cuộc sống thô ráp của thế giới tìm vàng.

Bắc Tây Nguyên đã vào thu, đó đây vài bông quỳ nở sớm chờ gió đông. Cảnh vật tuyệt đẹp với nắng vàng trong vắt. Nhưng các tay lái “lụa” cũng không thể lơ đãng mất cảnh giác với đèo Lò Xo dài hơn 5km. Đầu con dốc chính là con đường vòng qua đỉnh Ngọc Linh, nơi có trang trại sâm quý hơn sâm Hàn Quốc Nơi này cũng chính là không gian những cuốn tiểu thuyết chiến tranh của nhà văn Thu Bồn. Rừng ở đây còn khá dày. Đỉnh núi cao vút, con đường cheo leo đáng sợ. Và như để thưởng cho du khách dũng cảm, vài bản làng xinh xắn của người Lào hiện ra bên sườn núi.

Dưới thành phố nóng như đổ lửa ngay tiết đầu thu, nhưng ở cuối con dốc Lò Xo, trong bản Đông Lốc thuộc địa phận tỉnh Kontum, đàn bà Lào quanh năm quấn những tấm mền dày chống cái lạnh gió núi. Ngay gần đó là bản của người Giẻ Triêng. Trước cửa vài ngôi nhà, có thể thấy những bó củi hồi môn chất cao của các cô gái chờ ngày về nhà chồng. Người Giẻ Triêng rất cởi mở, đàn ông đón chúng tôi bằng chiếc ca nhựa màu trắng, bên trong là rượu khoai mì. Họ tự hào khoe chiếc quan tài đẽo từ một gốc cây to ba người ôm để sẵn trong nhà cho người già, khoe chiếc chảo thu sóng vệ tinh xem truyền hình. Nhưng cảm giác bùi ngùi vẫn đọng lại trong tôi. Đường Hồ Chí Minh ngang qua đây đã 5 năm, bà con bám đường dựng nhà khá lâu, nhưng cái nghèo chưa có gì thay đổi. Đàn bà trong bản không có nổi chiếc áo lạnh nên mới có thói quen trùm mền suốt ngày như vậy. Chúng tôi tự hứa sẽ quay lại đây trong một dịp khác để ủng hộ áo quần cho làng.

Từ bản “trùm mền” của các phụ nữ Lào và Giẻ Triêng, đường Hồ Chí Minh, con đường xanh Tây Nguyên bắt đầu như đi vào thảo nguyên bao la vốn là vùng trũng của núi lửa ngày xưa ngút ngàn dã quỳ hoa vàng rực. Những cái tên Plâykần, Ngọc Hồi, Tân Cảnh nay thành thị trấn sầm uất vẫn còn gợi một thời đạn bom, những trận đánh khốc liệt năm 1972.

Những thành phố của Bắc Tây Nguyên vạm vỡ khỏe mạnh với đường phố to rộng, ít xe cộ. Ngay trong phố Kontum vẫn có mái nhà dài, những quán cà phê, nhiều tượng nhà mồ, những quán nhỏ chuyên bán tượng gỗ cho du khách ưa thích tác phẩm điêu khắc dân gian. Đặc biệt nhất ở Kontum là nhà thờ gỗ gần 100 năm tuổi và tòa giám mục. Cả hai đều là những kiến trúc đặc sắc pha trộn giữa kiến trúc bản địa bắc Tây Nguyên, những ngôi nhà dài và kiến trúc nông thôn Pháp thế kỷ XIX. Nó là tác phẩm và công sức của các cha truyền giáo đến Kontum đầu thế kỷ XX, nay thu hút khách du lịch.

Sau một đêm ngon giấc trong khách sạn, cảm giác tròng trành, ngây ngất say vì những con đèo đã được rũ bỏ. Chúng tôi thưởng thức cà phê Kontum, theo lời giới thiệu của cô chủ quán cà phê cạnh cầu treo Dăk-bla thì cà phê Kontum hoàn toàn khác với cà phê Buôn Ma Thuột, nó đậm sánh, ít đường, không quen có thể chóng mặt ngay sau vài ngụm đầu tiên. Đúng thế thật, kiểu uống cà phê chắt lọc và khắc khổ này làm chúng tôi nhớ mãi Kontum se lạnh và hoang sơ, nhớ mãi con thuyền độc mộc bằng cây cổ thụ lao vun vút giữa sông. Phải bỏ lại nửa ly cà phê đậm, chúng tôi lên đường đi thăm “Đà Lạt” nho nhỏ của bắc Tây Nguyên, tên gọi Măng Đen. Khu rừng ôn đới với thông già xanh ngút ngát, hơi sương mù đẫm ướt mặt đường. Măng Đen từ một khu rừng hoang lạnh, nay đã trở thành khu nghỉ dưỡng với những ngôi biệt thự đẹp tuyệt ẩn mình trong rừng thông. Ven hồ nước lặng lẽ thứ hoa tim tím của xứ lạnh. Cảm giác Bắc Tây Nguyên thật sự tràn đầy khi nó như tiếng đàn đã đi hết các cung bậc.

Ngày mai chúng tôi sẽ đặt chân vào thủ phủ của Tây Nguyên, những cái tên Êđê kiểu Y H’Leo sẽ xuất hiện trên đường đến vương quốc cà phê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bắc Tây Nguyên vào thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO