6 kinh nghiệm đàm phán dành cho nữ doanh nhân

25/05/2017 09:45

Sau 9 năm trong “vai” doanh nhân, tôi đã đúc kết được một số kinh nghiệm, chia sẻ với mong muốn giúp doanh nhân nữ làm chủ bàn tròn.

6 kinh nghiệm đàm phán dành cho nữ doanh nhân

Đàm phán - thương lượng hợp đồng, giải quyết mâu thuẫn... là một trong những công việc chính của doanh nhân. Là một phụ nữ, tôi đã gặp không ít khó khăn với nhiệm vụ này. Sau đây là 6 bí quyết để nữ doanh nhân làm chủ bàn tròn.

1. Định hình phong cách

Tôi luôn ý thức trong việc định hình phong cách khi xuất hiện trước đối tác và khách hàng, việc này sẽ giúp người đối diện có cái nhìn thiện cảm hơn với bạn. Phong cách ở đây không chỉ là vẻ bề ngoài mà phải từ bên trong, từ văn hóa, cách ứng xử.

2. Chủ động

Tôi luôn đóng vai trò khởi nguồn khi thương lượng. Khi bạn điều khiển phần mở đầu thì bạn sẽ có cơ hội là người chi phối được phần sau của cuộc thương lượng.

3. Tập trung vào lợi ích chung

Việc đàm phán cuối cùng là nhằm đạt được kết quả mà đôi bên cùng đồng tình và thỏa mãn nhất. Các kỹ thuật được áp dụng để hướng tới kết quả này giúp các nhà đàm phán tìm ra một giải pháp thể hiện sự quan tâm đến lợi ích của cả hai bên. Vì vậy, điều các nhà đàm phán phải tập trung là tìm kiếm một giải pháp dẫn đến kết quả làm hài lòng cả hai bên.

4. Bình tĩnh

Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công trong đàm phán là sự bình tĩnh, biết kìm nén cái tôi và cảm xúc cá nhân. Việc lớn tiếng, nổi nóng, kêu tên hoặc xả cơn thịnh nộ vào ai đó có thể làm bạn cảm thấy tốt hơn, nhưng những hành vi như thế không có lợi cho bất kỳ cuộc thương thảo nào.

Sức chịu đựng của nam giới vốn kém so với phụ nữ, khi gặp vấn đề ngoài ý muốn thường nóng lòng giải quyết ngay hoặc sớm từ bỏ. Trong khi đó, nữ giới thường chi tiết hơn, nên nếu giữ được sự bình tĩnh, bạn sẽ có đủ tỉnh táo để nắm “thế trận” trên bàn tròn và hướng cuộc thương lượng đến kết quả như mong muốn.

5. Đừng vội nhìn vào lợi ích nhỏ

Điểm yếu của các chị em phụ nữ chúng ta là thường nhìn vào lợi ích trước mắt mà quên đi những giá trị về lâu dài. Đôi khi thực tế vô tình trở thành thực dụng.

Năm 2008, tôi giúp chồng thương lượng hợp đồng thiết kế thi công nội thất cho một đối tác nước ngoài. Khi ấy, họ bắt chúng tôi nâng thời gian bảo hành và bảo trì từ 2 năm lên 5 năm.

Quả thật việc nâng thời gian bảo trì là một khó khăn không nhỏ, bởi chi phí vận hành bảo trì 1 năm là 2% tổng giá trị hợp đồng, vậy trong 5 năm mất đến 10% tổng giá trị hợp đồng (chưa tính lạm phát giá). Nhưng lúc đó tôi đã suy tính, 2% bảo trì hàng năm để giữ chân khách hàng sẽ thấp hơn 20% ngân sách marketing để tìm khách hàng mới. Vậy là tôi đã đồng ý, và kết quả là trong 5 năm bảo trì, công ty của chồng tôi đã ký được thêm 3 hợp đồng mới từ đối tác này. Hãy “trói chân” khách hàng bằng những lợi ích cho họ, bởi đó cũng chính là lợi ích cho bạn.

6. Đừng vội nói “Có” hoặc “Không”

Phụ nữ thường hay vội vàng ra phán quyết cả khi chưa thực sự chắc chắn. Điều này sẽ khiến chúng ta mất nhiều thời gian hơn để giải quyết những vấn đề sau đó. Cho dù bạn đang bị áp lực phải đưa ra quyết định trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng khi có bất cứ do dự nào, đừng ngại trì hoãn, hãy thương lượng nhằm kéo dài thêm thời gian để tham vấn những người khác.

Xã hội ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo, xu thế này dẫn đến vai trò tất yếu của chúng ta trên bàn tròn đàm phán, thương lượng. Chúng ta có những thế mạnh mà nam giới không có, như sự duyên dáng, mềm mại. Hãy tận dụng tất cả những lợi thế và kinh nghiệm học hỏi được để tự tin “làm chủ bàn tròn”.

Tác giả là CEO Lionbui Agency

(Nội dung này đã được đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp, Doanh Nhân Sài Gòn Online biên tập)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
6 kinh nghiệm đàm phán dành cho nữ doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO