Triển lãm cuộc thi “Giải thưởng Tài năng 2014 – Biến đổi khí hậu qua ảnh” do Quỹ Trao đổi và Phát triển Văn hóa Đan Mạch (CDEF) thuộc Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức diễn ra tại phòng Sao La, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97 Phó Đức Chính, quận 1) được khai mạc vào 14-11. Tại Hà Nội, triển lãm này cũng đã được khai mạc vào 13-11 tại Nhà sàn Collective (24 Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm).
Tình mẫu tử, rừng Bình Thuận (7-2013) của Hồ Văn Điền |
Đây là một trong các hoạt động của CDEF nhằm hỗ trợ các dự án văn hóa và nghệ thuật đương đại cho các nghệ sĩ trẻ Việt Nam dưới 35 tuổi, đồng thời xúc tiến giao lưu văn hóa giữa hai nước. Mỗi năm, một phần thưởng tài năng sẽ được trao cho một nghệ sĩ trẻ xuất sắc của Việt Nam trong một lĩnh vực nghệ thuật được lựa chọn.
Năm nay CDEF chọn lĩnh vực nhiếp ảnh và đã phát động cuộc thi này bắt đầu từ tháng 6-2014. Có rất nhiều tác phẩm ảnh của các tác giả là nhiếp ảnh chuyên nghiệp lẫn không chuyên từ khắp cả nước gửi về tham gia, trong đó có 25 tác giả và 49 tác phẩm được chọn vào chung kết và trưng bày tại triển lãm.
Tây Đô mùa phố như sông, Cần Thơ (10-2013) của Phạm Duy Khương |
Kêu cứu, Ninh Thuận (4-2014) của Nguyễn Mạnh Tuấn |
Mối de dọa môi trường thiên nhiên và động vật hoang dã, Hồ Lắk (3-2014) của Mai Thành Chương |
Nếu có người nghĩ rằng đề tài trên khô khan, thiếu tính nghệ thuật thì chắc hẳn sẽ có cái nhìn khác khi xem các tác phẩm tại cuộc thi này. Cuộc sống vốn muôn màu với nhiều sắc thái, cảm nhận khác nhau tùy thuộc vào tâm thế của mỗi người, trong đó, mỗi hành động của con người dù nhỏ cũng góp phần làm tác động, ảnh hưởng thay đổi thế giới.
Ở Việt Nam từ nhiều năm qua, vấn đề môi trường đã được cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Những người trẻ bằng sự nhạy cảm, năng động đã nắm bắt và phản ánh những tác động đa dạng của biến đổi khí hậu dưới nhiều góc nhìn khác nhau:
Từ sinh hoạt hằng ngày của người dân khắp các vùng miền từ thành phố, điểm du lịch như đảo Bình Ba (Nha Trang), đảo Nam Du (Kiên Giang), Cần Thơ, Điện Biên, Huế, Bình Thuận, Kon Tum, Hà Nội… đến các vùng nông thôn xa xôi; những khoảnh khắc thiên nhiên trước và sau khi bị con người can thiệp, tàn phá; sự nổi giận khốc liệt, khôn lường của mẹ thiên nhiên, khoảng lặng nhói lòng khi nhìn về tương lai của những đứa trẻ có tuổi thơ lớn lên cùng… bãi rác.
Mưu sinh, Điện Biên Phủ (2014) Trần Mạnh Tài |
Tất cả các tác phẩm đều chụp vào cuối 2013 cho đến gần đây cho nên vẫn còn mang tính thời sự. Dù tác phẩm không thật trau chuốt theo góc nhìn nghệ thuật, nhưng với những tay máy nghiệp dư thì đây là dịp để họ thử sức một cuộc chơi ý nghĩa, thú vị. Hình ảnh thanh niên tình nguyện vớt rác tại rạch Bà Cả (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM) cho chúng ta hy vọng về một thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ môi trường.
Mùa nước nổi Sài Gòn, nước nổi Tây Đô, Hội An đến sau một cơn mưa mới thấy những thành phố lớn không chỉ có hào nhoáng mà còn lắm sắc xám khiến người dân vất vả. Ở Đắk Lắk, cây rừng kêu cứu trên những chuyến xe chở gỗ từ rừng về phố.
Phía sau thành phố Bắc Ninh là những bãi rác nham nhở, lổn nhổn, những trũng ao hồ tàn tạ, đất đai cằn khô, nứt nẻ. Đảo Nam Du vẫn hoang sơ nhưng không còn sạch sẽ nữa, những đứa trẻ vô tư chơi đùa bên bãi rác, người lớn sinh hoạt, ăn uống, kiếm sống trên rác.
Xót xa hơn khi bắt gặp hình ảnh đứa trẻ nhem nhuốc phải sớm đi mò cua bắt ốc mưu sinh mà vẫn vô tư xem công việc như trò chơi, hay niềm vui ngời trong ánh mắt khi được thỏa thích tắm nước vòi sen.
Điều tưởng chừng rất bình thường ấy là mơ ước của bao trẻ em, bao gia đình. Về đâu những cánh chim trời, những động vật hoang dã cần bảo vệ mất nơi sinh sống… Về đâu thế giới của chúng ta?
Biển, Bình Thuận (2014) của Hồ Văn Điền |
Những người trong ban tổ chức hy vọng qua cuộc thi này, những bức ảnh sẽ có tác dụng giúp nâng cao nhận thức và kiến thức của người dân về tác động của biến đổi khí hậu. Ai cũng phải góp phần gìn giữ môi trường sống, yêu thế giới này như yêu những người thân của mình, bởi một khi môi trường bị hủy hoại, tất cả chúng ta đều bị trả giá rất đắt. Hãy hành động ngay từ bây giờ, mỗi người hãy góp một hành động nhỏ để tạo ra một thay đổi lớn.
Tương lai về đâu, huyện Easup, Đắk Lắk (12-2013) của Bùi Thanh Tùng |
Ban giám khảo cho biết sẽ chọn ra một tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải thưởng gồm tiền mặt và chi phí hỗ trợ nhiếp ảnh gia tham gia các khóa đào tạo về nhiếp ảnh và các giải phụ. Ngày bế mạc triển lãm (21-11) cũng sẽ diễn ra một cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm nhiếp ảnh và sau đó là lễ công bố người thắng giải.