Diễn biến trong thời gian gần đây cho thấy thị trường chứng khoán (TTCK) đang được một số thông tin tích cực hỗ trợ như: hoạt động chi trả cổ tức, giao dịch mua vào của cổ đông nội bộ và cổ phiếu quỹ, sự hấp dẫn về mặt cơ bản và các qui định mới về mặt pháp lý trong giao dịch chứng khoán... Nhưng tất cả những yếu tố này vẫn chưa đủ để vực dậy thị trường vì sự trở lại của dòng tiền sẽ vẫn gặp nhiều rào cản do nền kinh tế còn gặp khó khăn.
Xóa bỏ rào cản pháp lý
Ảnh: Quý Hòa |
Thông tư 74 có hiệu lực từ ngày 1/8, cho phép nhà đầu tư (NĐT) sử dụng đòn bẩy tài chính, mở nhiều tài khoản ở các công ty chứng khoán (CTCK) khác nhau và giao dịch cùng một loại cổ phiếu trong ngày.
Dù rằng đây là “bình cũ rượu mới” (vì trước đây NĐT vẫn “lách luật” bằng cách nhờ người khác đứng tên giúp), nhưng phải thừa nhận Thông tư này đã được chờ đợi từ rất lâu.
Bên cạnh đó, hành động mua vào cổ phiếu quỹ và của cổ đông nội bộ, chia cổ tức, chốt NAV (giá trị tài sản thuần), thị trường đang có chỉ số tài chính P/E, P/B hấp dẫn của các NĐT lớn trong thời gian qua như một “làn gió” mới. Tất cả điều đó đều có khả năng hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới, đặc biệt là giao dịch cổ đông nội bộ của một số cổ phiếu có thể là động lực tăng điểm cho các cổ phiếu này.
Tính đến thời điểm này, hầu hết các NĐT trong lĩnh vực chứng khoán đều cho rằng, chưa biết đây có phải là yếu tố hỗ trợ thị trường về dài hạn nhưng Thông tư 74 cho phép việc mở nhiều tài khoản đã tạo tâm lý tốt cho NĐT, góp phần tăng thanh khoản cho TTCK trong lúc thị trường bế tắc về thanh khoản.
Thừa nhận điều này, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ứng dụng, cho biết, muốn thị trường cải thiện thì chỉ có những thông tin tác động đến thị trường thực sự là chỉ số lạm phát, lãi suất và nguồn cung tín dụng.
Tuy nhiên, sự nới lỏng về mặt pháp lý trên thị trường của Chính phủ phần nào có tác dụng đến tâm lý NĐT, giúp thị trường tránh được những phiên bán tháo không cần thiết.
Hơn nữa, khi đã tạo cơ chế thông thoáng thì người ta sẽ bắt đầu quan tâm hơn đến TTCK. Một khi NĐT “lướt sóng” có thể quay lại thị trường và khi thị trường có dấu hiệu phục hồi thì NĐT dài hạn sẽ quay lại. Thông tư 74 vừa được ban hành phần nào giúp tăng cường thanh khoản cho TTCK.
Điều này cũng sẽ có ảnh hưởng nhiều đến các NĐT tổ chức vốn đang bị giới hạn trong việc mở nhiều tài khoản và giao dịch cùng phiên, quy định mới sẽ giúp tăng cường giao dịch của các tổ chức.
Sự phục hồi còn mong manh
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là kỳ vọng, bởi nhiều chuyên gia vẫn đánh giá sự thay đổi trên khó có thể kích thị trường thay đổi trong một sớm một chiều.
Nhận xét về điều này, chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, các nghiệp vụ được mở cho phép thực hiện trong Thông tư 74 mang tính tích cực và có tác dụng cải thiện thanh khoản làm cho quá trình giao dịch thuận tiện hơn. Tuy nhiên, cũng không thể kỳ vọng các quy định sẽ giúp TTCK phục hồi khi khả năng dòng tiền mới vào thị trường không được cải thiện.
Cũng có cùng quan điểm, CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định trong diễn biến thị trường có thanh khoản thấp, giao dịch của các NĐT nước ngoài cũng có tác động lớn đến diễn biến của chỉ số VN-Index, đặc biệt là giao dịch của các cổ phiếu lớn. Theo thông báo mới nhất của Hose, trong tháng 10/2011 sẽ có bộ chỉ số chứng khoán mới gồm 30 cổ phiếu.
Tuy chưa công bố cách tính cụ thể nhưng khả năng tác động chi phối của 3 cổ phiếu trên sẽ được giảm bớt trong chỉ số mới. Dù khoảng thời gian thực hiện vẫn còn khá xa nhưng kỳ vọng về sự tác động của các NĐT nước ngoài với nỗ lực giữ thị trường sẽ không còn nhiều.
Như vậy, có thể nói rằng, sự hồi phục hiện tại của VN-Index còn khá mong manh trong bối cảnh thanh khoản thấp và tâm lý NĐT vẫn chưa hết lo ngại về rủi ro lạm phát cũng như khả năng tăng giá xăng, điện, than trong thời gian tới.
Trên thực tế, xu hướng giao dịch lình xình sẽ tiếp diễn nếu như thanh khoản không được cải thiện hơn. Khi đó, ngay cả khi thị trường sau ngày 1/8 có được cải thiện, tăng nhiều phiên liên tiếp thì lợi nhuận thu được vẫn rất mỏng. Các cổ phiếu trên toàn thị trường có sự phân hóa rất lớn nên cơ hội tìm kiếm lợi nhuận không có nhiều.
Do vậy, nếu được phép dùng đòn bẩy tài chính, NĐT vẫn rất hạn chế, dòng tiền vì thế mà chưa được cải thiện nhiều. Đó là chưa nói đến việc NH đang bị siết tăng trưởng tín dụng 20%, thì Thông tư 74 cho phép dùng đòn bẩy tài chính cũng chỉ mang tính lý thuyết