Dưới đây là những lợi ích cho sức khỏe từ loại rau gia vị quen thuộc húng quế:
Tốt cho hệ tiêu hóa
Tinh dầu của húng quế có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm giảm triệu chứng khó chịu khi bị khó tiêu, buồn nôn, rối loạn dạ dày, tiêu chảy và chứng đầy hơi.
Ngoài ra, húng quế còn cung cấp sắt, canxi, kali, vitamin C và K; và cũng là một nguồn chất xơ rất có lợi trong chế độ ăn uống.
Làm hạ sốt
Do có khả năng sát trùng, diệt nấm mốc và kháng khuẩn nên húng quế có thể làm dịu nhiều kiểu sốt khác nhau, từ các cơn sốt có liên quan đến những căn bệnh nhiễm khuẩn thông thường đến bệnh sốt rét. Theo y học cổ truyền của người Ấn Độ, để hạ sốt, người bệnh cần uống nước sắc từ lá húng quế.
Chữa sỏi thận
Húng quế là một trong những loại thuốc lợi tiểu và khử độc rất tốt cho thận. Chúng làm giảm lượng axit uric trong máu (một trong những lý do chính gây bệnh sỏi thận là do tình trạng dư thừa của axit uric trong máu), giúp làm sạch thận. Để chữa sỏi thận, có thể uống nước ép từ lá húng quế với mật ong mỗi ngày trong vòng 6 tháng.
Giảm lượng đường huyết và trị bệnh đái tháo đường type 2
Lá húng quế chứa nhiều chất chống oxy hóa và các tinh dầu giúp sản xuất ra các chất như eugenol, methy eugenol và caryphyllene. Đây đều là những chất có tác dụng hỗ trợ cho các tế bào beta của tụy tạng (những tế bào có chức năng dự trữ và phóng thích insulin) hoạt động bình thường. Điều này giúp làm tăng khả năng nhạy cảm với insulin, làm giảm mức đường huyết nên có thể điều trị bệnh đái tháo đường hiệu quả. Tuy nhiên, những bệnh nhân có tiền sử bị hạ đường huyết nên thận trọng, không nên ăn nhiều loại rau này vì sẽ dẫn đến trạng thái lượng đường trong máu hạ quá thấp.
Bảo vệ tim
Hợp chất chống oxy hóa có tên gọi là eugenol vốn rất dồi dào trong húng quế giúp bảo vệ tim bằng cách giữ cho mức huyết áp luôn nằm trong tầm kiểm soát đồng thời còn làm giảm mức cholesterol trong cơ thể. Chỉ cần nhai vài lá húng quế khi bụng còn đói mỗi ngày là đã có thể bảo vệ sức khỏe cho tim, giúp phòng tránh những căn bệnh về tim.
Giảm đau cơ, khớp và tăng cường sự rắn chắc của các mô
Những bệnh nhân đau cơ, khớp nên bổ sung loại rau này vào khẩu phần ăn hằng ngày, không chỉ giúp giảm đau mà còn tăng cường sự dẻo dai của các cơ và khớp xương. Rau quế cũng giúp tăng sự chắc khỏe và tính đàn hồi, co giãn của các mô trong cơ thể.
Chữa đau đầu, giảm stress
Húng quế có thể làm dịu các cơn đau đầu do bệnh viêm xoang, dị ứng, cảm lạnh hay chứng đau nửa đầu gây ra. Điều này xuất phát từ khả năng giảm đau nhức và làm thông mũi của loại lá này, giúp xoa dịu các cơn đau và giải quyết tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Nếu đang bị đau đầu, chỉ cần giã nát lá húng quế, cho vào nước đun sôi, để đến khi nước còn ấm thì dùng khăn nhúng vào nước, vắt hơi khô và đắp lên trán. Ngoài ra, cũng có thể cho vài giọt tinh dầu húng quế vào nước ấm, dùng khăn nhúng nước và đắp lên trán.
Ngoài ra, một nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ cho thấy húng quế có khả năng duy trì mức bình thường của cortisol (hormone gây stress) trong cơ thể; giúp làm dịu thần kinh, điều chỉnh khả năng tuần hoàn máu và làm giảm các gốc tự do vốn là nguyên nhân gây stress. Những người làm các công việc có khả năng gây căng thẳng thần kinh cao có thể nhai khoảng 12 lá húng quế 2 lần mỗi ngày để ngăn ngừa stress một cách tự nhiên.
Làm đẹp da, chống rụng tóc
Do có khả năng thanh lọc cơ thể nên khi ăn sống, húng quế giúp lọc sạch máu cung cấp cho da, mang lại một làn da sáng bóng và ngăn ngừa sự xuất hiện của mụn. Rau quế còn có tác dụng làm dịu cảm giác ngứa rát trên da đầu, chống rụng tóc. Ăn lá húng quế, uống nước ép hoặc đắp mặt nạ từ hỗn hợp lá húng quế giã nát đều có tác dụng tốt cho da và tóc. Tinh dầu húng quế được sử dụng để dưỡng da, điều trị mụn trứng cá và bệnh vẩy nến. Lá, hoa, quả, hạt húng quế kết hợp với nhau là cách tốt nhất để chữa mẩn ngứa, dị ứng. Có thể giã nát lá tươi, đắp ngoài hoặc nấu nước để rửa các vết rắn cắn, sâu bọ đốt, eczema, viêm da.
Chữa những bệnh về hô hấp
Từ xưa húng quế đã là phương thuốc dân gian hiệu quả để chữa những căn bệnh như ho, cảm lạnh hay bệnh có liên quan đến hô hấp bao gồm viêm phế quản cấp tính và mãn tính, do loài rau này có khả năng điều chỉnh khả năng miễn dịch, làm giảm các cơn ho và làm long đàm. Ngoài ra, những hợp chất như camphene, eugenol và cineole trong tinh dầu của húng quế có tác dụng chống dị ứng, kháng viêm và hỗ trợ cho việc điều trị những căn bệnh dị ứng ở đường hô hấp.
Ngừa sâu răng
Rau quế từ lâu đã được biết đến là một trong những thảo dược có tác dụng điều trị sâu răng và hơi thở có mùi. Chỉ cần nhai vài lá quế hay súc miệng với nước quế cũng giúp sạch miệng và mang lại hơi thở thơm tho.
Giúp cai thuốc lá
Loại rau này có tác dụng làm mát cổ họng tương tự như bạc hà nên giúp kiểm soát cảm giác thèm hút thuốc nếu nhai chúng thường xuyên. Chỉ cần giữ một ít lá húng quế trong túi và nhai chúng khi cảm thấy thèm hút thuốc, dần dần, sẽ từ bỏ được thuốc lá. Tác dụng chống oxy hóa của lá húng quế còn giúp khắc phục những tổn hại cho các cơ quan bên trong cơ thể vốn luôn gia tăng theo thời gian hút thuốc lá.
Tốt cho sức khỏe phụ nữ
Ăn rau quế trong giai đoạn “nguyệt san” giúp giảm thiểu chứng chuột rút và những khó chịu khác trong những ngày này. Đây cũng là loại rau giúp tăng tiết lượng sữa mẹ nên rất hữu ích cho những bà mẹ ít sữa. Lưu ý, phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều húng quế vì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và con như gây kích thích các cơn co thắt tử cung, dẫn đến biến chứng trong khi sinh.
Lưu ý, tuy rau húng quế rất tốt cho sức khỏe, nhưng không vì thế mà lạm dụng, vì ăn quá nhiều rau húng quế (có thể dẫn đến quá liều eugenol) gây ngộ độc cho cơ thể, khiến bị ho, thở gấp và có lẫn máu trong nước tiểu. Các bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống loãng máu nên hạn chế ăn rau húng quế do loại rau này tăng cường các tính chất làm loãng máu của thuốc chỉ định và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.