Thừa cơ hội, thiếu việc làm

LỮ Ý NHI| 10/06/2009 08:31

Những năm gần đây, các trường đại học (ĐH) đã mở thêm nhiều ngành học mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Cơ hội việc làm nhiều, nhưng thực tế vẫn không ít sinh viên ra trường thiếu việc làm.

Thừa cơ hội, thiếu việc làm

Những năm gần đây, các trường đại học (ĐH) đã mở thêm nhiều ngành học mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Cơ hội việc làm nhiều, nhưng thực tế vẫn không ít sinh viên ra trường thiếu việc làm.

Tìm việc làm vẫn là hành trình vất vả đối với nhiều sinh viên - Ảnh: Quý Hòa


Ngành học mới,cơ hội mới

Năm học 2009-2010, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã mở thêm chuyên ngành quảng cáo. Dự đoán, sinh viên ngành này ra trường rất dễ kiếm việc làm bởi ước tính đến năm 2010, cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp, 1/5 trong số đó cần một người làm quảng cáo cũng đủ chỗ cho không ít ứng cử viên. Được coi là ngành mang tính ứng dụng cao, nguồn nhân lực lại đang thiếu để giải quyết những vấn đề cấp thiết của đô thị như tư vấn, quy hoạch, thiết kế và xây dựng chính sách, thẩm định dự án ở các cấp độ khác nhau, nên chuyên ngành Đô thị học cũng vừa được ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) TP.HCM mở thêm.

Theo ông Minh Hòa - Trưởng Khoa Đô thị học: “Cơ hội việc làm trong ngành này rất lớn, chỉ tính riêng TP.HCM đã có khoảng 300 - 400 phường, mỗi phường chỉ cần một cán bộ quản lý đất đai thì trường cũng phải đào tạo trong 10 năm mới tạm đủ. Đó là chưa kể đơn đặt hàng đào tạo của các tỉnh khá cao, trong khi số sinh viên trường đang đào tạo chỉ có 70 em, quá ít so với nhu cầu”. Trưởng Khoa Giáo dục học ĐHKHXH&NV, cô Nguyễn Ánh Hồng cho biết: “Ngành giáo dục học hiện đang được thị trường chấp nhận do lĩnh vực đầu tư vào giáo dục trong xã hội đang tăng cao. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ở các trường quốc tế, dân lập gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, mỗi khóa, trường chỉ đào tạo được trên dưới 100 em”.


Chuyên ngành mới nhất năm nay và cũng được coi là ngành nhiều cơ hội tìm việc làm là ngành quản trị logistic và vận tải đa phương thức của ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM. Tốt nghiệp ngành này, sinh viên có khả năng tổ chức, quản lý kinh doanh, khai thác dịch vụ về logistic và vận tải đa phương thức, như phân phối, kho vận, dịch vụ khách hàng, quản trị doanh nghiệp vận tải, nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, phân tích và lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

ĐH Dân lập Hồng Bàng, ĐH Hùng Vương và ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng mở thêm nhiều ngành học mới, như Phong thủy học, Quản trị bệnh viện (QTBV), Công nghệ spa và Y sinh học, Hệ thống thông tin địa lý... Riêng ngành QTBV, số lượng sinh viên theo học khá đông. BS Nguyễn Văn Út - Trưởng Khoa QTBV ĐH Dân lập Hùng Vương cho biết: “Nhân lực quản trị cho các bệnh viện đang là nhu cầu cấp bách, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là 100%. Song, việc đào tạo còn giới hạn. Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký thi khoảng 3 - 4 ngàn nhưng trường chỉ tuyển khoảng 300 em”.


Vẫn long đong tìm việc

Dù các ngành học mới đều dựa trên nhu cầu xã hội và đơn đặt hàng của một số ngành, cơ quan nhà nước, nhưng vẫn có không ít sinh viên ra trường vẫn không có việc làm hoặc có việc làm thì không đáp ứng được nhu cầu. Thực tế này, qua tìm hiểu là do nhiều sinh viên khi chọn ngành học không tìm hiểu kỹ nên mơ hồ về ngành đào tạo, thậm chí có em không biết ngành mình học khi ra trường sẽ làm gì, ai tuyển dụng. Trong khi đó, nhà trường lại không tư vấn về chuyên môn và cơ hội việc làm của ngành học nên không tránh khỏi việc học để đối phó, lấy bằng, kết quả học tập kém, không đáp ứng được công việc thực tế. Đó là chưa kể một số ngành mở ra nhưng điều kiện học tập, cơ sở vật chất cho đào tạo, giáo trình còn quá sơ sài, giáo viên thiếu.


Ông Nguyễn Văn Tiệp - Trưởng Khoa Nhân học ĐHKHXH&NV lý giải thêm: “Do một số ngành học mới chưa thu hút thí sinh nên những năm đầu, đầu vào ở một số ngành tương đối thấp, có ngành gần 100 thí sinh dự thi thì lấy tới 80 em nên chất lượng đầu ra thấp. Một thực tế khác là hầu hết các ngành học mới đều đào tạo theo nhu cầu của các cơ quan nhà nước, nhưng hiện nay cán bộ được tiếp nhận vào cơ quan nhà nước rất ít. Số được tuyển dụng thì do lương thấp, trung bình khoảng hơn một triệu đồng/tháng, không có điều kiện nâng cao trình độ, cơ chế ràng buộc nên phải đi tìm việc khác”.



(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thừa cơ hội, thiếu việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO