5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12

HT| 01/12/2021 01:00

Trong tháng cuối cùng của năm 2021, sẽ có nhiều chính sách liên quan đến giáo dục, lệ phí trước bạ, bảo hiểm... chính thức có hiệu lực.

5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12

Giảm 50% phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước

Từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP, lệ phí trước bạ nộp lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% so với trước đây, tức là từ 5-6% giá trị xe. Việc này nhằm kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; tác động thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Từ ngày 1/6/2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ trở về theo Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 140/2016/NĐ-CP (10-12% giá trị xe); các nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Bỏ quy định đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học

Đây là nội dung mới tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực từ ngày 10/12/2021. Theo quy định mới, nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức bao gồm: lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí công việc.

So với quy định hiện hành, tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP không còn nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ. Nghị định 89/2021/NĐ-CP sẽ là cơ sở để các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý.

Tăng mức bảo hiểm tiền gửi lên đến 125 triệu đồng

Từ ngày 12/12/2021, Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực, áp dụng cho đối tượng là người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Trong đó, tại Điều 3 quy định số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Trước đó, theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng.

Thay đổi về cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Từ ngày 23/12/2021, Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 23/2018/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thay đổi việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Theo đó, thay vì sử dụng mẫu cũ cố định tại Phụ lục I Nghị định 23/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được chủ động thiết kế giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Tuy nhiên, trên giấy chứng nhận vẫn phải bảo đảm có các nội dung nêu tại Điều 7a Nghị định 97/2021/NĐ-CP gồm tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy); địa chỉ tài sản được bảo hiểm; tài sản được bảo hiểm; số tiền bảo hiểm; mức khấu trừ bảo hiểm...

Cá nhân được vận động quyên góp từ thiện

Nghị định 93/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hiệu lực từ ngày 11/12/2021, thay thế Nghị định 64/2008. Văn bản mới quy định, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có thể vận động quyên góp từ thiện.

Quy định này nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức có điều kiện hỗ trợ các trường hợp, địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sự cố, dịch bệnh; cùng chính quyền khắc phục khó khăn trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. Tuy nhiên, khi vận động, người dân phải thông báo với UBND cấp xã nơi cư trú và công khai trên phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian phân phối.

Cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện; phải có biên nhận các khoản quyên góp nếu nhà hảo tâm yêu cầu. Sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận, cá nhân không được phép nhận thêm tiền ủng hộ (thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận khoản đóng góp tự nguyện).

Cá nhân làm từ thiện không buộc phải kiểm toán nhưng phải công khai trên phương tiện truyền thông về số tiền, hiện vật huy động được sau 15 ngày từ khi kết thúc tiếp nhận. Việc sử dụng ra sao, cho đối tượng nào phải công khai sau 30 ngày khi kết thúc phân phối. Nội dung này còn phải niêm yết 30 ngày tại trụ sở UBND cấp xã nơi người làm từ thiện cư trú.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO