Vị tướng kiệt xuất

24/08/2010 08:05

Những ký ức đầy cảm xúc về đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng kiệt xuất của Việt Nam, được ghi danh là một trong 59 vị tướng lẫy lừng của thế giới từ cổ đại đến hôm nay - nhân dịp mừng ông đại thọ tròn 100 tuổi.

Vị tướng kiệt xuất

Những ký ức đầy cảm xúc về đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng kiệt xuất của Việt Nam, được ghi danh là một trong 59 vị tướng lẫy lừng của thế giới từ cổ đại đến hôm nay - nhân dịp mừng ông đại thọ tròn 100 tuổi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tình cảm của người dân TP.HCM trong dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam 30/4/1985 - Ảnh: PHONG QUANG

Chủ nhân đi vắng. Nhưng không khí trong căn phòng vẫn tràn ngập hình ảnh, giọng nói, uy vũ và tình người tỏa ra từ vị đại tướng đã thành huyền thoại trong lòng người. Hơn 30 cộng sự, trợ lý, thư ký... từng theo ông suốt mấy chục năm cùng chia sẻ những tình cảm dành cho ông trong suốt quá trình gắn bó của họ. Cuộc gặp diễn ra trước ngày 25-8, ngày mà đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi.

Trung tướng Hồng Cư kể hai kỷ niệm ấn tượng suốt đời binh nghiệp của mình: “Năm 1950, khi tôi đang làm chính trị viên tiểu đoàn Bình Ca, một buổi chiều, sĩ quan liên lạc phi ngựa đến hô to: “Tiểu đoàn 42 nhận lệnh”. Tôi và tiểu đoàn trưởng nhận được quân lệnh viết tay, nét chữ đại tướng: “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên”. Tôi cầm quân lệnh đến từng lán đọc cho chiến sĩ nghe. Lính đang sốt rét nằm run cầm cập la liệt nghe quân lệnh của đại tướng như nghe lời hịch, cố vùng dậy để ra trận đêm hôm ấy”.

Chiến thắng lớn nhất là chiến thắng ít tổn hao xương máu

“Lần thứ hai là ngày 7/4/1975, chúng tôi đang vào chiến dịch Hồ Chí Minh, nhận lệnh của tổng hành dinh ký tên đại tướng: “Thần tốc - thần tốc hơn nữa; Táo bạo - táo bạo hơn nữa, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam”. Tư lệnh binh đoàn 2 đọc lệnh của đại tướng trước đoàn quân, chiến sĩ hò reo, hô vang tên đại tướng: “Hoan hô đại tướng! Quyết chiến! Quyết thắng!”. Chúng tôi run lên vì xúc động, và tôi thấm thía thế nào là cái uy dũng của một vị tổng tư lệnh với quân đội của mình, thế nào là tình yêu và niềm tin tuyệt đối của những người lính với vị chỉ huy”.

Ông Phạm Khắc Lãm - chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ, con trai của ngự tiền đổng lý văn phòng triều đình Bảo Đại Phạm Khắc Hòe, một trí thức Huế đi theo kháng chiến - kể một câu chuyện nhỏ rất đặc biệt về một quyết định rút quân của anh Văn (đại tướng): “Năm 1950, đơn vị chúng tôi tấn công một trận địa địch ở khu vực gọi là Chùa Cao. Cuộc tấn công bắt đầu từ đầu buổi tối nhưng nửa đêm vẫn chưa dứt điểm được, đèn trong lán đại tướng vẫn sáng, ông thức suốt đêm. Gần sáng, cứ 15 phút ông gọi điện một lần “Vào được chưa?”. Trời sáng dần, trận địa báo về: máy bay địch bắt đầu đến. Đại tướng ra lệnh: “Rút quân!”.

Chứng kiến hàng chục trận thắng, nhưng chiến đấu dưới quyền đại tướng, tôi hiểu được một điều giản dị: một vị tướng khi chiến thắng hô xung phong không khó bằng đứng trước một tổn thất lớn về tính mạng chiến sĩ, dám cho lệnh rút. Với đại tướng, chiến thắng lớn nhất là chiến thắng ít hao tổn xương máu nhất”.

Vị tướng - sử gia

Quãng thời gian từ năm 1976 đến 1991, đại tướng làm phó thủ tướng phụ trách khoa học, giáo dục. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, trợ lý về khoa học cho đại tướng, kể: “Ngày ông mới được phân công phụ trách lĩnh vực này, nhiều nhà khoa học, trí thức hàng đầu còn đặt câu hỏi đầy nghi ngờ: võ công thì kiệt xuất rồi, nhưng lãnh đạo khoa học thì đại tướng có làm được không? Người nêu câu hỏi này công khai chính là GS Hoàng Tụy. Năm năm sau, nhiều nhà khoa học đầu ngành của VN, trong đó có GS Hoàng Tụy, đánh giá “anh Văn có nhãn quan chiến lược về khoa học”.

GS Phạm Duy Hiển chia sẻ sự tri ân của mình với vị đại tướng - phó thủ tướng phụ trách khoa học, giáo dục: “Anh Văn đã đặt nền móng cho công việc nghiên cứu của Viện Hạt nhân Đà Lạt”.

GS Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, bày tỏ niềm tự hào nghề nghiệp: “Anh Văn là chủ tịch danh dự bốn khóa liền của những người làm sử chuyên nghiệp chúng tôi. Chúng tôi tự hào vì có một vị chủ tịch như anh. Trước khi dấn thân vào binh nghiệp, anh đã đồng thời là nhà báo, nhà giáo, nhà sử học. Chính vì thế, anh là vị tướng hiếm hoi trên thế giới vừa lập chiến công hiển hách, vừa viết binh thư hiện đại. Sách của anh chính là những trang sử sống động nhất”.

Vị sử gia chuyên nghiệp bày tỏ sự khâm phục trước tư duy làm sử sâu rộng của vị tướng - sử gia: “Đại tướng có nhiều tư tưởng định hướng cho sự phát triển của nền sử học hiện đại VN. Ông đã có những kiến giải sâu sắc về Trần Hưng Đạo, về Nguyễn Trãi, về các trường phái quân sự VN. Ông cực kỳ nghiêm khắc về sử liệu. Ông khẳng định: “Chiến tranh thời Trần là chiến tranh nhân dân”. Có nhiều ý kiến không đồng ý, cho rằng chiến tranh nhân dân chỉ có ở thời đại Hồ Chí Minh, ông đề nghị chúng tôi tìm thật kỹ trong sách sử, cuối cùng đã tìm ra từ “dân binh”. Trong Bình Ngô đại cáo, chúng tôi tìm ra từ “manh lệ”, manh là dân cày, lệ là nô lệ, quân khởi nghĩa gồm nô lệ và dân cày”.

Theo GS Phan Huy Lê, “giới sử học và trí thức nước nhà còn phải cảm ơn anh Văn vì công lao rất lớn của anh trong việc kiên quyết giữ gìn di sản Hoàng thành Thăng Long, không phải sau này mà ngay từ những ngày đầu khó khăn nhất, khi di tích mới được phát lộ. Ba phút sau khi biết tin Hoàng thành Thăng Long được công nhận di sản thế giới, tôi đã gọi báo tin cho ông, ông vui mừng lắm”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc trao tặng bà Bích Hà - phu nhân của đại tướng - và gia đình bản chụp tượng bằng đồng của đại tướng, Hội Khoa học lịch sử VN đã chọn xong mẫu và dự định sẽ được đúc nay mai, cùng với một cuốn sách mới nhất mà giới sử học thế giới viết về đại tướng - cuốn Những nhà lãnh đạo quân sự và các chiến dịch của họ viết về 59 vị lãnh đạo quân sự thế giới.

Đại tướng vắng nhà, ông đang tĩnh dưỡng tại Quân y viện 108. Một vị sư nhắn tin: đang ngày đêm tụng kinh niệm Phật cầu sức khỏe cho đại tướng. Bà mẹ 112 tuổi của đại tá Nguyễn Hữu Lê - một du kích chống Nhật ở vùng quê Kiếp Bạc - cũng hằng ngày thắp hương cầu Phật tam tổ Trúc Lâm và đức Thánh Trần phù hộ cho đại tướng sức khỏe. Niềm hạnh phúc bình dị ấy, Võ Nguyên Giáp - vị đại tướng của chiến tranh nhân dân VN - xứng đáng được nhận hơn bất kỳ ai.

Phần viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp trong quyển sách

Đó là cách định danh của cuốn sách Những nhà lãnh đạo quân sự và các chiến dịch của họ trong đầu đề phần viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách Great military leaders and their campaigns khổ 27x32cm, có 545 tranh minh họa, trong đó 440 tấm in màu của tác giả Jeremy Black, do Nhà xuất bản Thames & Hudson xuất bản tại London (Anh) năm 2008. Trong số 59 nhân vật mà quyển sách này đề cập (từ thời cổ đại đến hiện đại) có Alexandre đại đế, Tần (Thủy) Hoàng, Julius Caesar, Thành Cát Tư Hãn, hoàng đế Càn Long, George Washington... và đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Phần viết về vị đại tướng VN có hai trang kèm theo lời trích câu nói: “Kế thừa và tiếp nối truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc chúng ta, nhân dân ta đã đánh bại một thế lực mạnh bằng một lực lượng nhỏ hơn”.

Hai bức chân dung chụp ở hai thời điểm gắn với hai chiến dịch tiêu biểu là Điện Biên Phủ (1954) và tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) được mô tả bằng những tấm bản đồ và những lời chỉ dẫn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật duy nhất... còn sống trong số 59 nhân vật được lựa chọn.

Sự lựa chọn này cho thấy vị trí của cuộc chiến tranh VN trong lịch sử hiện đại mà đại tướng Võ Nguyên Giáp như một biểu tượng trong sự nghiệp chiến tranh giải phóng của dân tộc VN dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

DƯƠNG TRUNG QUỐC

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vị tướng kiệt xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO