Khi bạn đang trong quá trình đàm phán với khách hàng tiềm năng hoặc đối tác kinh doanh tương lai, các công cụ kỹ năng trong "kho vũ khí cá nhân" của bạn có vai trò quan trọng trong kết quả của thỏa thuận.
Là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp khuyết tật, bạn có một bộ kỹ năng và góc nhìn đặc biệt mà những người khác trong công ty của bạn có thể không có. Do những trở ngại về thể chất hoặc tinh thần mà bản thân bạn phải đối mặt với tình trạng hiện tại, nhờ đó bạn lại sở hữu những phẩm chất khác lạ có thể khai thác để ký kết thỏa thuận theo hướng có lợi.
Dưới đây là ba đặc điểm hữu ích mà bạn có khả năng mang đến bàn đàm phán với tư cách là một nhà lãnh đạo khuyết tật:
1. Sáng tạo và nhạy bén
Trong quá trình đàm phán, đôi khi rất khó để tìm ra giải pháp làm hài lòng tất cả các bên liên quan. Là một nhà lãnh đạo khuyết tật, bản thân đã quen với việc thích nghi cuộc sống có phần khác thường, từ đó bạn có thể đưa ra những ý tưởng thông minh mà những người khác có thể không màng tới.
Sống chung với khuyết tật có nghĩa là bạn phải tìm ra những cách khác nhau và sáng tạo để hoàn thành các dự án. Chẳng hạn khiếm thị hoặc khiếm thính có thể gây khó khăn cho việc quản lý hộp thư, tuy nhiên bạn đã tìm thấy phần mềm giúp đơn giản hóa một số nhiệm vụ bằng cách hoạt động như đôi mắt hoặc đôi tai của bạn.
Khuyết tật còn đòi hỏi người đó phải trở nên nhạy bén và suy nghĩ chín chắn. Đặc điểm tính cách này cho phép bạn nhanh chóng đánh giá các lựa chọn thay thế mà khách hàng có thể không tự thấy được. Nếu đang trong quá trình đàm phán và khách hàng do dự trong việc ký kết hợp đồng chính thức, các giải pháp sáng tạo mà bạn trình bày sẽ thúc đẩy niềm tin của họ đối với bạn.
2. Thái độ tích cực
Bên cạnh sự do dự của khách hàng, không có gì lạ khi các bên dường như không muốn lay chuyển các điều khoản của họ trong cuộc thương thảo. Một thái độ tích cực có thể giúp ích cho cá nhân bạn và đối tác bằng cách giảm bớt căng thẳng và dẫn đến một kết quả đôi bên cùng có lợi.
Tất nhiên sự tích cực không chỉ giới hạn ở một nhà lãnh đạo khuyết tật, nhưng nếu tình trạng của bạn đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận một lối sống khác so với các đồng nghiệp, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc thông cảm cho những mong muốn từ đối phương.
Thay vì trở nên tiêu cực bởi những thách thức cá nhân, bạn đã học cách nhìn thấy sự tích cực trong mọi tình huống - một đặc điểm tính cách có thể chuyển hóa tốt vào cuộc sống nghề nghiệp của bạn.
3. Thấu hiểu và cảm thông
Bạn đang đàm phán với một khách hàng tiềm năng cho công ty, nhưng dường như có điều gì đó đang kìm hãm họ, việc thấu hiểu và lắng nghe những mối quan tâm của họ sẽ nhận được sự tin tưởng và khiến họ cởi mở hơn với những giải pháp sáng tạo mới.
Sống với tình trạng khuyết tật, bạn tự nhìn thế giới qua lăng kính của sự đồng cảm, xã hội không phải lúc nào cũng tử tế khi bạn có những giới hạn bản thân. Dự đoán và cân nhắc những mối quan tâm của đối tác trong quá trình đàm phán là điều vô cùng cần thiết. Khi biết cách đặt mình vào vị trí của họ, thấu hiểu và thích ứng hợp lý, mối quan hệ hợp tác của bạn sẽ đi một chặng đường dài.
Những phẩm chất cá nhân với tư cách là một nhà lãnh đạo khuyết tật là những “vũ khí bí mật” của bạn trên bàn đàm phán. Khi biết cách tận dụng những quan điểm độc đáo cùng sự nhạy bén, tư duy tích cực và đồng cảm, bạn sẽ tìm thấy thành công trong bất cứ cuộc thương thảo nào, quan hệ đối tác và doanh nghiệp nhờ đó cùng nhau phát triển.