Hiện nay trên thế giới, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud)... đang ngày càng được ứng dụng sâu rộng hơn vào các nghiệp vụ ngành y, giúp y, bác sĩ thu thập và xử lý dữ liệu nhanh hơn. Bên cạnh đó, các chatbot, robot là những trợ lý đắc lực cho bác sĩ trong các công việc hằng ngày như chẩn đoán, điều trị, tìm kiếm thông tin bệnh nhân...
Tại Việt Nam, thống kê của ngành y cho thấy, đến nay phần lớn BV đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở nhiều mức độ khác nhau. Cụ thể, có đến 99,5% cơ sở khám bệnh trên cả nước đã kết nối khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan giám định BHYT để triển khai giám định BHYT điện tử. Một số BV đã tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác khám, chữa bệnh, quản lý y tế, và bước đầu đạt hiệu quả cao.
Chẳng hạn như tại BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bác sĩ có thể tra cứu các kết quả xét nghiệm trong vòng vài phút trên hệ thống thông tin của BV. Thậm chí, việc trả kết quả cho bệnh nhân cũng đang được thực hiện trực tuyến. BV đa khoa TP. Vinh cũng đã vận hành hệ thống kiosk thông minh giúp bệnh nhân tự đăng ký khám bệnh. Chỉ cần quét thẻ BHYT là bệnh nhân có ngay số thứ tự trong phòng khám và bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án.
PGS-TS. Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Ứng dụng công nghệ thông tin cho biết, ngành y đang phát triển mạnh mẽ và là ngành có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CNTT. Trong những năm qua, ngành đã triển khai rất nhiều đề án tin học hóa và bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử... Riêng với đề án hồ sơ sức khỏe điện tử (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018 - 2019), mỗi bệnh nhân sẽ tự đăng ký trực tuyến và ở bất cứ nơi đâu cũng theo dõi được.
Các chuyên gia cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có y tế, đòi hỏi các BV, cơ sở y tế phải không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và hiệu suất hoạt động.
Đáp ứng nhu cầu này, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT đã nghiên cứu ra nhiều giải pháp tiên tiến. Chẳng hạn như tại FPT, hơn 20 năm qua, doanh nghiệp này đã tìm ra nhiều giải pháp, ứng dụng đáp ứng được nhu cầu của hơn 200 BV và cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam.
Mới đây, FPT đã ra mắt Hệ thống quản lý tổng thể BV thông minh FPT.eHospital phiên bản mới đáp ứng được tất cả yêu cầu trên của các BV. Điểm nổi bật của FPT.eHospital phiên bản mới là ứng dụng những công nghệ 4.0 mới nhất như AI, Big Data, Cloud, thiết bị di động (Mobility), kết nối vạn vật (IoT)... Các giải pháp này giúp lãnh đạo BV quản lý toàn bộ hoạt động của BV với các số liệu trực tuyến theo thời gian thực, tích hợp chữ ký số, bệnh án điện tử..., hướng đến xây dựng BV không giấy tờ.
Các giải pháp tiên tiến này cũng giúp tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh theo hướng nhanh - gọn - chính xác, giảm thời gian và khối lượng công việc liên quan đến thủ tục hành chính, nâng cao công suất, hiệu suất của BV, quản lý chặt chẽ tài chính...
Với bác sĩ, FPT.eHospital phiên bản mới hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, giảm rủi ro, sai sót thông qua việc cảnh báo tương tác thuốc, sự trùng lặp trong các toa thuốc, trợ lý ảo, chatbot thông minh hỗ trợ công việc hằng ngày như tìm kiếm bệnh nhân, mở sổ khám bệnh... Còn với bệnh nhân, FPT.eHospital giúp giảm thời gian đăng ký khám, chữa bệnh, tương tác với BV qua điện thoại hoặc cổng thông tin như đặt lịch hẹn, xem hồ sơ y tế cá nhân, thanh toán viện phí trực tuyến, trợ lý ảo nhắc lịch...
Trên thực tế, các giải pháp công nghệ thông minh của FPT đã giúp nâng cao năng suất làm việc của bác sĩ, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân và người nhà nhờ vào sự hỗ trợ kết nối thông tin giữa các khâu được đồng bộ, thống nhất, số liệu và tình hình hoạt động được báo cáo kịp thời. Đơn cử như tại BV Bạch Mai, việc ứng dụng FPT.eHospital đã giúp BV tiếp đón thành công trung bình 9.000 bệnh nhân/ngày, tăng 15 - 20% so với trước đó, gấp 15 lần một BV cấp tỉnh.
Trung bình mỗi bệnh nhân chỉ mất 1 phút 40 giây đăng ký và chờ khám. Hay như tại BV đa khoa TP. Vinh, từ một ngày chỉ tiếp đón 300 - 500 người bệnh, nhờ hệ thống FPT.eHospital, hiện nay BV đã có thể tiếp đón 1.600 - 1.800 người chỉ trong 2 tiếng đồng hồ.
Theo các chuyên gia, hiện nay khó khăn nhất của việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong các BV, cơ sở khám, chữa bệnh là chính sách quản lý của ngành y còn gây vướng mắc cho các BV muốn tự động hóa. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn vốn, nhất là BV công bị ràng buộc về chi tiêu và không dễ tìm ngân sách để triển khai các dự án tin học.
"Tôi cho rằng chính sách cần được thay đổi để trở nên đầy đủ, nhanh và thoáng hơn. Các cấp quản lý cần tạo ra một nguồn đầu tư riêng và ổn định cho công nghệ cũng như cần năng động hơn trong khâu quản lý. Về phía FPT, chúng tôi cam kết đầu tư nhiều hơn cho các giải pháp CNTT trong y tế, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các BV, cơ sở y tế và hỗ trợ đào tạo, vận hành. Đặc biệt, FPT cũng đưa ra nhiều hình thức đầu tư như cho thuê dịch vụ CNTT để giải quyết bài toán khó về việc tìm ngân sách đầu tư hiện nay của các BV", Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc nhấn mạnh.
Từ góc độ quản lý, PGS-TS. Trần Quý Tường đề nghị các cơ sở y tế phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong triển khai ứng dụng CNTT để cơ quan quản lý điều chỉnh và xây dựng chính sách phù hợp. Hiện nay, Cục Ứng dụng công nghệ thông tin đang đẩy mạnh việc cung cấp chữ ký số cho các BV và trong năm tới sẽ xây dựng chuẩn chung dữ liệu.
Ngoài ra, Cục sẽ phối hợp với FPT xây dựng mô hình về ứng dụng CNTT trong BV để các đơn vị cùng tham khảo và học tập. Hy vọng với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo ngành y, sự tham gia của các BV và sự chung tay của các công ty công nghệ, trong tương lai không xa sẽ có nhiều hơn nữa các mô hình BV thông minh ra đời.