Ảnh: Joi Ito |
Sau đây là những chia sẻ về những bài học thành công hữu ích mà tác giả Ben Fathi đã học được trong suốt 35 năm sự nghiệp, đặc biệt là từ 2 cái tên hàng đầu trong làng công nghệ là Steve Jobs và Bill Gates:
Tôi từng là một kỹ sư trẻ tại Công ty NeXT Computer (công ty Steve Jobs thành lập khi rời khỏi Apple), rồi nhiều năm sau đó, trở thành Phó chủ tịch tổ chức tại Microsoft. Và trong quá trình này, 2 bài học quan trọng nhất mà tôi từng học được là từ Steve Jobs và Bill Gates.
Steve Jobs: Chọn đúng trận đánh để tham gia
Khi rời khỏi NeXT Computer vào năm 1992, tôi chỉ là một kỹ sư mới vào nghề. Lúc đó, Steve Jobs quyết định hủy bỏ dự án về bộ xử lý máy tính mà tôi đang thực hiện. Dự án đã sắp hoàn thành, sản phẩm gần như đã sẵn sàng để ra mắt thị trường vào tuần tiếp theo.
Tôi cảm thấy “phát điên” và sau đó, tôi thậm chí không thèm điền kinh nghiệm làm việc tại đây vào hồ sơ xin việc của mình.
Jobs cố gắng giữ tôi ở lại công ty, nhưng lúc đó tôi đang quá nóng giận đến nỗi không nhận ra rằng ông đã thực hiện một quyết định đúng. Bởi vì Jobs đã nhận ra rằng cuộc chiến trong lĩnh vực chế tạo bộ xử lý máy tính đã kết thúc, và Intel đã giành phần thắng rồi. Jobs hủy tất cả các dự án về phần cứng tại NeXT và chuyển công ty sang hướng chỉ tập trung vào phần mềm.
Còn tôi, dĩ nhiên, không thể hiểu nổi điều này. Tôi chỉ nghĩ “Sao anh lại dám hủy bỏ dự án của tôi?”.
Tôi quá bận bịu với việc nhìn chằm chằm vào những thân cây trước mặt mình mà không đoái hoài gì tới toàn bộ khu rừng xung quanh. Thực tế là, cuộc chiến trong lĩnh vực bộ xử lý máy tính đã kết thúc. Giải pháp đúng đắn là tiến lên và tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực phần mềm, chứ không phải là tiếp tục tham gia một cuộc chiến giành lại thị trường một cách vô vọng.
Đó là lý do tại sao tôi nói rằng những bài học khó nhất luôn khiến chúng ta mất nhiều năm trời để có thể chiêm nghiệm ra. Lúc trước, tôi đã không thể suy nghĩ được như mức độ của Jobs. Tôi chỉ bị chi phối cảm xúc vì dự án mà mình đã bỏ ra quá nhiều thời gian và công sức. Vì vậy tôi không màng đến việc lùi lại một bước và nhìn vào bức tranh lớn hơn.
Điều tôi học được từ Steve Jobs sau đó, rất lâu sau đó, sau khi đầu óc đã dịu lại, là chúng ta phải biết cách chọn đúng trận đánh để tham gia. Và việc tiếp tục chiến đấu sau khi một trận đánh đã kết thúc chẳng khác gì một sự cố gắng vô nghĩa.
Bill Gates và khả năng đầu óc siêu phàm
Trong sự nghiệp của mình sau đó, tôi đã trải qua hàng chục năm làm việc tại Microsoft ở nhiều phiên bản của Windows. Bây giờ, nếu nhìn lại, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng Windows đã thua trong cuộc chiến điện thoại di động dưới tay Apple, thua cuộc chiến server dưới tay Linux, và thua cả cuộc chiến đám mây dưới tay Amazon. Tuy nhiên, thực tế là chúng tôi lúc đó quá bận với việc tập trung vào các phiên bản Windows nên không có thời gian để nhận ra những sự “bại trận” này.
Điều mà tôi học được từ Bill Gates trong suốt những năm đó là khả năng tập trung tuyệt vời vào những chi tiết. Ông có thể ngồi họp liên tục trong 14 tiếng đồng hồ với nhiều đội ngũ khác nhau, nhiều chủ đề khác nhau như internet, video game, email, cơ sở dữ liệu, trình duyệt… Gates có thể đi sâu vào những khía cạnh chi tiết nhất của mỗi chủ đề. Điều này thể hiện một khả năng đầu óc siêu phàm của ông.
“Nếu bạn có đủ sự chú ý, mọi thứ sẽ đều rất thú vị”
Một trong những câu châm ngôn tôi thích nhất là của tác giả Sam Harris: “Sự chán ngán thực ra chỉ là sự thiếu chú ý”. Nhưng tôi thích chuyển câu nói này thành một phiên bản tích cực hơn, đúc kết từ bài học tôi tiếp thu được từ Bill Gates, đó là: “Nếu bạn có đủ sự chú ý, mọi thứ sẽ đều rất thú vị”.
Sau này, có một điều nữa mà tôi được “học từ xa” ở Bill Gates, đó là khả năng dùng bộ não siêu phàm của mình để giải quyết những vấn đề khó khăn hơn trên thế giới, như giáo dục, nghèo đói và bệnh tật.
Chỉ làm việc với những thứ bạn đam mê
Tôi có thể ngồi viết liên tục về những điều mà tôi đã học được từ những người thông minh mà tôi từng được hợp tác làm việc trong rất nhiều năm qua. Việc này sẽ tốn rất nhiều thời gian và giấy mực.
Điều quan trọng hơn là, những bài học này sẽ không có nhiều ý nghĩa trừ khi bạn tự trải nghiệm chúng. Đa phần các bài học sẽ biến mất và rồi xuất hiện trở lại khi đã quá muộn màng – thời điểm chúng không còn có thể tạo ra tác động nữa.
Một lời khuyên sự nghiệp tôi có thể đưa ra là: Hãy chỉ làm việc với những điều mà bạn đam mê. Miễn sao bạn còn có thể học hỏi, hãy tiếp tục làm việc. Ngành công nghiệp máy tính nói riêng và các ngành nghề khác nói chung đều đang thay đổi rất nhanh, đến nỗi nếu bạn ngừng học hỏi, dù chỉ trong chốc lát, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau.
Miễn sao bạn đang đi đúng định hướng chung, mọi thứ đều đang tiến triển tốt. Đừng vạch ra toàn bộ lộ trình cụ thể từ điểm A đến điểm B trước khi bắt đầu hành trình. Nếu làm như vậy, tôi đã sống một cuộc đời rất khác với bây giờ, thậm chí tôi có thể sẽ không theo học ngành khoa học máy tính.
Thay vào đó, trên hành trình đến điểm B, chỉ cần đảm bảo rằng bạn đang đi đúng hướng mình đã nhắm trước, rồi cứ thế tiếp tục hành trình. Hãy học hỏi trên đường đi, và nếu cần thiết, có thể điều chỉnh những chi tiết. Cuối cùng, bạn sẽ dừng chân đúng điểm B, và bạn sẽ có rất nhiều niềm vui trên đường đi. Và với những trải nghiệm của mình, tôi biết rằng mình đã làm được như vậy.