Khơi dậy tiềm năng SMEs - Bước đột phá cho kinh tế tư nhân: Đón cơ hội, gỡ điểm nghẽn để cất cánh (Bài 1)
Kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), chiếm 98% tổng số doanh nghiệp (DN) đóng góp hơn 50% GDP, 30% thu ngân sách và tạo việc làm cho hơn 40 triệu lao động. Tuy nhiên, SMEs vẫn đối mặt với thách thức trong việc mở rộng quy mô và phát triển bền vững. Trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các DN này cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển xanh để nâng cao sức cạnh tranh và tạo đột phá trong tương lai.
Đón cơ hội, gỡ điểm nghẽn để cất cánh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 về thúc đẩy phát triển DN nhỏ và vừa, đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm ít nhất 1 triệu DN mới.
Bước ngoặt chiến lược
Đây là một bước đi mang tính chiến lược nhằm nâng cao vị thế và sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế. Hiện khu vực kinh tế tư nhân, trong đó trọng tâm là DN nhỏ và vừa (SMEs) chiếm khoảng 98% tổng số DN đang hoạt động trong nền kinh tế.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 40 triệu lao động (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế). Trước đó, tại Nghị quyết số 10/2017, nước ta đặt mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 và 1,5 triệu DN vào năm 2025. Tuy nhiên đến nay, cả nước mới đạt gần 1 triệu DN.

Mặc dù đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và tạo việc làm, khu vực này vẫn gặp nhiều rào cản về quy mô, hạn chế trong tiếp cận vốn và thách thức trong nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc tháo gỡ những điểm nghẽn này không chỉ giúp DN tư nhân phát huy tối đa tiềm năng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và năng động của toàn bộ nền kinh tế.
Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 về thúc đẩy phát triển DN nhỏ và vừa đã tạo ra động lực mạnh mẽ, giúp khu vực này nâng cao vị thế và đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế. Trước đó, Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới cũng đã góp phần tạo sức mạnh cho cộng đồng DN phát triển bền vững.
Nhiều cơ hội để SMEs cất cánh
Tính riêng tại Hà Nội, SMEs chiếm tới 98% tổng số DN trên địa bàn, đóng góp khoảng 50% GRDP của Thủ đô. Trong suốt 15 năm qua, kinh tế Hà Nội luôn duy trì mức tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước, khẳng định vị thế của DN và doanh nhân trong giai đoạn mới.
Theo TS. Mạc Quốc Anh - Uỷ viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và nhu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng trong nước, các SMEs Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội chiến lược để bứt phá nhờ vào xu hướng chuyển đổi số, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và tiềm năng mở rộng thị trường quốc tế.
Ông Quốc Anh dẫn số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2024, có đến 73% SMEs cho rằng chuyển đổi số là yếu tố sống còn trong 3 năm tới. Sự phát triển của các nền tảng công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, AI... giúp SMEs tiếp cận thị trường và quản lý hiệu quả hơn mà không cần đầu tư hạ tầng lớn.
“Dự án hỗ trợ SMEs chuyển đổi số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID tài trợ đã hỗ trợ hơn 20.000 SMEs trên cả nước triển khai công cụ quản trị số và nền tảng thương mại điện tử”, ông Mạc Quốc Anh thông tin.

Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP... mở ra cơ hội lớn cho SMEs thâm nhập thị trường quốc tế. Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu từ khối SMEs tăng 12,5% trong năm 2024, đặc biệt ở các lĩnh vực nông sản chế biến, dệt may, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ. Với lợi thế về chi phí sản xuất thấp và chất lượng sản phẩm ngày càng cải thiện, SMEs Việt Nam có cơ hội gia tăng thị phần trên thị trường toàn cầu.
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ SMEs tiếp cận vốn, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Luật Hỗ trợ SMEs cùng các gói tín dụng ưu đãi đã giúp nhiều DN mở rộng sản xuất, cải tiến mô hình kinh doanh. Chỉ riêng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân gần 210.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho SMEs, tập trung vào đổi mới công nghệ và sản xuất xanh.
Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế thế giới hướng đến phát triển bền vững, SMEs có thể tận dụng xu hướng phát triển kinh tế xanh để đổi mới sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và tiếp cận thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm thân thiện với môi trường. Các DN đầu tư vào sản xuất xanh cũng được hưởng nhiều ưu đãi về tài chính và thuế.
Nhiều thách thức và điểm nghẽn cần tháo gỡ
Tuy đứng trước nhiều cơ hội để bứt phá, các DN SMEs cũng đối mặt với không ít thách thức, từ hạn chế về vốn, nhân lực đến áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, bà Lương Thị Việt Hà - CEO Sơn Tùng Food cho biết, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs, đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự sụt giảm sức mua, dòng vốn đầu tư khởi nghiệp bị thu hẹp và áp lực cạnh tranh gay gắt buộc nhiều SMEs phải điều chỉnh kế hoạch vận hành, cắt giảm sản xuất, hoặc thậm chí rời bỏ thị trường. Đồng thời, giá nguyên liệu thực phẩm, bao bì, chi phí nhân sự và logistics tăng cao, khiến lợi nhuận bị thu hẹp.
“Người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu, điều này đặt áp lực lên các DN F&B như chúng tôi khi vừa giữ chất lượng, vừa tối ưu giá thành để không đánh mất khách hàng”, bà Việt Hà chia sẻ.
Ngoài ra, sự cạnh tranh từ các thương hiệu lớn có tiềm lực marketing mạnh, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng lại bán với giá rẻ cũng là áp lực mà các DN SMEs đối mặt.
Cùng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ thêm rằng, các SMEs đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển, từ tiếp cận tài chính, nguồn nhân lực, năng lực quản trị đến sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.
Dù có nhiều chương trình hỗ trợ từ Chính phủ và ngân hàng, việc vay vốn vẫn là trở ngại lớn đối với SMEs. Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2024, 63% DN trong nhóm này gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn do không có tài sản thế chấp hoặc chưa thể chứng minh phương án kinh doanh đủ hiệu quả. Điều này khiến nhiều DN không thể mở rộng sản xuất, đầu tư vào công nghệ hay gia tăng năng lực cạnh tranh.

Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của SMEs, tuy nhiên, phần lớn DN vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng số và năng lực quản trị hiện đại. Ngoài ra, phần lớn SMEs vẫn hoạt động theo mô hình kinh doanh truyền thống, thiếu chiến lược dài hạn và chưa đầu tư mạnh vào nghiên cứu - phát triển (R&D). Theo số liệu, mức đầu tư vào R&D của SMEs chỉ chiếm 0,02% doanh thu, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn khu vực.
“SMEs chịu thiệt về quy mô, thương hiệu và năng lực tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thị trường mở cửa mạnh”, TS Mạc Quốc Anh nhận định.
Cần thêm những “cú hích”
Để SMEs phát triển bền vững, không chỉ cần vốn mà còn cần những chính sách thiết thực, giúp DN tự tin đầu tư, mở rộng và chuẩn hóa hoạt động. Theo bà Lương Thị Việt Hà, các DN cần được hỗ trợ tiếp cận tín dụng, các gói vay ưu đãi, đặc biệt là những DN hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm sạch và an toàn. Việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn và triển khai quỹ hỗ trợ phù hợp sẽ giúp SMEs phát triển bền vững hơn.
Chi phí vận chuyển và bảo quản đang là thách thức lớn, nhất là với ngành thực phẩm đóng gói. Chính sách hỗ trợ vận tải, kho lạnh và ưu đãi thuế có thể giúp DN giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, Chính phủ và các Hiệp hội cần đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, chiến dịch truyền thông khuyến khích tiêu dùng hàng Việt. Những sáng kiến này sẽ giúp DN nội địa xây dựng uy tín và tiếp cận thị trường tốt hơn.
“Điều quan trọng nhất không phải là sự ưu ái, mà là một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, với những chính sách hỗ trợ kịp thời. Khi có nền tảng vững chắc, các DN nhỏ hoàn toàn có thể tạo nên những thành công lớn”, bà Việt Hà nhấn mạnh.
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã đề nghị Thành phố có chính sách gia hạn lâu dài việc giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và đơn giản hóa thủ tục vay vốn để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho SMEs. Cộng đồng DN mong muốn các ngân hàng giảm biên lợi nhuận xuống mức hợp lý để cùng đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Bên cạnh hỗ trợ tài chính, DN mong chính quyền có chính sách kích cầu tiêu dùng, giúp thúc đẩy thị trường nội địa. HUBA đề xuất tiếp tục duy trì mức thuế VAT 8% trong năm 2025 nhằm kích thích sức mua và tạo động lực cho sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi”, ông Nguyễn Ngọc Hoà - Chủ tịch HUBA đề xuất.
Hiện SMEs nước ta đang đứng trước ngưỡng cửa của sự chuyển mình, với cơ hội bứt phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, những rào cản về vốn, nhân lực và công nghệ vẫn là bài toán khó, đòi hỏi sự chung tay từ Chính phủ, Hiệp hội và chính DN. Khi có một hệ sinh thái hỗ trợ cùng những chính sách thiết thực và tinh thần chủ động vươn lên, SMEs Việt Nam sẽ thực sự “cất cánh” trong kỷ nguyên mới.
Khơi dậy tiềm năng SMEs - Bước đột phá cho kinh tế tư nhân: Doanh nghiệp nhỏ - Tiềm năng tăng trưởng và hội nhập quốc tế (Bài 2)