Thị trường thế giới điêu đứng vì thép giá rẻ

26/07/2012 07:30

Các nhà phân tích nhận định việc Trung Quốc - nước sản xuất thép lớn nhất thế giới xuất khẩu thép với mức cao nhất trong hai năm trở lại đây đang làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa thép trên toàn cầu.

Thị trường thế giới điêu đứng vì thép giá rẻ

Các nhà phân tích nhận định việc Trung Quốc - nước sản xuất thép lớn nhất thế giới xuất khẩu thép với mức cao nhất trong hai năm trở lại đây đang làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa thép trên toàn cầu, gây thiệt hại không nhỏ cho các công ty thép trên thế giới, từ tập đoàn thép ArcelorMittal lớn nhất thế giới có trụ sở tại Luxembourg đến U.S. Steel Corp (Mỹ).

Trong bối cảnh sản lượng thép có thể đạt mức cao kỷ lục trong năm 2012, các hãng thép Trung Quốc đang đẩy mạnh tiêu thụ thép ở nước ngoài do nhu cầu thép tại thị trường trong nước đang giảm

Trong tháng 6/2012, tỷ trọng thép xuất khẩu trong tổng sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng lên 8,7%, mức cao nhất kể từ tháng 7/2010. Trong bối cảnh sản lượng thép có thể đạt mức cao kỷ lục trong năm 2012, các hãng thép Trung Quốc đang đẩy mạnh tiêu thụ thép ở nước ngoài do nhu cầu thép tại thị trường trong nước đang giảm. Giá thép tại Trung Quốc hiện đã rớt xuống mức thấp trong hai năm qua.

ArcelorMittal và các công ty thép tại các thị trường đang phát triển đã và đang đóng cửa các nhà máy vào thời điểm kinh tế tăng trưởng chậm lại và giá thép hạ. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đang quan tâm đến khoản đầu tư 23 tỷ USD vào các nhà máy thép mới, nhằm khuyến khích lĩnh vực chế tạo ô tô và xây dựng nhà lấy lại đà tăng trưởng sau khi đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm qua trong quý II/2012. Chiến lược này cũng đã làm dấy lên những cáo buộc từ phía các đối thủ phương Tây rằng các chính sách thương mại của Trung Quốc là không công bằng.

Alan Price thuộc Wiley Rein LLP, luật sư đại diện về thương mại cho công ty thép lớn nhất về mặt thị trường của Mỹ Nucor Corp., nhấn mạnh: "Thép xuất khẩu của Trung Quốc đang trực tiếp "tước đoạt" doanh số bán hàng từ tay các công ty thép của Mỹ. Hiện có rất nhiều khả năng xuất khẩu một loạt sản phẩm thép của Trung Quốc đang được bán phá giá trên thị trường".

Chỉ số các nhà sản xuất thép toàn cầu Bloomberg Global Steel Producers index (gồm 43 thành viên) tính từ đầu năm nay đến ngày 23/7 đã để mất 17% và có nguy cơ giảm trong năm thứ ba liên tiếp. Mức giảm này mạnh hơn nhiều so với mức giảm 6,7% của các nguyên liệu thô.

Trong tháng 6/2012, sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng lên mức 2 triệu tấn/ngày, mức cao thứ hai trong lịch sử sau khi đạt mức kỷ lục 2,02 triệu tấn hồi tháng 4/2012. Theo cuộc thăm dò ý kiến ba chuyên gia do Bloomberg News tiến hành, sản lượng thép hàng ngày của Trung Quốc hiện đã cao gấp hai lần sản lượng thép hàng ngày của cả Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Nga gộp lại, song nó vẫn có thể duy trì đà này và tăng 5,4% lên 720 triệu tấn trong năm 2012, đồng thời tiếp tục vượt xa mức tiêu thụ trong nước.

Xu Zhongbo, Giám đốc điều hành công ty Beijing Metal Consulting Ltd. đồng thời là Giáo sư trường Đại học khoa học và công nghệ ở Bắc Kinh, nói: “Các nhà máy thép Trung Quốc phải đẩy mạnh xuất khẩu bởi họ không thể kiểm soát được sản lượng. Giảm sản lượng sẽ làm nảy sinh tình trạng các nhà máy “ngồi chơi xơi nước” và công nhân bị mất việc làm. Tất cả những điều này sẽ dẫn tới tình trạng thua lỗ, trong khi các đối thủ cạnh tranh sẽ nhân đà tiến tới và lấy mất thị phần”.

ArcelorMittal đã đóng cửa nhà máy hoặc để nhà máy trong tình trạng “nhàn rỗi”, do nhu cầu thép yếu đi, trong khi công ty US Steel có trụ sở tại Pittsburgh trong năm nay đã phải bán đi một chi nhánh không sinh lời. ThyssenKrupp AG, công ty thép lớn nhất của Đức, cho rằng “sự cạnh tranh khốc liệt” sẽ kìm hãm lợi nhuận hồi phục trong 6 tháng cuối năm nay.

Theo Metal Bulletin, giá thép cán nóng tại thị trường châu Âu đã giảm khoảng 6% trong 12 tháng trở lại đây, xuống 517,5 euro/tấn. Trả lời bằng thư điện tử, Tom Muller, nhà phân tích cao cấp thuộc Theodoor Gilissen Bankiers NV có trụ sở tại Amsterdam, cho hay các công ty châu Âu không thể phòng bị trước làn sóng thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Do tình hình kinh tế xấu đi, các công ty thép châu Âu cũng đã giảm quy mô.

BlueScope Steel Ltd., công ty thép lớn nhất Australia và đối thủ OneSteel Ltd. đã giảm công suất sản xuất, do đồng đôla Australia mạnh lên trong khi giá thép đi xuống. Tata Steel Ltd. (Ấn Độ) hôm 18/5 thông báo lợi nhuận quý IV/2011 giảm tới 90%, yếu kém hơn rất nhiều so với dự báo.

Theo thống kê của Bloomberg Industries, khả năng sinh lời của các nhà máy thép lò cao của châu Âu đã giảm 23% trong năm 2011. Tỷ số lợi nhuận trên doanh thu của các nhà máy thép Nhật Bản tính đến ngày 31/3 ở mức -0,3, mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Hiệp hội thép châu Âu (Eurofer) tháng trước cho hay nhu cầu của châu Âu trên thị trường bình thường là 160 triệu tấn, trong khi công suất sản xuất là 210 triệu tấn. Do đó, việc các nhà máy thép phải đóng cửa là điều không thể tránh khỏi.

Theo thông tin đăng trên trang web của mình ngày 28/4, Hiệp hội sắt và thép Trung Quốc cho hay công suất sản xuất thép của Trung Quốc có thể lên tới 900 triệu tấn, tính cả số công suất khoảng 80 triệu tấn đã được sử dụng trong năm 2011. Baosteel Group Corp., Wuhan Iron & Steel Group và Shougang Corp. đã được chính phủ thông qua các dự án mới hồi tháng 5/2012.

Zhang Fenghua, Giám đốc phụ trách xuất khẩu của công ty thép lớn nhất Trung Quốc Hebei Iron & Steel Group trả lời qua điện thoại: “Xuất khẩu đã trở thành một thị trường quan trọng, do sức ép đối với tiêu thụ thép trong nước này càng tăng lên. Hebei Steel bán các sản phẩm "ế" chủ yếu sang Hàn Quốc, Đông Nam Á và Nam Mỹ”.

Tianjin Metallurgical No.1 Steel Group, công ty thép quốc doanh ở Thiên Tân, cho hay nhà máy này đang khai phá các thị trường ở Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi. Lin Yan, Giám đốc phụ trách xuất khẩu của công ty này, cho hay: “Chúng tôi đang đẩy mạnh việc bán thép sang những địa chỉ này để "né" những khu vực đã kiện tụng quá nhiều về việc Trung Quốc bán phá giá hàng hóa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường thế giới điêu đứng vì thép giá rẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO