Nguy cơ đình lạm
Trong kinh tế học, đình lạm chỉ hiện tượng nền kinh tế đình đốn đi kèm với lạm phát cao. Theo lý luận về đường cong Phillips của kinh tế học Keynes, có sự đánh đổi giữa tỷ lệ lạm phát với tỷ lệ thất nghiệp, hoặc giữa tỷ lệ lạm phát với tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này hàm ý, nếu kinh tế đình đốn, tức tăng trưởng trì trệ, thì cũng không thể có lạm phát cao.
Tuy nhiên, ở Anh thập niên 1960 và 1970, ở Mỹ đầu thập niên 1970, trong khi kinh tế đình đốn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, mà tỷ lệ lạm phát lại không hạ. Và giờ đây, trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua và mới nhất là chiến sự tại Ukraine, nhiều chuyên gia lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ quay lại tình trạng lạm phát đình trệ như thập niên 1970.
Ngày càng có thêm nhiều dấu hiệu cảnh báo nguy cơ này. Cụ thể, tiếp nối mức chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tháng 1 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức tăng cao nhất trong 40 năm kể từ tháng 2/1982, lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 2 cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục là 5,8%, theo số liệu công bố hôm 2/3/2022.
Đình lạm (stagflation) đang là nguy cơ hiện hữu tại nhiều nước |
Trước đó, lạm phát tháng 1 tại Eurozone là 5,1%. Lạm phát tăng cao được cho là do giá khí đốt và dầu mỏ tăng mạnh và sẽ còn tăng cao hơn do chiến sự ở Ukraine tác động tới nguồn cung các mặt hàng này. Theo Eurostat, giá năng lượng tháng 2 tăng 31,7%, nhanh hơn mức 28,8% trong tháng 1/2022. Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu thô Brent tăng lên 110 USD/thùng và giá dầu WTI tăng lên mức cao nhất từ năm 2013. Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã lên mức kỷ lục mới. Giá thực phẩm cũng tăng 4,1% trong tháng 2 so với mức 3,5% của tháng trước đó.
Trong số 19 quốc gia Eurozone, mức lạm phát cao nhất được ghi nhận tại Lithuania (13,9%) và thấp nhất là Pháp (4,1%). Nền kinh tế đầu tàu là Đức, tỷ lệ lạm phát đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ lạm phát tại Ý tăng tới 5,7%. Lạm phát tại Eurozone được dự báo còn tăng trong những tháng tới, do chiến sự ở Ukraine tiếp diễn. Những kịch bản lạc quan nhất cho rằng, lạm phát sẽ đạt 6% trước khi giảm xuống 4% vào cuối năm - là mức cao gấp đôi ngưỡng 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hướng tới.
Thế khó của NHTƯ các nước
Tuy nhiên, không chỉ lạm phát cao là vấn đề mà kinh tế nhiều nước phải đối mặt, kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng đang là rủi ro lớn. Những lo lắng kéo dài về chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy và đại dịch Covid-19 phức tạp trở lại vì biến thể Omicron đang đe dọa đà phục hồi tăng trưởng toàn cầu.
Trong khi đó, Phó chủ tịch ECB Luis de Guindos cảnh báo mức lạm phát trong tháng 2/2022 là "một bất ngờ tiêu cực", đồng thời nhận định điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của lục địa già. ECB hiện duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone có thể giảm tới 0,4% trong năm 2022. Còn JPMorgan cho rằng, nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ trì trệ trong quý I/2022 và hạ dự báo tăng trưởng cho các quý tiếp theo.
Nếu lạm phát tiếp tục tăng cao trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, đây sẽ là cơn ác mộng vì đình lạm luôn là thách thức đối với NHTƯ các nước. Có rất ít công cụ để cùng lúc chống được cả lạm phát cao và suy giảm kinh tế. Ví dụ, cách khắc phục mạnh nhất đối với sự suy giảm kinh tế là nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, nhưng thực tế tại Mỹ, lãi suất đã gần như ở mức 0% trong suốt gần hai năm qua. Tức là dư địa cho nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa gần như không còn.
Nếu giữ nguyên các biện pháp kích thích nền kinh tế và chịu đựng một thời kỳ lạm phát rất cao cũng không khả quan, bởi sẽ tạo ra nhu cầu tăng lương cho người lao động, dẫn tới nguy cơ một đợt tăng giá khác do các doanh nghiệp tìm cách bù đắp chi phí.
Các chính sách quản lý tổng cầu dựa trên lý luận của kinh tế học Keynes không thể giải quyết được tình trạng đình lạm. Nếu nới lỏng tài chính hay nới lỏng tiền tệ để kích cầu và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao hơn thì lạm phát sẽ gia tốc. Còn nếu thắt chặt tài chính hay thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, thì kinh tế lại có thể thu hẹp thêm.
Trong bối cảnh NHTƯ nhiều nước đang bước vào chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, đơn cử như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có kế hoạch tăng lãi suất trong tháng 3 và có thể phải tăng lãi suất 4 lần trong năm nay, nguy cơ đình lạm đang khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng FED khó có thể tăng mạnh lãi suất như dự kiến. Các nhà hoạch định chính sách tại FED cũng sẵn sàng hành động để lạm phát cao không trở thành vấn đề "cố hữu". Giới đầu tư cũng tin rằng nếu tình hình không sớm được cải thiện, ECB sẽ phải lùi thời hạn tăng lãi suất sang năm 2023 để bảo vệ nền kinh tế.
Chiến sự tại Ukraine đang làm hạn chế nỗ lực của ECB trong việc hoạch định chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, khiến thể chế tài chính này không có nhiều lựa chọn trong giải quyết lạm phát. Cắt giảm mua trái phiếu và mở đường cho việc tăng lãi suất cơ bản sẽ làm trầm trọng tình trạng tăng trưởng chậm, dù khiến lạm phát giảm mạnh xuống dưới mục tiêu trong năm 2023. Trong khi đó, nếu giữ nguyên các biện pháp kích thích nền kinh tế và chịu đựng một thời kỳ lạm phát rất cao cũng không khả quan, bởi sẽ tạo ra nhu cầu tăng lương cho người lao động, dẫn tới nguy cơ một đợt tăng giá khác do các doanh nghiệp tìm cách bù đắp chi phí.