Tranh thờ Đạo giáo

V.LONG| 31/10/2009 00:32

Tranh thờ Đạo giáo là một trong hai dòng tranh trở thành di sản trong lịch sử hội họa VN, bên cạnh dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng và làng Sình.

Tranh thờ Đạo giáo

Tranh thờ Đạo giáo là một trong hai dòng tranh trở thành di sản trong lịch sử hội họa VN, bên cạnh dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng và làng Sình. Dòng tranh này ra đời cách nay 300 - 400 năm, tồn tại ở một số dân tộc miền núi VN, có nguồn gốc từ miền Hoa Nam (Trung Quốc) và tranh Phật giáo của dân tộc Việt.

Nội dung tranh khá phong phú với chân dung các hệ thần (thế giới thần) trong thế giới thần linh trên trời, dưới đất, dưới nước trên giấy dó bồi dùng vào hành lễ Đạo giáo. Các thầy phù thủy miền núi như thầy mo, thầy tào, ông Then, bà Then... sử dụng loại tranh này để “hành nghề”. Có thể xem các thầy phù thủy của dân tộc Tày - Nùng, Cao Lan - Sán Chỉ, Sán Dìu, Dao, Dáy... là những họa sĩ đầu tiên của dòng tranh này. Họ vẽ trong niềm thành kính, ngưỡng vọng sâu sắc thế giới thần linh, bản năng tâm linh và sự trong sạch của tâm hồn con người.

Mỗi khi đi cúng, làm lễ “cấp sắc”, đám cưới, đám ma, đám phạt..., họ đem “các thần” đến nhà gia chủ, giăng xung quanh bàn làm lễ, tượng trưng cho sự chứng kiến của các thần trong nghi lễ. Tranh cùng các vật dụng cúng tế được xem như những món gia bảo truyền nghề của các thầy phù thủy. Một bộ tranh đầy đủ có thể lên tới 150 vị thần, có bộ tranh dài hàng chục mét.

Qua các đợt “bài trừ mê tín dị đoan”, nghề phù thủy cúng lễ bị dẹp. Các bộ tranh cũng bị phân tán, bị đốt bỏ, cho, tặng, bán... cho một số thầy giáo ở miền xuôi lên, các họa sĩ đi thực tế ở miền núi, những người buôn vét đồ cổ... Chúng được lưu giữ trong các bảo tàng và sưu tập cá nhân như những kỷ vật hiếm hoi của mỹ thuật tôn giáo, và được các nhà sưu tập nước ngoài săn lùng.

Nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ (sinh năm 1967) là chủ xưởng đóng khung tranh cho các họa sĩ tại Trường Mỹ thuật Hà Nội ở 42 Yết Kiêu. Ông được dân trong giới mỹ thuật biết đến với cái tên giản dị Sĩ “Mộc”. Từ năm 1999, ông bắt đầu sưu tập đồ gốm cổ, đến năm 2001 chuyển sang sưu tập tranh. Cho đến nay, ông đã có một bộ sưu tập khá đầy đủ gồm gốm Đông Sơn, gốm Hán; tranh cổ động trong thời kỳ chiến tranh; tranh thờ cúng Đạo giáo, Phật giáo của một số dân tộc VN.

Ông cho biết lý do sưu tập bộ tranh thờ cúng: “Các bức tranh này có ý nghĩa tín ngưỡng rất lớn đối với các dân tộc VN. Về mặt mỹ thuật, chúng có màu sắc đẹp, bố cục, không gian tạo hình đặc sắc, màu rất mạnh mẽ nhưng hợp lý, được vẽ bằng các chất liệu khoáng chất, thảo mộc bây giờ không ai dùng, nhưng vẫn còn bền màu. Việc nghiên cứu chúng là những gợi ý có ích cho các họa sĩ đương đại trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Chúng xứng đáng là tài sản của dân tộc, nhưng bị bán ra nước ngoài rất nhiều nên tôi mua với mục đích để giữ lại trong nước. Nếu có một bảo tàng nào trong nước quan tâm tới bộ sưu tập này với thái độ tôn trọng giá trị đúng mực thì tôi sẽ tặng lại”.

Bộ tranh thờ cúng Đạo giáo của Phạm Đức Sĩ sưu tập lên tới gần 350 bức, gồm tranh của dân tộc Kinh (11), tranh Tày - Nùng (65), tranh Cao Lan - Sán Chỉ (60), tranh Sán Dìu (150), tranh Dao (60) đã được tập hợp trong bộ sách do nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh thờ Đạo giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO