Nửa cuối 2014, thị trường sẽ đón nhận 110.000 m² sàn bán lẻ trong bối cảnh thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội đang chịu nhiều thử thách, dẫn đến cả công suất và giá thuê đều có chiều hướng đi xuống.
Thị trường bán lẻ Việt Na, xuất hiện thêm nhiều thương hiệu mới |
Báo cáo kết quả nghiên cứu thị trường bất động sản Hà Nội của Công ty Savills Việt Nam công bố ngày 8/7, cho thấy, thị trườngbất động sản bán lẻ Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, công suất thuê giảm -8 điểm % theo năm và giá thuê giảm -10% theo năm.
Tổng nguồn cung bán lẻ vào khoảng 927.500 m2, tăng 2% so với quý trước và 45% so với cùng kỳ năm trước do sự gia nhập của Lotte Mart, trung tâm mua sắm và siêu thị ở quận Đống Đa. Khu vực nội thành chiếm thị phần lớn nhất, chiếm 45% tổng cung trong khi khu vực trung tâm có thị phần nhỏ nhất, chỉ chiếm 3%.
Trong Q2/2014, hai dự án khối đế bán lẻ với giá thuê thấp hơn giá trung bình đóng cửa, làm giá thuê của cả phân khúc này tăng 3% theo quý. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá thuê của các khối đế bán lẻ vẫn giảm -10%.
Thời gian vừa qua mức giá thuê, công suất thuê đều giảm ở mức 5-10%. Trong 5 quý trở lại đây, có thể thấy công suất thuê giảm khá mạnh theo chiều hướng đi xuống trong 5 quý trở lại đây, đặc biệt ở khối bán lẻ công suất thuê giảm tới 15% theo năm. Doanh thu bán lẻ của Hà Nội trong nửa đầu 2014 tăng khoảng 10,4% theo năm (đã bao gồm lạm phát), thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013 (11,6%).
Một lượng lớn các khách thuê đang tìm kiếm các diện tích bán lẻ cho các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện ích và các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu khác. Mức giá thuê mặt bằng trung bình của cả ba loại hình bán lẻ này trên toàn thị trường Hà Nội hiện là mức 55 USD/m2/tháng, trong đó trung tâm thương mại là 50 USD, trung tâm mua sắm là 43 USD và khối bán lẻ là 65 USD.
Các loại hình sàn bán lẻ đang chung xu hướng giảm giá. Điều này, bà Ngô Hương Giang – Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills nói “sẽ tăng thêm áp lực cho thị trường bất động sản”.
Trong tương lai, khoảng 1,9 triệu m2 diện tích bán lẻ mới từ 98 dự án sẽ gia nhập thị trường. Tuy vậy, khoảng 70% số dự án này (67 dự án cung cấp 1,3 triệu m²), vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch hoặc bị trì hoãn và chỉ có thể gia nhập thị trường sau 2016.
Trong nửa cuối 2014, thị trường tiếp tục đón nhận 110.000 m² sàn bán lẻ, 66% nguồn cung đó sẽ đến từ ba dự án lớn nhất tại các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng và Hà Đông.
Bà Ngô Hương Giang nhận định, thị trường bán lẻ đang gặp nhiều thách thức và khó khăn nhưng bên cạnh đó có thể thấy những điểm tích cực trong quý I/2014. Đó là sự xuất hiện của các nhãn hàng mới trong các ngành ẩm thực, bán lẻ, cửa hàng tiện ích … tại TP. Hồ Chí Minh và đang tiến dần ra Hà Nội. Sau TP. Hồ Chí Minh, Mc Donald’s đang dự định mở thêm các chi nhánh khác tại Việt Nam và Hà Nội là điểm dừng chân tiếp theo của thương hiệu này.