Âu - Mỹ rón rén "mở cửa" trong thấp thỏm vì biến chủng Delta

Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 08/07/2021

Tại châu Âu, biến chủng virus Delta tiếp tục lây lan, giữa lúc nhiều nước đang dần gỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch cũng như áp dụng hình thức giấy "thông hành y tế" đối với du khách nội khối EU. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa phát đi cảnh báo một làn sóng dịch mới có khả năng bùng lên trong những tuần tới khi các nước “mở cửa”.
Âu - Mỹ rón rén

Thủ tướng Anh - Boris Johnson hôm 5/7 tuyên bố nước Anh chuẩn bị kết thúc giãn cách xã hội và gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang, đồng thời chuẩn bị luôn phương án mở cửa quốc tế. Đây là một bước tiến của Anh sau hơn 14 tháng “khóa cửa” để đối phó với số ca nhiễm và tử vong tăng dần đều.

Khi vạch ra kế hoạch dỡ bỏ hầu hết các quy định ở Anh vào 19/7 tới, Thủ tướng Anh cho biết ông muốn để mọi người quyết định xem có nên tiếp tục đeo khẩu trang trong tàu điện ngầm, xe buýt và các không gian kín khác hay không, mặc dù các cơ quan giao thông vận tải có thể vẫn yêu cầu người tham gia phải đeo khẩu trang.

Tuy vậy, các quan chức địa phương và các nhà khoa học nói rằng chính phủ đang đặt nhiều người dễ bị tổn thương vào trạng thái nguy cơ cao tại thời điểm virus tiếp tục lây lan. Cơ quan y tế Anh báo cáo có 27.334 ca nhiễm mới vào ngày 5/7 và thêm 178.128 ca trong tuần, tăng 53% so với tuần trước đó. Hầu hết các ca nhiễm và tử vong mới đều do biến chủng Delta gây nên.

au-my-doi-mat-lan-song-bien-ch-5011-8464

Tính đến hết 4/7, số ca nhiễm ở Anh đã ngang mức đầu tháng 11/2020

David King, cựu cố vấn khoa học của chính phủ Anh, thẳng thắn cho biết: “Đeo khẩu trang không phải để bảo vệ chính mình, mà là để bảo vệ người khác. Đó là lý do tại sao nó phải là một yêu cầu đối với những người dùng phương tiện giao thông công cộng".

Theo The Guardian, sau tuyên bố của Thủ tướng Anh, nhiều chuyên gia y tế và dịch tễ nhận định số ca lây nhiễm sẽ tăng mạnh, có thể cán mức 50.000 ca/ngày (với đỉnh “chết chóc” cũ từng được ghi nhận là 60.000 ca/ngày). Tuy vậy, nhờ tỷ lệ tiêm vaccine đã tương đối ổn với hơn 50% dân số đã tiêm đủ hai liều, và gần 80% dân số đã tiêm được 1 liều, các chuyên gia cho rằng số người nhập viện sẽ trong tầm kiểm soát, và số tử vong sẽ ít hơn rất nhiều so với “đỉnh chết chóc” là gần 1.500 ca/ngày vào 19/1/2021. 

au-my-doi-mat-lan-song-bien-ch-9339-3302

Số ca nhập viện ở Anh đã giảm mạnh so với giai đoạn tháng 11/2020, theo chuyên gia, nhờ tỷ lệ tiêm vaccine trong dân cao hơn

Thế nhưng, nhiều chuyên gia về virus lại bày tỏ lo ngại đợt “mở cửa” này sẽ tạo ra thêm nhiều biến chủng, và chỉ cần một vài trong số đó kháng lại các loại vaccine hiện hành, thì tình hình sẽ lại tồi tệ như đầu năm nay.

Bầu trời EU bớt đen nhưng hãy còn xám

Cũng dưới cùng một bầu trời nhưng cách London, nơi Thủ tướng Anh tuyên bố mở toang cửa, chỉ gần 600km, Thủ tướng Luxembourg - Xavier Bettel đã phải nhập viện trong tình trạng 'nghiêm trọng' với nồng độ oxy trong máu thấp, một mối lo ngại nghiêm trọng đối với những người mắc bệnh Covid-19, tuy nhiên, ông tự thở và không cần phải đặt nội khí quản.

Chưa đầy hai tuần sau khi trở thành ngôi sao tại cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu ở Brussels vào cuối tháng trước, ông Bettel, 48 tuổi, đã nằm viện được 3 ngày, và sẽ phải ở đó 2-4 ngày nữa vì những triệu chứng dai dẳng chưa thuyên giảm.

Thủ tướng Xavier Bettel đang ở trong tình trạng "nghiêm trọng nhưng ổn định" vào 6/7 tại một bệnh viện, thư ký báo chí của ông cho biết.

au-my-doi-mat-lan-song-thu-tu-3890-6446-

 Thủ tướng Luxembourg, Xavier Bettel, đã phải nằm viện 3 ngày qua trong tình trạng 'nghiêm trọng' với nồng độ oxy trong máu thấp

Sau khi ông Bettel tham dự hội nghị thượng đỉnh vào 24-25/6, ông đã thông báo kết quả xét nghiệm dương tính và có các triệu chứng nhẹ. Ông đã tiêm liều đầu tiên của vaccine AstraZeneca vào tháng 5 và dự kiến sẽ tiêm mũi thứ hai vào ngày 1/7. Hiện vẫn chưa rõ khi nào ông sẽ tiêm liều thứ hai này.

Trên các bãi biển, trong các thành phố hay bên các quán hàng, người dân ở Pháp cũng như nhiều nước châu Âu đang trở lại thói quen bình thường vốn bị kìm hãm trong suốt một thời gian dài. Thế nhưng, làn sóng thứ 4 của đại dịch vẫn còn phía trước.

Những con số ghi nhận trong tuần qua không khỏi gây lo ngại cho các cơ quan y tế. 

Ở Pháp, sau nhiều tuần giảm mạnh, số ca nhiễm những ngày qua vẫn đều đặn mỗi ngày trên 2.000 ca, tuy con số này chưa tới mức báo động nhưng xu hướng gia tăng gây lo ngại. Bộ trưởng Y Tế Pháp - Olivier Veran hôm 4/7 đã nói đến khả năng một “làn sóng thứ tư”có thể bùng lên cuối tháng 7 này. Đó có thể chỉ là những dự đoán của lãnh đạo y tế Pháp trước tốc độ lây lan cao của biến thể Delta, nhất là khi nhìn những gì đang diễn ra từ nhà hàng xóm bên kia bờ biển Manche.

Một câu hỏi là nếu xảy ra, đợt bùng phát dịch mới mà báo chí hay một số nhà chuyên môn vẫn gọi là “làn sóng dịch thứ 4” sẽ có quy mô thế nào? “Điều này phụ thuộc phần lớn vào tỷ lệ tiêm chủng trong dân chúng" - nhà dịch tễ học Mahmoud Sureik, GS về y tế công cộng thuộc Đại học Versailles Saint-Quentin, Pháp, cho biết.

GS Sureik nhấn mạnh hậu quả của đợt bùng phát thứ 4 chắc chắn sẽ đỡ nặng hơn các đợt dịch trước, nhờ có miễn dịch cộng đồng tự nhiên (tức số người đã nhiễm Covid-19) và miễn dịch do tiêm phòng trong dân, mà chiếm đa số là những người dễ nhiễm virus.

Các chuyên gia đều thống nhất, cách tốt nhất để ngăn chặn đợt bùng phát dịch mới với biến thể Delta là tiêm phòng và con số ít nhất phải là 70% dân số được tiêm đủ 2 liều vaccine. Hiệu quả của vaccine đối với biến thể Delta đã được chứng minh dù ở mức khác nhau đối với từng loại thuốc: Khoảng từ 55% đến 71% đối với vaccine AstraZeneca và từ 73% đến 85% đối với của Pfizer hay Moderna, theo tài liệu của Hội đồng Khoa Học của Chính phủ Pháp (SAGA) do báo Le Monde đăng tải cuối tháng rồi.

Mỹ vẫn chưa hết lo âu

Theo ước tính mới công bố của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), biến thể Delta rất dễ lây lan hiện chiếm hơn 51% các trường hợp Covid-19 ở Hoa Kỳ. Biến thể, còn được gọi là B.1.617.2, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, đang lan nhanh trên toàn cầu, và ở các vùng của Hoa Kỳ, chủng Delta chiếm hơn 80% các ca nhiễm mới, bao gồm một số bang miền Trung Tây như Missouri, Kansas và Iowa.

Theo ước tính của CDC, biến thể Delta đã gây ra 74,3% trường hợp lây nhiễm ở các bang miền Tây, bao gồm Utah và Colorado, và 58,8% trường hợp lây nhiễm ở các bang miền Nam như Texas, Louisiana, Arkansas và Oklahoma.

Hiện 44% tổng dân số được tiêm chủng đầy đủ chống lại Covid, theo CDC. Vào tháng 5/2021, Tổng thống Joe Biden đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người Mỹ trưởng thành vào ngày 4/7, tuy nhiên thực tế tỷ lệ này vẫn chưa đạt được.

Tin tốt là các loại vaccine đang được sử dụng ở Hoa Kỳ dường như đều có hiệu quả cao trong việc chống lại virus, giảm thiểu tình trạng nhập viện và tử vong. Hiện các quan chức y tế công cộng đang kêu gọi khoảng 140 đến 150 triệu người vẫn chưa tiêm chủng hãy đi tiêm phòng.

au-my-doi-mat-lan-song-bien-ch-8203-5381

Hiện 44% tổng dân số được tiêm chủng đầy đủ chống lại Covid. Vào tháng 5/2021, Tổng thống Joe Biden đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người Mỹ trưởng thành vào ngày 4/7, tuy nhiên thực tế tỷ lệ này vẫn chưa đạt được.

Dữ liệu mới từ Israel cho thấy hiệu quả của vaccine mRNA của Pfizer-BioNTech giảm mạnh khi đọ sức với biến thể Delta. Tuần trước, hơn một nửa trong số tất cả các trường hợp Covid-19 ở Israel được báo cáo là xảy ra ở những người đã được tiêm chủng; vaccine dường như chỉ ngăn ngừa được khoảng 2/3 các trường hợp có triệu chứng, so với việc ngăn ngừa gần như 100% ở các biến thể cũ.

Tuy vậy, dữ liệu của Israel cho thấy một loại vaccine vẫn còn hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhập viện. Mặc dù số ca nhiễm và nhập viện đang tăng cao, chính phủ chỉ ghi nhận hai trường hợp tử vong do covid-19 kể từ giữa tháng 6/2021.

Theo chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, nhiều khu vực ở Hoa Kỳ có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng mới trong các ca mắc bệnh Covid do tỷ lệ tiêm chủng chậm lại và sự gia tăng các ca do biến chủng Delta gây ra.

Các khu vực bao gồm Đông Nam và Trung Tây, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn, là những khu vực dễ bị tổn thương nhất - và có thể cần đến các biện pháp an toàn, chẳng hạn như đeo khẩu trang lại.

“Chúng ta có một đất nước lớn với sự chênh lệch về mức độ sẵn sàng tiêm chủng. Trong khi 67% người lớn ở Hoa Kỳ nói chung đã nhận được ít nhất một liều vaccine Covid-19, "có một số tiểu bang nơi mức độ tiêm chủng của các cá nhân là 35% hoặc ít hơn," ông Fauci, Cố vấn y tế chính của Nhà Trắng, nói.

Hiện tại, các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất bao gồm Mississippi (30% số người được tiêm chủng), Alabama (33%), Wyoming (35%) và Arkansas (34%), theo Our World in Data.

Dữ liệu gần đây từ Đại học Johns Hopkins cho thấy những bang có tỷ lệ tiêm chủng đang bị tụt hậu có số ca mắc bệnh Covid mới gần như gấp ba lần so với các bang có tỷ lệ tiêm chủng cao, CNN đưa tin hôm 5/7. Ví dụ tại Arkansas, nơi tỷ lệ tiêm chủng là 34%, có 17 trường hợp mắc mới hàng ngày trên 100.000 người, so với Vermont, bang được tiêm chủng nhiều nhất trên toàn quốc với tỷ lệ tiêm chủng là 66%, chỉ có 0,4 trường hợp trên 100.000 người.

Như vậy một đợt bùng phát dịch mới với biến thể Delta khó có thể tránh khỏi đối với không chỉ ở Âu - Mỹ mà tất cả các nơi trên thế giới. Nhưng điều có thể tránh được là những kịch bản tai họa như các đợt trước: bệnh viện quá tải, số ca tử vong ồ ạt, trở lại cuộc sống trong phong tỏa hay hạn chế. 

Phương cách duy nhất là đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trong dân chúng. Tiêm phòng trở thành cuộc chạy nước rút với biến thể Delta. Một biện pháp dễ thực hiện hơn vẫn là duy trì các biện pháp vệ sinh phòng dịch như mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách, theo khuyến cáo của các cơ quan y tế.

Ngọc Thoại