Vaccine là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp

Trong nước - Ngày đăng : 04:42, 10/06/2021

Đại diện các Hội doanh nghiệp TP.HCM đều kiến nghị lãnh đạo TP ưu tiên nguồn vaccine cho người lao động tại các khu công nghiệp (KCN), tránh trường hợp một người bị nhiễm khiến cả nhà máy bị phong tỏa và ngừng hoạt động.
Vaccine là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM - Ảnh: Huyền Mai

Ý kiến này được các doanh nhân nêu ra trong hội nghị gặp gỡ giữa đại diện Hiệp hội doanh nghiệp (DN) với chính quyền TP.HCM vào sáng 10/6 nhằm tháo gỡ khó khăn và đưa ra những kiến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Vaccine, vaccine và vaccine

Hầu hết 17 ý kiến nêu ra các khó khăn và kiến nghị của lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM đều nhấn mạnh giải pháp tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân tại các KCN là cực kỳ quan trọng bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch mà cơ quan chức năng đã và đang triển khai.

“Giải pháp 1: vaccine, giải pháp 2: vaccine, và giải pháp 3: vaccine," ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho biết. Ông Tống cho biết hiện nay rất ngại phải xuống xưởng, nếu có đi cũng chọn quan sát từ bên ngoài chứ không vào bên trong vì không biết mình có nhiễm virus hay không. Ông Tống cũng cho biết đã tuyên truyền đến toàn bộ cán bộ nhân viên cần tránh mọi hoạt động giao tiếp - giao lưu không cấp thiết. 

"Tất cả giải pháp khác về hỗ trợ vốn vay, hay giảm thuế sẽ không có ý nghĩa gì khi doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động nếu trong xưởng có ca lây nhiễm,” ông Tống nhấn mạnh.

vac-xin-moi-quan-tam-hang-dau-6262-4442-

Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM phát biểu

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Tân Quang Minh (Bidrico), Phó chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, dù DN đã triển khai nhiều biện pháp an toàn, điều DN đang rất trăn trở hiện nay là làm thế nào có thể bảo toàn lực lượng lao động trong bối cảnh dịch vẫn còn đang lây lan. Cho nên, giải pháp duy nhất khả thi hiện nay là tiêm vaccine cho tất cả người lao động. 

“Thành phố cần nghiên cứu, chủ động nguồn vaccine nhằm sớm triển khai tiêm diện rộng cho người lao động, nhất là tại các khu cụm công nghiệp trọng yếu của TP - nơi có nguy cơ cao và là huyết mạch sống còn của nền kinh tế. Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các nhà máy sản xuất các mặt hàng thiết yếu, ngoài lực lượng của DN, rất cần Nhà nước hỗ trợ thêm về các vấn đề liên quan đến y tế, vệ sinh, phun khử khuẩn,” ông Hiến cho hay.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Công ty Nam Thái Sơn, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), từ đầu cầu TP. Thủ Đức, cũng nêu ý kiến: “Việt Nam đang trở thành công xưởng lớn của cả thế giới. Đang là điểm sáng và là chuỗi cung ứng rất ổn định thì làn sóng thứ dịch thứ 4 bùng lên, đặc biệt trong các KCN Bắc Giang, Bắc Ninh với nhiều ca bệnh, đã trở thành mối lo ngại lớn đối với các nhà đầu tư, nhà mua hàng nước ngoài. Nếu Việt Nam xử lý không tốt thì nguy cơ chuỗi cung ứng cùng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quay trở lại Trung Quốc, nơi tình hình đang ổn định hơn hoàn toàn có thể xảy ra". 

"Tôi rất mong TP có thêm nhiều đầu mối để các DN có nhiều lao động có thể liên hệ tìm thông tin nhập khẩu vaccine và chích ngừa. Vừa rồi, chúng tôi nhận được nguồn thông tin có lô vaccine từ Nga về và phổ biến cho các hội viên Hội DN TP.Thủ Đức, với số lượng đăng ký hơn 900.000 liều, cho thấy nhu cầu thực tế từ DN là rất cao," ông Việt Anh nói thêm.

Vaccine là giải pháp căn cơ 

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP. HCM, sau khi lắng nghe những kiến nghị của đại diện các Hiệp hội DN trên địa bàn TP.HCM chia sẻ trước khi đến dự hội nghị, ông đã gọi điện đến Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi về vấn đề vaccine.

Ông Nên cho hay mục tiêu là tiêm vaccine cho toàn dân nhưng có ưu tiên đối tượng tiêm vì số lượng vaccine ít. Chính phủ cũng mở rộng cơ chế cho các DN được tiếp cận vaccine từ bất cứ nguồn nào, và khi có vaccine thì Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện thực hiện kiểm tra chất lượng và kế hoạch tiêm.

“Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Y tế nói rằng hiện nay rất khó tiếp cận nguồn vaccine, chứ không đơn giản có ngay được, vậy nên ai có nguồn vaccine thì cứ báo thẳng đến UBND TP.HCM với tinh thần mang về càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt”, ông Nên nhấn mạnh. Và nói thêm rằng trong khi chưa có vaccine, các DN cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, có giải pháp cụ thể để sản xuất an toàn.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong cho biết trong ngày mai (11/6), ông sẽ nghe kế hoạch cụ thể và lộ trình tiêm vaccine từ nay đến cuối năm 2021 và quý I-2022. Theo ông, tiêm vaccine là yếu tố quyết định và căn cơ để đối phó dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng thông tin thêm TP.HCM đã có kế hoạch cụ thể và lộ trình tiêm vaccine từ nay đến cuối năm 2021 và quý I-2022, trong đó đặt mục tiêu 2/3 dân số TP.HCM được tiêm chủng trước năm 2022. Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM cũng thừa nhận để có vaccine lúc này là không hề đơn giản. 

Theo Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, trong đợt 1 với nguồn vắc xin AstraZeneca, TP được phân bổ 1,6 triệu liều. Hiện còn 5,6 triệu người dân (tính từ 15 tuổi trở lên) chưa được tiêm ngừa.

Ở cương vị trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, cho đến ngày 6/6, các nguồn lây nhiễm dịch tại TP cơ bản đã kiểm soát được tình hình. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM - HCDC vẫn đang miệt mài tìm kiếm, quyết liệt để khoanh vùng các nguồn lây do độ mở của TP rất lớn. “Hiện chúng ta đang cơ bản kiểm soát được tình hình”, ông Phong nhấn mạnh.

Ngọc Thoại