![]() |
Dốc và dốc, cứ hun hút dốc lên, như vô tận, như thăm thẳm, như lách vào mây, như gạt vào gió, như tõe ra là đã đụng trời, xe liên tục ngoặt như lắc võng. Liên tục những bức tranh thiên nhiên cả màu sắc cả bố cục đến mê hồn, đến ngẩn ngơ loang loáng bên cửa xe.
Sương mù dâng lãng đãng kín đặc núi xa và mỏng như voan sà vào tay người. Sapa loang loáng trong tôi, trước sự háo hức đến thành kính và hồi hộp của kẻ lần đầu tiên nhìn thấy... núi, dù tôi đến Sapa từ... cao nguyên Pleiku.
Sapa và Pleiku có một số nét tương đồng. Tất nhiên Sapa cao hơn, lạnh hơn, bé hơn Pleiku nhiều, nhưng nó cùng là những phố núi nhỏ nhắn, xinh xắn, nhấp nhô và đầy bản sắc... Song cái cách Sapa giữ gìn bản sắc thì quả là tuyệt vời. Người Dao đỏ với những trang phục và hàng hóa của mình làm cho Sapa vô cùng sinh động và quyến rũ.
Người Dao xuống Sapa như là về nhà mình, như là những chủ nhân thật sự. Những đứa bé lẫm chẫm chạy trên phố như đang chạy trong... sân nhà trẻ. Chúng tự tin và hoàn toàn không ngơ ngác khi bị khách du lịch gí sát máy ảnh vào nhoang nhoáng chụp. Nhưng lớn hơn một chút thì chúng có việc:
Trong người chúng đã có sẵn những món thổ cẩm một hai ngàn, bắt chuyện hoặc chụp ảnh chúng là chúng thò ra: Mua đi. Không mua (vì mua nhiều rồi), cho một nghìn chúng vòng tay rất lễ phép rồi lại thơ thẩn chơi. Trong chợ, ở các góc phố, các vỉa hè, tất cả các điểm công cộng... đều có người Dao đỏ bày bán các sản phẩm của mình, đặc biệt là thổ cẩm, đỏ rực thổ cẩm.
Chợ Sapa là chợ của người Dao. Họ có quầy, có sạp đã đành, họ có luôn cả xưởng sản xuất bằng cả máy khâu và... may tay. Cái sắc đỏ ấm nóng của thổ cẩm sao mà nó hợp với cái màu xám của sương mù lành lạnh, của đá, của núi và cả lá cây của Sapa đến thế. Tôi gặp những cô gái Dao đỏ trong trang phục dân tộc rất đẹp đang nghe điện thoại đi động giữa phố, cả những bà mẹ Dao địu con đang ngồi trong phòng... Internet.
Người Sapa tôn trọng những con dốc ngoắt ngoéo, những vực, những nhấp nhô giữa thành phố và làm nhà, xây biệt thự, khách sạn, mở đường, làm vườn... dựa vào đặc trưng ấy, coi đấy là đặc sản trời cho mình, chứ không san bằng đi làm nhà cho... oách như một số nơi khác. Nhộn nhịp nhưng thanh bình, thanh bình đến ngạc nhiên so với những thành phố thị xã khác, có những khu phố những quảng trường hiện đại như ở châu Âu nhưng lại vẫn rất Sapa. Và rất sạch. Sapa gần như thức suốt đêm.
Các nhà hàng, quán ăn cũng đậm chất “bản sắc” với các loại rau rừng, cá suối và... thịt rừng. Các vỉa hè la liệt các bếp nướng đầy người ngồi ăn nhưng rất trật tự, ăn để thưởng thức chứ không phải để say.
Dưới cái lạnh Sapa với sương mù bảng lảng như thế, ngồi bên một bếp lửa, kiểu như bếp chuối chiên ở Pleiku, ăn ngô nếp nướng, khoai lang, thịt, cơm lam, trứng lộn hoặc trứng ngang, hạt dẻ... đều nướng, hoặc một tô thắng cố rừng rực nghi ngút hơi nóng, uống một ly rượu San lùng hoặc rượu táo Mèo, mà thấy sảng khoái, mà lâng lâng, nhìn lên những đỉnh núi mờ mây vừa thấy thiên nhiên gần gũi mà lại rất đỗi thiêng liêng, bí ẩn, cứ bốc lên trong người một ước mơ khai phá, cứ muốn lách mây biến thành một Từ Thức...
![]() |
Thành phố Pleiku ngày nay |
Không hiểu vì sao đã cất công đến tận đây, tôi lại cồn cào nghĩ đến Pleiku nơi tôi sống. Pleiku từng sương mù giăng kín phố, thông cổ thụ ken dày như rừng trong phố, phố trong rừng. Những con dốc như nhát cắt ngẫu nhiên khiến phố bí ẩn như thiếu phụ sau bờ rào hoa dã quỳ. Nó làm nhà thơ Vũ Hữu Định phải viết:
- “Phố núi cây xanh trời thấp thật gần/ anh khách lạ đi lên đi xuống/ may mà có em đời còn dễ thương...”, cái hình ảnh lãng mạn nao lòng khiến bao người phải tìm đến nơi đây chiêm ngưỡng. Khúc khuỷu bậc lên bậc xuống, khúc khuỷu tiếng guốc chiều tan lễ và khúc khuỷu ánh mắt như lạ như quen...
Tối, lạnh tê tê, thu hai tay vào túi, xổm xuống một bếp nướng ngô nào đó, xuýt xoa với bắp ngô nóng rảy, ta nhận ra mình mê cái đất của mình làm sao... Nhưng bây giờ, thông Pleiku đã gần hết, nhà cao tầng vươn cao, nắng chan hòa nứt nẻ... nó là cái lẽ đương nhiên của một đô thị phát triển, mà là phát triển nhanh. Sự phát triển nào cũng kèm sự đớn đau và tổn thất.
Có những tổn thất thấy ngay, nhưng có tổn thất phải hàng trăm năm sau mới thấy là nó nghiêm trọng. Nó không làm cho ta chết ngay mà biến ta thành kẻ vô cảm trước những nỗi đau, mất mát không thể nào tìm lại được...
Pleiku bây giờ thảng hoặc ngày nào có sương mù là người ta (và cả tôi) lại reo ầm: Lâu lắm mới trở lại ngày... xưa, cái ngày mà “Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông, nên mắt em ướt và tóc em ướt, da em mềm như mây chiều trong...”...
Ơ Tây Nguyên hiện đang có một nơi mà người ta đang hy vọng là nó sẽ được quy hoạch hợp lý để trở thành một Sapa, một Đà Lạt thứ hai, ấy là Măng Đen, thuộc huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum. Giữa đại ngàn Bắc Tây Nguyên, Măng Đen đột ngột hiện ra ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển với diện tích trên 97.000ha, trong đó có hơn 9.000 ha đất vô cùng bằng phẳng.
Bản thân sự xuất hiện của Măng Đen đã khiến cho có người reo lên: Thêm một ngôi sao mới trên bầu trời du lịch Việt Nam. Nó chính là một Đà Lạt, Sapa thứ hai, hơn hẳn Bạch Mã, Bà Nà bởi hai đỉnh này nhỏ bé, người lên thăm rồi về vì không có dân cư, không có các sản phẩm đặc trưng. Nó cũng khác luôn Đà Lạt, Sapa là vì nó hoàn toàn nguyên sơ, ngay từ đầu, nếu giỏi, người ta có thể quy hoạch để Măng Đen trở thành một nơi nghỉ mát tuyệt vời, một danh thắng không nơi nào có...
Trở lại Sapa, người Kinh ở Sapa bán hàng cũng đầy ấn tượng. Bạn mua vé lên núi Hàm Rồng để ngắm toàn cảnh Sapa trong sương theo như giới thiệu từ một bức ảnh rất lớn dựng dưới chân núi. Hành trình leo núi ấy hoàn toàn không êm dịu một chút nào, nhất là với những ai lười thể dục. Các chị bán hàng hiện ra, niềm nở, vui vẻ mời ta những ly nước ngâm thuốc bổ, phần lớn là linh chi, rất ngon.
Uống đi cho khỏe rồi leo tiếp, em mời mà. Khi xuống nếu muốn mua thì mua cho em, không mua thì cũng ghé vào uống thêm một cốc rồi thả dốc cho săn chân tối ngủ cho ngon. Bạn nghĩ sao, mà vô cùng nhiều hàng đặc sản, thuốc đặc sản, rượu đặc sản...
Nỡ lòng nào mà không mua, đúng không? Mà nếu không có nhu cầu mua thì cái dư vị của cốc nước ấy, tiếng chào ấy, nụ cười ấy... cũng cứ lởn vởn theo ta mãi, để ta phải cám ơn cái buổi chiều se sắt.
Sống một đêm với Sapa như thế, cứ thấp thỏm với mong manh khoảnh khắc. Cứ sợ rồi sương tan mất, núi lồ lộ hiện ra, cái dáng ngồi quạt than nướng hạt dẻ của cô gái Thái Bình giờ đã thành người Sapa nó chả khiến ta lâng lâng nữa. Cái tường nhà thờ cổ kia nó nhệch nhạc phô hết những vết lở của thời gian...
Tôi không đóng cửa sổ, cứ để sương lan vào phòng, quấn lấy người như bạn thân lâu ngày gặp lại. Quần áo đẫm sương, ống kính máy ảnh mờ hết nhưng tâm hồn thì vô cùng sảng khoái. Sớm Sapa đẹp tuyệt vời.
Núi trước mặt, mây sau lưng, sương quẩn trên vai, ta như một tiên ông đạo cốt lẫn vào tĩnh mịch tự nhiên, lẫn vào huyền diệu hóa công, một hóa công vừa tinh xảo vừa ngẫu nhiên, hết sức lãng mạn và đầy ngẫu hứng, bất ngờ, miên man bất ngờ.
Chả ngẫu nhiên đâu, ở Sapa, khách du lịch nhiều hơn dân sở tại, Tây (hình như) nhiều hơn... ta. Tây nhiều đến mức mà các cô gái người Dao nói tiếng Anh giỏi hơn... tiếng Việt. Mà khách du lịch chính là... ngân hàng để chúng ta rút tiền một cách thanh bình, lịch sự và đầy mỹ cảm...
![]() |
Sapa: Tiếng Anh? Chuyện nhỏ! |
Thanh bình và thân thiện, Sapa ứ tràn cảm xúc trong tôi cho tới tận bây giờ, khi ngồi nhớ và gõ lại ít ỏi biết về Sapa và cứ nhớ cảm giác lúc lỉu tàu chợ thả xuôi rồi bay về Pleiku trong một ngày chan hòa nắng...Cứ ước Pleiku, Kontum của tôi rồi cũng giữ được như Sapa..