Giải pháp toàn diện trong chiến lược phòng chống rủi ro gian lận tài chính
Sự gia tăng các mối đe dọa gian lận tài chính đang trở thành một thách thức lớn và nguy hiểm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong ngành ngân hàng.
Cần đổi mới chiến lược
Chia sẻ tại Hội thảo "FraudGuard CxO Roundtable 2024: Đổi mới chiến lược phòng chống rủi ro gian lận với AI/ML" tổ chức sáng 28/11, ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, theo thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công An), trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo qua mạng, với nhiều nghìn tỷ đồng đã bị chiếm đoạt. Đáng chú ý, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề do gian lận thanh toán số, với tỷ lệ thiệt hại gian lận do thanh toán số chiếm 3,6% GDP, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 1,1%.
Sự gia tăng các hình thức gian lận trong thanh toán số tại Việt Nam đã trở thành vấn đề nóng, thu hút sự chú ý không chỉ của các DN trong ngành ngân hàng mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số bùng nổ. Trước tình hình này, không chỉ ngành ngân hàng mà Chính phủ Việt Nam cũng đang có những nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn các hành vi gian lận và lừa đảo trong các giao dịch thanh toán số.
Tuy nhiên, việc phòng chống gian lận đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức không chỉ xuất phát từ phía khách hàng mà các DN, tổ chức tín dụng còn phải đối phó và ngăn chặn các mối đe dọa, nguy cơ tiềm ẩn từ bên. Điển hình như các cuộc tấn công mạng, phầm mềm độc hại, tấn công trung gian... gây thiệt hại rất lớn cho DN, tổ chức tín dụng.
"Khó khăn, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán là đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch. Đặc biệt, với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số, kéo theo sự gia tăng của những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS và thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt là đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa, do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế", ông Sơn trăn trở.
Do đó, để có thể "đi trước" tội phạm tài chính và bảo vệ an toàn tài chính cho tổ chức của mình cũng như cho khách hàng, các DN, tổ chức tín dụng cần triển khai những chiến lược phòng ngừa gian lận phải vừa hiệu quả, vừa có khả năng thích ứng linh hoạt với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ.
"Sự phát triển của công nghệ mới như blockchain (công nghệ chuỗi khối), big data (dữ liệu khối lượng), AI (trí tuệ nhân tạo) đòi hỏi các ngân hàng phải có sự thay đổi về mô hình quản lý và các hành lang an toàn trước những sự cố về an ninh mạng và bảo mật thông tin khách hàng trong thời kỳ công nghệ số", Giám đốc Trung tâm đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Sơn, việc phòng chống gian lận trên không gian mạng không phải là chuyện của riêng DN, tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Trong 5 năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có hơn 90 văn bản chỉ đạo, cảnh báo về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và phòng, chống lừa đảo qua mạng gửi các đơn vị trong ngành ngân hàng yêu cầu triển khai đồng bộ những giải pháp để nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin cho nhân viên và khách hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước còn đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính nhằm phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân, DN hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật. Việc này cũng đồng thời nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về những rủi ro an ninh, an toàn thông tin, các thủ đoạn, hành vi tội phạm, lừa đảo phổ biến mới xuất hiện.
Ngoài ra, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các tổ chức liên quan trong công tác phòng chống các hành vi gian lận và lừa đảo tài chính trong ngành ngân hàng. Mặt khác, các DN tổ chức tín dụng tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác phòng chống rủi ro gian lận tài chính.
Giải pháp toàn diện và hiệu quả
AI/ML (AI: trí tuệ nhân tạo, Machine Learning: học máy) đang là giải pháp góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng tái cấu trúc chiến lược phòng chống gian lận toàn diện và hiệu quả.
Đối với AI, theo ông Abhishek Gupta - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quản lý Sutra, AI là giải pháp toàn diện và hiệu quả cho DN trong phòng chống tội phạm tài chính.
Theo đó, AI có tính ứng dụng cao trong thu thập dữ liệu toàn DN để xây dựng bộ mô hình dự đoán gian lận chi tiết nhằm tối đa hóa độ chính xác. Đồng thời, duy trì hệ thống lâu dài hơn và tự động giám sát hiệu suất của mô hình. Mặt khác, AI còn giúp giám sát giao dịch tài chính dựa trên kịch bản và phân tích mạng lưới giao dịch để giám sát hành vi giao dịch và các thực thể để gán điểm rủi ro giao dịch.
Còn với ML, ông Herry Prajitno Harjono - Chuyên gia toàn cầu về Financial Crimes - SAS Institute cho biết, việc ứng dụng ML trong việc phòng chống rủi ro gian lận tài chính sẽ hỗ trợ DN tăng khả năng phân tích các dữ liệu nâng cao, như dữ liệu giao dịch, nhân khẩu, bên thứ 3, hành vi của khách hàng..., từ đó xây dựng các mô hình kịch bản rủi ro gian lận tài chính.
Chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng thành công AI/ML, ông Nguyễn Quốc Duy - Giám đốc Quản lý dự án HPT cho biết, DN đã cho triển khai giải pháp AI/ML tại TechBank trong 15 tháng (từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2021). Sau 9 tháng, các ứng dụng này đã đã xây dựng thành công 10 kịch bản gian lận qua kênh thanh toán, kênh thẻ và tự động cảnh báo, thông báo và xử lý sự cố.
Sau 13 tháng, các ứng dụng này tiếp tục thành công xây dựng 17 kịch bản gian lận, phát hiện gian lận đa kênh và xây dựng hồ sơ, phân tích hành vi bất thường trên nhiều cấp độ. Sau khi nghiệm thu, đến nay, AI/ML được TechcomBank triển khai đã hiệu chỉnh các quy tắc gian lận, tối ưu hóa hệ thống và đồng hành cùng ngân hàng cập nhật các xu hướng gian lận mới.
Đây là kết quả to lớn của AI/ML khi được triển khai tại các DN, tổ chức tín dụng Việt Nam trong công tác phòng chống rủi ro gian lận tài chính đang ngày càng trở nên phức tạp và khó lường.
Tuy nhiên, AI/ML không phải là "chìa khóa vạn năng" cho DN và tổ chức tín dụng trong cuộc chiến phòng chống rủi ro gian lận tài chính. Ông Nguyễn Hồng Quân - Ủy viên Hội đồng VNBA kiêm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TPBank đã khẳng định: "Chống gian lận là điều bắt buộc các ngân hàng phải làm. Ngân hàng phải có giải pháp chống gian lận tốt và toàn diện. Vai trò của ban lãnh đạo ngân hàng là phải chọn đúng giải pháp và đúng đối tác triển khai. Sau khi chọn dúng, hãy quyết tâm và tập trung vào mục tiêu".
Để phòng chống gian lận tài chính toàn diện và hiệu quả, DN và tổ chức tín dụng cần ưu tiên định hình được lộ trình triển khai dự án trong tương lai. Trong đó, phải có sự cam kết từ lãnh đạo với mục tiêu rõ ràng và lựa chọn đối tác triển khai phù hợp.