Bản tin tổng hợp

Bản tin sáng 23/7: Lào, Nhật Bản gửi điện chia buồn vụ lật tàu tại vịnh Hạ Long; TP.HCM đẩy nhanh kế hoạch cải tạo 31 chung cư cũ trong năm 2025

NH 23/07/2025 06:00

Tin tức nổi bật sáng 23/7: Lào, Nhật Bản gửi điện chia buồn vụ lật tàu tại vịnh Hạ Long; Hơn 5.000 lượt cán bộ được đưa rước đến nơi làm việc ở TP.HCM; TP.HCM đẩy nhanh kế hoạch cải tạo 31 chung cư cũ trong năm 2025; Công bố quyết định về công tác cán bộ của Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo hoàn thành đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức... và một số tin tức đáng chú ý khác.

Lào, Nhật Bản gửi điện chia buồn vụ lật tàu tại vịnh Hạ Long

Ngày 22/7, Thủ tướng Lào Sonesay Siphandone đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Phạm Minh Chính liên quan đến vụ lật tàu du lịch tại vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngày 19/7. Trong điện, Thủ tướng Lào bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc trước thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 gây ra, đặc biệt là vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng. Ông tin tưởng Việt Nam sẽ sớm vượt qua khó khăn, giúp các gia đình bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống.

Tàu Vịnh Xanh đã được bơm hết nước trong khoang ra ngoài và lai dắt về khu vực nhà máy đóng tàu Hạ Long chờ xử lý. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Tàu Vịnh Xanh đã được bơm hết nước trong khoang ra ngoài và lai dắt về khu vực nhà máy đóng tàu Hạ Long chờ xử lý. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoongsavane Phomvihane và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Iwaya Takeshi cũng đã gửi điện chia buồn đến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Trước đó, trưa 19/7, tàu du lịch Vịnh Xanh 58 chở 49 người rời cảng tham quan vịnh Hạ Long thì gặp dông lốc, khiến tàu bị lật úp. Tính đến ngày 22/7, lực lượng cứu hộ đã cứu sống 10 người, tìm thấy thi thể 37 nạn nhân và đang tích cực tìm kiếm 2 người còn mất tích. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định.

Hơn 5.000 lượt cán bộ được đưa rước đến nơi làm việc ở TP.HCM

Từ ngày 1 đến 18/7, TP.HCM đã tổ chức 5.064 lượt xe đưa rước cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đến làm việc tại TP.HCM. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hoạt động đưa rước này đang vận hành hiệu quả, đáp ứng nhu cầu lớn.

Trong tuần đầu tiên, chỉ có 90 lượt di chuyển do các đơn vị chưa ổn định vị trí làm việc. Tuy nhiên, số lượt tăng mạnh lên 1.637 ở tuần thứ hai và đạt 3.337 lượt trong tuần thứ ba. Khảo sát cho thấy 92% người tham gia hài lòng về lộ trình, chất lượng xe và thái độ phục vụ.

Hơn 5.000 lượt cán bộ Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ đi làm ở TPHCM bằng xe đưa rước

Đã có 1.260 người đăng ký sử dụng dịch vụ thông qua ứng dụng Zalo, trong đó có 682 người thuộc tuyến Bình Dương, 578 người tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu. Thành ủy và cơ quan thuế cũng ghi nhận 500 lượt đăng ký.

Thành phố đang phối hợp triển khai phần mềm đăng ký, theo dõi hành trình và cập nhật lịch xe nhằm tối ưu hóa hoạt động đưa rước, đồng thời tiếp tục khảo sát nhu cầu để hoàn thiện kế hoạch vận hành lâu dài.

TP.HCM đẩy nhanh kế hoạch cải tạo 31 chung cư cũ trong năm 2025

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa chỉ đạo Sở Xây dựng TP.HCM chủ trì, phối hợp với UBND các phường khẩn trương xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại 31 chung cư cũ trong năm 2025. Việc này nằm trong đề án đã được thành phố phê duyệt từ tháng 2/2025, hướng đến cải thiện điều kiện an toàn và chất lượng sống cho người dân.

Sở Xây dựng được giao rà soát, ưu tiên sửa chữa các chung cư có dấu hiệu hư hỏng, đồng thời tham mưu quy hoạch 1/500 khu vực cải tạo, trình UBND TP.HCM trước ngày 30/7. Cùng với đó, Sở Tài chính sẽ phối hợp tổ chức kiểm định chất lượng các chung cư cũ trong thời gian sớm nhất.

TP.HCM: Cải tạo chung cư cũ chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư

Theo đề án, TP.HCM hiện có 474 chung cư xây trước năm 1975, trong đó 16 chung cư cấp D bị hư hỏng nghiêm trọng. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cải tạo toàn bộ chung cư trước năm 1975 và nâng cấp chung cư cấp B, C xây dựng từ 1975 - 1994.

Đến năm 2035, TP.HCM sẽ hoàn tất cải tạo tất cả chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững đô thị.

Ông Đỗ Văn Chiến giữ chức Bí thư Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Chiều 22/7 tại Hà Nội, Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định thành lập Đảng bộ cơ quan và các tổ chức Đảng trực thuộc.

Theo Quyết định số 288-QĐ/ĐUMTTQ, CĐTTW, Đảng bộ cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là Đảng bộ cấp trên trực tiếp của các tổ chức cơ sở Đảng thuộc Đảng ủy MTTQ và các đoàn thể Trung ương. Đảng bộ gồm 15 tổ chức Đảng, trong đó có Đảng bộ Văn phòng, Đảng bộ Báo Đại Đoàn Kết, Viện Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ và các chi bộ trực thuộc.

Ông Đỗ Văn Chiến làm Bí thư Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam- Ảnh 1.
Ông Đỗ Văn Chiến giữ chức Bí thư Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh

Hội nghị cũng công bố Quyết định số 295-QĐ/ĐUMTTQ, CĐTTW chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban Chấp hành gồm 25 ủy viên, Ban Thường vụ có 7 người. Ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Bà Hà Thị Nga - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, được chỉ định làm Phó Bí thư Thường trực. Bà Diệp Thị Thu Huyền giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Công bố quyết định về công tác cán bộ của Hội đồng Dân tộc Quốc hội

Ngày 22/7, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức hội nghị công bố các quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác cán bộ.

Theo đó, ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Hội đồng Dân tộc nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Đồng thời, ông Hoàng Duy Chinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc được chỉ định giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Hội đồng Dân tộc cùng nhiệm kỳ.

220720250620-149648a089f200ac59e.png
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh và Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội Phùng Khánh Tài chúc mừng ông Lâm Văn Mẫn và Hoàng Duy Chinh. Ảnh: Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã phê chuẩn ông Hoàng Duy Chinh giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh chúc mừng hai ông và kỳ vọng Hội đồng Dân tộc khóa XV sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đóng góp tích cực vào công tác dân tộc. Ông nhấn mạnh vai trò trọng tâm của Hội đồng trong giám sát và đề xuất chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030.

Ông Hoàng Duy Chinh cam kết nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng tổ chức Đảng ngày càng vững mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo hoàn thành đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức

Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 1575/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Cán bộ, công chức năm 2025.

Theo đó, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải chỉ đạo hoàn thành việc bố trí công chức vào vị trí việc làm và xếp ngạch tương ứng trước ngày luật có hiệu lực. Đối với công chức cấp xã, việc bố trí phải hoàn tất trước ngày 1/7/2027 nếu đủ điều kiện trình độ, năng lực.

Cán bộ công chức cấp xã hưởng 100% phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp này

Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo và trình ban hành các nghị định quan trọng, bao gồm: đánh giá, xếp loại chất lượng công chức (trước 1/1/2026); vị trí việc làm công chức (năm 2026); tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo (trước 31/12/2025).

Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức phải nâng cấp hệ thống dữ liệu, bảo đảm đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức.

Mục tiêu là xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân.

Hơn 7.200 hộ dân tại Quảng Trị bị ảnh hưởng bởi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Ngày 22/7, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp nhằm bàn giải pháp giải phóng mặt bằng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn đi qua địa phương. Tuyến dài hơn 190 km, sử dụng 1.865 ha đất, đi qua 35 xã/phường, ảnh hưởng trực tiếp đến 7.277 hộ dân và hơn 21.000 ngôi mộ.

Tỉnh dự kiến xây dựng 51 khu tái định cư, 28 khu nghĩa trang, hai nhà ga chính tại Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) và Nam Đông Hà (TP. Đông Hà), cùng bốn trạm bảo dưỡng và các hạ tầng liên quan. Tổng kinh phí phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư dự kiến hơn 17.064 tỷ đồng.

Gấp rút khoanh định ranh giới đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua Quảng Trị | Báo điện tử Tiền Phong

Dù phần lớn địa phương đã xác định vị trí tái định cư, việc triển khai còn gặp nhiều vướng mắc như thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch tuyến, cơ chế ứng vốn chưa rõ ràng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Nam yêu cầu các sở, ngành hoàn tất toàn bộ thủ tục trước ngày 30/7, đồng thời siết chặt quản lý đất đai để ngăn chặn đầu cơ và phát sinh chi phí đền bù.

Gia Lai hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/tháng cho cán bộ chuyển công tác sau sáp nhập

Ngày 22/7, HĐND tỉnh Gia Lai đã thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị ảnh hưởng do sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo đó, mỗi người chuyển công tác từ trung tâm hành chính cũ (TP. Pleiku) đến trung tâm hành chính mới (TP. Quy Nhơn) hoặc ngược lại sẽ được hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/tháng, gồm 2 triệu đồng cho chi phí đi lại và 4 triệu đồng cho các điều kiện làm việc, thuê nhà, vận chuyển sinh hoạt phẩm…

Gia Lai hỗ trợ 6 triệu đồng/tháng cho cán bộ chuyển công tác về trụ sở mới- Ảnh 1.
HĐND tỉnh Gia Lai đã thông qua nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị ảnh hưởng do việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh

Chính sách này áp dụng trong vòng 2 năm, từ 1/7/2025 đến 30/6/2027, nhằm giúp cán bộ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác và đảm bảo hoạt động bộ máy hành chính sau sáp nhập.

Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành mức hỗ trợ đi lại theo khoảng cách địa lý đối với cán bộ làm việc tại các xã mới sau sáp nhập: 500.000 đồng/tháng (15 đến dưới 20 km), 700.000 đồng (20 đến dưới 30 km), 1 triệu đồng (30 km trở lên). Riêng cán bộ công tác tại xã đảo Nhơn Châu được hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng.

Chính sách thể hiện cam kết của tỉnh trong việc chăm lo đời sống cán bộ và duy trì hiệu quả hoạt động hành chính sau sắp xếp.

Quảng Trị kiến nghị đặc cách tuyển dụng 12 trí thức trẻ Đề án 500

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ, đề xuất đặc cách tiếp nhận 12 đội viên Đề án 500 vào công chức cấp xã, không phụ thuộc vào chỉ tiêu biên chế hiện tại.

Đây là những trí thức trẻ tình nguyện được tuyển chọn từ năm 2013 theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều năm công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sau sáp nhập địa giới hành chính giữa Quảng Trị và Quảng Bình, tỉnh mới hiện có 3.607 công chức cấp xã, vượt 536 người so với định biên được giao. Do đó, việc tiếp nhận các đội viên này bị vướng quy định về biên chế trong Nghị định 170/2025/NĐ-CP, dù họ đủ điều kiện theo quy định.

Lãnh đạo tỉnh cho rằng, nếu không có cơ chế linh hoạt sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực chất lượng, ảnh hưởng quyền lợi người lao động. Quảng Trị cam kết thực hiện lộ trình tinh giản biên chế trong 5 năm để đảm bảo đúng quy định nếu được chấp thuận đặc cách tiếp nhận 12 trí thức trẻ này vào công chức cấp xã.

Khánh Hòa cam kết cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, hiệu quả

Ngày 22/7, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp báo công bố kế hoạch hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2025, dự kiến diễn ra ngày 25/7 tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh với khoảng 350 đại biểu tham dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam cho biết, đây là hội nghị đối thoại đầu tiên sau sáp nhập Khánh Hòa - Ninh Thuận, mang tính thực chất, không chỉ là hoạt động giao lưu mà còn thể hiện quyết tâm xây dựng hệ sinh thái đầu tư minh bạch, hiệu quả và bền vững.

Tại hội nghị, tỉnh sẽ chia sẻ định hướng phát triển đến năm 2030, mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời trực tiếp đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng sẽ công khai các kiến nghị và tiến độ xử lý sau hội nghị để bảo đảm minh bạch.

Khánh Hòa: Tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi

Hội nghị gồm ba nội dung chính: gặp gỡ nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực ưu tiên; đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp; và hội nghị chuyên đề về phát triển đô thị trong kỷ nguyên mới.

Khánh Hòa cam kết tiếp tục đồng hành, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư một cách thực chất.

NH