“Còn có thể làm tốt hơn”

28/06/2010 00:20

Nhìn lại kinh tế sáu tháng đầu năm, các nhà điều hành kinh tế đang tỏ ra khá lạc quan với triển vọng phục hồi tăng trưởng, tuy nhiên các nhà phân tích lại dè dặt hơn khi nhìn về dài hạn.

“Còn có thể làm tốt hơn”

Nhìn lại kinh tế sáu tháng đầu năm, các nhà điều hành kinh tế đang tỏ ra khá lạc quan với triển vọng phục hồi tăng trưởng, tuy nhiên các nhà phân tích lại dè dặt hơn khi nhìn về dài hạn.

Các nhà điều hành kinh tế đang tỏ ra rất lạc quan với xu thế hồi phục tăng trưởng rõ ràng hơn sau ba năm nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô.

Các nhà điều hành kinh tế đang tỏ ra rất lạc quan với xu thế hồi phục tăng trưởng rõ ràng hơn sau ba năm nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo báo cáo của bộ Kế hoạch và đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6 – 6,1% trong sáu tháng đầu năm 2010. Bên cạnh đó, chỉ số quan trọng nhất là giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước. Trong sáu tháng đầu năm ngoái chỉ số này chỉ tăng vỏn vẹn 4% do tác động của suy giảm kinh tế.

Một số địa phương đạt mức tăng trưởng rất cao như Hà Nội tăng 13,9%, TP.HCM 13,7%, Đà Nẵng tăng 17,4%, Bình Dương tăng 19%, Vĩnh Phúc tăng 39,6%.

Trong nửa đầu năm nay có tới gần 42.000 doanh nghiệp mới với tổng vốn đăng ký lên tới hơn 250.000 tỉ đồng, tăng tới 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả nước có thêm 438 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,9 tỉ USD.

Tính đến 15/6, thu ngân sách đạt gần 48% và chi đạt gần 43% kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn ở mức cao, tương ứng với 43,5% GDP.

Thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Văn Trung nhận xét lạc quan: “Nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ mà chúng ta chưa thể hình dung ra vào thời điểm này năm ngoái”.

Vụ trưởng vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân bổ sung thêm: “Tất cả các ngành, các lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước, chứng tỏ nền kinh tế tiếp tục phục hồi nhanh”.

Đánh giá của hai quan chức trên đưa ra trong hội nghị giao ban của các bộ ngành và các địa phương hôm qua 24.6.

Tuy nhiên, quyền tổng cục trưởng tổng cục Thống kê Đỗ Thức có vẻ thận trọng hơn: “Những tháng gần đây đã xuất hiện đà cho tăng trưởng, nhưng tôi nghĩ vẫn còn cần thêm thời gian. Chẳng hạn, sản xuất đã gia tăng nhưng lượng tồn kho còn rất lớn”.

Ông Thức cũng bày tỏ nghi ngờ số liệu tăng trưởng rất cao mà các địa phương báo cáo lên, và nói tổng cục Thống kê sẽ xem xét lại.

Trong khi đó, những con số từ ngân hàng Phát triển Việt Nam, một trong những ngân hàng nhà nước lớn và được rót tới 85% vốn ODA diện cho vay lại của Chính phủ có vẻ không quá lạc quan.

Phó tổng giám đốc Lại Văn Đạo cho biết, ngân hàng giải ngân được 40% kế hoạch năm, và tăng trưởng tín dụng vào khoảng 7% trong nửa đầu năm nay. Ông nói, ngân hàng không thiếu tiền cho vay nhưng các dự án, nhất là dự án nhóm A không mặn mà triển khai vì vẫn còn bị tác động bởi suy giảm kinh tế. Bên cạnh đó, có nhiều nhà đầu tư như Vinashin, Vinalines nợ quá hạn trong khi có dự án của họ lên vài ngàn tỉ đồng.

Bên cạnh sự dè dặt của một số quan chức thì góc nhìn của các chuyên gia kinh tế về sự phục hồi kinh tế trong dài hạn cũng có vẻ không quá lạc quan.

Phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung, người đã hoàn thành đề án tái cấu trúc kinh tế giúp Chính phủ cho rằng, vẫn còn nguyên đó hàng loạt các điểm yếu của nền kinh tế, và kinh tế Việt Nam hiện chưa thực sự ổn định.

Ông Cung trích dẫn một công trình nghiên cứu phối hợp với học viện Cạnh tranh châu Á, thuộc trường Chính sách công Lý Quang Diệu, nêu rằng tăng trưởng của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm sút, chi phí đầu vào tăng lên làm lợi nhuận giảm, hiệu quả đầu tư thấp.

Tuy nhiên, quan trọng hơn theo báo cáo này là mô hình phát triển đã trở nên bất cập, với thâm hụt tài khoá, thâm hụt cán cân vãng lai, và lạm phát đều ở mức cao trong nhiều năm.

Ông Cung cho rằng, Việt Nam ước tính trở thành nước phát triển trong vòng 30 – 40 năm tới với điều kiện tốc độ tăng trưởng phải từ 8 – 10% năm. Ông nói: “Điều đó cần nỗ lực rất lớn, và khó thành hiện thực nếu không có các giải pháp căn bản, đồng bộ”.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2010 tăng khoảng 4,8% so với tháng 12/2009. Tính bình quân, chỉ số này trong sáu tháng đầu năm tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước.

Nhập siêu, không tính kim ngạch xuất khẩu vàng, trong sáu tháng là 7,9 tỉ USD với năm đối tác chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Singapore.

Nguồn: bộ Kế hoạch và đầu tư

Ông Cung đã đưa ra báo cáo nói trên tại một hội thảo do uỷ ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với đại học Kinh tế quốc dân tổ chức với sự tham gia của nhiều học giả trong và ngoài nước, một ngày trước hội nghị của bộ Kế hoạch và đầu tư.

Tại hội thảo này, nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, để có bước tiến lớn về kinh tế, Việt Nam cần bắt đầu bằng đổi mới tư duy, giống như kinh nghiệm của công cuộc Đổi mới một phần tư thế kỷ trước.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Martin Rama nhận xét, cho dù đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tốt hơn nhiều nước khác, “Việt Nam còn có thể làm được tốt hơn thế”.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam gần đây, ông tiếp tục bày tỏ quan ngại về sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin như sự chồng chéo trong báo cáo về các biện pháp kích cầu, tình trạng không rõ ràng về việc ngân sách nhà nước sẽ gánh các khoản chi phí nào trong gói kích thích kinh tế, sự chậm trễ trong việc cung cấp thông tin thực hiện ngân sách và thiếu công khai về nguồn lực dành để tài trợ thâm hụt,… làm gia tăng những bất định của thị trường.

Bên cạnh đó, sự thiếu thông tin về dự trữ ngoại hối quốc tế đã gây lo ngại về tính bền vững của chính sách tỷ giá. Thị trường kỳ vọng mức độ mất giá của đồng tiền lớn hơn dự kiến trong phần lớn thời gian của năm 2009. Phần lỗi và sai số trong cán cân thanh toán lên đến mức quá lớn là 13,1% GDP, chứng tỏ một lượng lớn ngoại hối có tính chất đầu cơ là do các hộ gia đình và các doanh nghiệp – kể cả doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn kinh tế – nắm giữ.

Ông Rama khuyến nghị rằng, quản lý kinh tế vĩ mô tốt và trao đổi thông tin kịp thời có thể sẽ giúp Việt Nam dần dần tự thoát ra khỏi tình trạng “dò dẫm, bước đi bước dừng” như trong ba năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Còn có thể làm tốt hơn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO