Lạc quan cổ phiếu ngành điện năm 2017

THÀNH LONG| 04/01/2017 01:29

Với lợi thế về ngành nghề kinh doanh có tính độc quyền, tốc độ tăng trưởng khá cao, nhóm cổ phiếu ngành điện trên sàn chứng khoán mang nhiều kỳ vọng cho giới đầu tư trong năm 2017.

Lạc quan cổ phiếu ngành điện năm 2017

Với lợi thế về ngành nghề kinh doanh có tính độc quyền, tốc độ tăng trưởng khá cao, nhóm cổ phiếu ngành điện gồm thủy điện và nhiệt điện trên sàn chứng khoán mang nhiều kỳ vọng cho giới đầu tư trong năm 2017.  

Đọc E-paper

Cổ phiếu ngành điện thường là cổ phiếu mang tính phòng thủ cho mỗi danh mục đầu tư, bên cạnh đó ngành điện vẫn là ngành có tính độc quyền cao khi hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là bên mua và bán điện duy nhất trên thị trường.

Nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao

Ngành điện Việt Nam hiện nay trong tình trạng cầu lớn hơn cung và nhu cầu dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong dài hạn, các doanh nghiệp (DN) trong ngành sẽ phải tiếp tục sản xuất với công suất tối đa.

Theo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VII điều chỉnh) thì mục tiêu của ngành điện là cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2016 - 2030.

Trong đó điện thương phẩm năm 2020 khoảng 235 - 245 tỷ kWh, năm 2025 khoảng 352 tỷ kWh, năm 2030 khoảng 506 -559 tỷ kWh; điện sản xuất và nhập khẩu năm 2020 khoảng 265 - 278 tỷ kWh, năm 2025 khoảng 400 - 431 tỷ kWh và năm 2030 khoảng 572 - 632 tỷ kWh.

>>Tiềm năng và rủi ro khi đầu tư vào ngành điện

Theo EVN, tổng sản lượng trong 11 tháng năm 2016 của Tập đoàn đạt 146,356 tỷ kWh, vượt tổng sản lượng điện thương phẩm cả năm 2015 (143,34 tỷ kWh) và đạt 91,99% so với kế hoạch. Theo dự phóng trong báo cáo 2017 của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), nhu cầu điện của Việt Nam đạt 176 tỷ kWh trong năm 2017 và 195 tỷ kWh trong năm 2018.

Một yếu tố khác ảnh hưởng tích cực đến các DN thủy điện năm 2017 là điều kiện thủy văn ổn định dưới tác động của La Nina. Hiện tượng này đã được xác nhận diễn ra kể từ tháng 10/2016 và dự báo kết thúc vào khoảng tháng 2/2017.

Những doanh nghiệp triển vọng

Hiện nay trên sàn chứng khoán có 14 DN trong ngành điện, trong đó có 10 DN thủy điện với mức P/E trung bình quanh 15,5 và 4 DN nhiệt điện với mức P/E trung bình quanh 6,5.

Các DN thủy điện có thể kể đến là Công ty CP Thủy điện Miền Nam (SHP), Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), Công ty CP Thủy điện Miền Trung (CHP), Công ty CP Thủy điện Thác Mơ (TMP), Công ty CP Thủy điện Cần Đơn (SJD), Công ty CP Sông Ba (SBA), Công ty CP Thủy điện Sê San 4A (S4A), Công ty CP Thủy điện Thác Bà (TBC), Công ty CP Thủy điện Nậm Mu - Điện lực 3 (DRL).

Nhìn chung 9 tháng năm 2016, doanh thu của nhóm thủy điện đều giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của El Nino, tuy nhiên sau khi El Nino kết thúc, nhóm này xuất hiện những tín hiệu tích cực từ quý III/2016, doanh thu đạt 341,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 44,7 tỷ đồng.

Cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế của SHP đều giảm so với cùng kỳ 2015 do ảnh hưởng của thời tiết và giá bán điện cạnh tranh giảm. Tuy nhiên, tiềm năng trong dài hạn của SHP được kỳ vọng nhờ có 3 nhà máy đều nằm ở khu vực phía Nam có lượng mưa cao và ổn định, mùa mưa kéo dài đến 6 tháng, đảm bảo cho hiệu suất vận hành cao.

>>Sức hấp dẫn của cổ phiếu FMCG

Sản lượng điện dự báo sẽ được phục hồi trong năm 2017, do đó, lợi nhuận sau thuế của SHP được cải thiện đáng kể, mặt khác, SHP là DN trả cổ tức đều đặn (15% năm 2014, 16% năm 2015 và dự kiến 16% năm 2016). SHP hiện đang giao dịch với mức P/E 12 lần - mức thấp đối với DN kinh doanh ổn định, rủi ro thấp và cổ tức đều đặn ở mức cao.

Sê San 4A có kết quả kinh doanh 9 tháng 2016 126,7 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 26,3 tỷ, dự kiến lợi nhuận sau thuế 2017 đạt 100 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 2.370 đồng. Chi phí tài chính của S4A giảm mạnh trong năm 2016 nhờ không còn những cú sốc tỷ giá như năm 2015.

Cổ tức của S4A năm 2016 dự kiến là 10% tiền mặt, thị giá đang giao dịch quanh mức 16.000 đồng/CP, P/E đang biến động ở mức 14 lần. Như vậy có thể thấy S4A đang ở mức định giá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư giá trị.

Đối với các DN nhiệt điện, trên sàn hiện nay có thể kể tên đến là Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP).

9 tháng năm 2016, doanh thu của NT2 đạt 4.461 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 860 tỷ đồng. Do đặc thù hợp đồng giữa NT2 và EVN nên NT2 không chịu ảnh hưởng nhiều từ biến động giá nhiên liệu và có nguồn lợi nhuận đảm bảo.

Bên cạnh đó, với công nghệ vượt trội, máy móc, trang thiết bị hiện đại nên kinh doanh ổn định và sản lượng tăng qua các năm. NT2 hiện đang giao dịch với P/E ở mức 5.95 lần với EPS 4.600 đồng - mức hấp dẫn cho trường phái đầu tư giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lạc quan cổ phiếu ngành điện năm 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO