Những diễn biến ở thị trường xăng dầu và sữa, hai mặt hàng thiết yếu trong xã hội, thời gian vừa qua đang cho thấy một điều, dường như chỉ có một nửa thị trường được áp dụng.
Giảm khó
Đầu tiên là thị trường xăng dầu. Hôm 22/11, sau 15 ngày chờ đợi, giá bán lẻ xăng dầu đã được điều chỉnh giảm lần thứ hai kể từ khi áp dụng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, ngày 1/11. Mức giảm lần này khá lớn, 1.140 đồng/lít xăng; 560 đồng/lít dầu diesel và 450 đồng/lít dầu hỏa. Vậy nhưng, cộng với 9 lần giảm giá của xăng, 11 lần giảm giá của dầu, mức giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng chỉ mới hơn phân nửa so với mức giảm của giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.
Các con số nói rõ điều này. Từ đầu năm đến 23/11, xăng RON92 đã giảm giá 16,3%; dầu diesel giảm 18,8% còn dầu hỏa giảm 14,1%. Trong khi đó, giá xăng Mogas 92 tại Singapore từ đầu năm đến nay đã giảm 27,2%; dầu DO 0,05S giảm 26,03% và dầu hỏa giảm 24,7% (xem thêm bảng).
Việc giá xăng dầu trong nước không bám sát giá thế giới, đặc biệt là khi giá giảm, là do quy định của Nhà nước (trước đây là Nghị định 84 và nay là Nghị định 83/2014) liên quan đến việc xác định giá cơ sở.
Theo Nghị định 83/2014, thời gian giữa hai lần giảm giá là 15 ngày và trong suốt thời gian đó, doanh nghiệp đầu mối vẫn thu lãi (chưa kể lợi nhuận định mức 300 đồng/lít đã được tính sẵn trong giá bán). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải mua hàng giá cao trong khi giá thành phẩm liên tục giảm.
Quy định hiện hành cũng cho phép từng doanh nghiệp xăng dầu đầu mối giảm giá bán lẻ xăng dầu để cạnh tranh, nhưng thời điểm thì theo công bố của liên bộ Công Thương - Tài chính (thông qua tổ liên ngành điều hành xăng dầu). Và tổ này bình quân 15 ngày mới công bố thông tin giá cơ sở một lần. Vậy nên, các doanh nghiệp đầu mối cứ... chờ.
Đó là chưa kể, như chia sẻ của lãnh đạo một đầu mối, dù muốn “giảm cho rồi để dễ tiêu thụ, đại lý không phải nhấp nhổm và lấy hàng nhỏ giọt” nhưng không thể vì còn phải chờ động thái của “anh cả” Petrolimex, đầu mối đang chiếm gần 50% thị phần. Chờ “anh cả” không chỉ vì sợ không đủ hàng bán mà còn vì em út không dám qua mặt. Cuối cùng, dù giá cơ sở đã được tính bằng giá bình quân 15 ngày của giá thế giới nhưng với quy cách kể trên, thời gian giãn cách giữa hai lần giảm lại kéo dài (hơn năm ngày so với trước đây) khiến người tiêu dùng thiệt thòi còn doanh nghiệp đầu mối hưởng lợi.
Ở thị trường sữa, chuyện giảm giá cũng đang được nhắc đến. Nguyên nhân là giá sữa nguyên liệu đã được nhiều cơ quan thống kê là giảm khá mạnh. Bộ Tài chính, cơ quan đầu mối trong việc quản lý giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng xác nhận, giá một số loại nguyên liệu sữa (sữa bột gầy và sữa bột nguyên kem) có xu hướng giảm trong vài tháng gần đây tại thị trường Tây Âu và châu Úc. Tuy nhiên, bộ này cho rằng, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong nước chưa giảm do sữa nguyên liệu chỉ là một trong số các yếu tố hình thành nên giá sữa thành phẩm và giá sữa thành phẩm nhập khẩu về qua số liệu hải quan cho thấy không biến động. Dù lý giải như vậy nhưng sau đó, lãnh đạo bộ này lại ký quyết định thành lập ba đoàn kiểm tra tình hình triển khai bình ổn giá sữa ở ba miền Bắc, Trung và Nam
Trưởng phòng truyền thông một hãng sữa nước ngoài cho biết, ngoài những thông tin như Bộ Tài chính công bố, còn có những lý do khiến doanh nghiệp sữa nhập khẩu sữa thành phẩm không thể giảm giá bán lúc này. Thứ nhất, họ “chưa hoàn hồn” với lần giảm giá hồi tháng 6 theo quyết định áp giá trần của cơ quan quản lý, bây giờ giảm giá nữa thì “vô lý” vì sữa nguyên liệu chỉ chiếm 40% cơ cấu của sữa thành phẩm. Thứ hai, quan trọng hơn là những doanh nghiệp dẫn dắt thị trường chưa có động thái gì thì doanh nghiệp thị phần nhỏ không thể làm. Thứ ba, giảm giá có thể mất thị phần khi không ít người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý khi giá sữa thấp, giảm giá thì lại nghi ngờ chất lượng, giá càng cao thì càng thích mua!
Lỗi của cơ quan điều hành
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, doanh nghiệp sẽ không bao giờ tự tước bỏ quyền lợi của mình để giảm giá bán cho người tiêu dùng. Để tình trạng tăng dễ, giảm khó ở các mặt hàng thiết yếu là xăng dầu và sữa là do lỗi quản lý.
Ở thị trường xăng dầu, theo ông Long, vấn đề bất cập nằm ở cơ chế nửa vời hiện nay, vừa thị trường, vừa Nhà nước quản lý. Ông Long cho rằng, không có một nước nào lại duy trì việc định giá theo ba mức (khi giá đầu vào tăng dưới 3%, từ 3-7%, trên 7%) mà trong đó, vừa cho doanh nghiệp tự quyết định, vừa có Nhà nước điều tiết như thị trường xăng dầu Việt Nam. Chưa hết, Nhà nước lại cho doanh nghiệp tự định giá khi thị trường vẫn còn doanh nghiệp giữ vai trò thống lĩnh (là Petrolimex với thị phần 47,8%). Cơ chế đó đã và đang giúp doanh nghiệp tăng giá nhanh nhưng giảm chậm. Và trong thời gian qua, khi giá thế giới giảm liên tục, việc chậm trễ giảm giá giúp doanh nghiệp đầu mối lời to khi mỗi ngày, theo ông Long, có 38 triệu lít xăng dầu được bán ra trên cả nước. “Lãi lớn đến chừng nào?”, ông Long nhận xét.
Bên cạnh đó, theo ông Long, giao quyền cho Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu (do Bộ Công Thương và Tài chính lập ra) với nhiều thành phần, mang “cơ chế mặt trận”, mỗi tháng họp đôi lần cũng là nguyên nhân khiến việc điều hành giá trong thời gian qua chậm trễ, chưa bám sát diễn biến giá thế giới. Không chỉ vậy, cơ quan chịu trách nhiệm chính lại là cơ quan không chuyên về giá. “Như thế là đã không đúng với tinh thần cải cách hành chính mà Việt Nam đang thúc đẩy”, ông Long nói.
Ở mặt hàng sữa, ông Long cũng cho rằng lỗi chính cũng là của cơ quan quản lý. Bởi lẽ, Bộ Tài chính đã dùng công cụ là áp giá trần để quản lý. Giá trần này không cố định mà luôn động. Khi đầu vào tăng thì phải điều chỉnh tăng và ngược lại. Theo ông, thời gian qua, cơ quan quản lý chưa tính được giá thực của các sản phẩm mà chỉ dựa vào báo cáo của doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp sữa nước ngoài kể trên thì phản ứng, trong trường hợp lần này, cơ quan quản lý cần để ý đến những doanh nghiệp đang thực sự hưởng lợi từ việc sữa nguyên liệu giảm giá. Bởi trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm có 100% thành phần là sữa nguyên liệu nhập khẩu. “Đây chính là những sản phẩm cần giảm giá”, vị này nói.
>Giá xăng giảm 1.140 đồng/lít
>Tối thiểu 15 ngày mới được tăng giá xăng dầu
>Các mặt hàng chưa giảm giá tương xứng với giá xăng
>Bộ Tài chính đề nghị giảm giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi
>Có quản được giá sữa?
>Quy định áp trần giá sữa: Doanh nghiệp bất ngờ!
>Giá sữa: Không dễ quản