Bản tin sáng 21/7: Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng “cò làm giấy tờ”; Nông sản Việt gặp khó khi xuất khẩu sang EU
Tin tức nổi bật sáng 21/7: Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng “cò làm giấy tờ”, thúc đẩy cải cách hành chính; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo khẩn trương ứng phó với bão số 3; Nông sản Việt gặp khó khi xuất khẩu sang EU do thiếu chứng thư; Đồng Nai thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu kinh tế; Quảng Ninh tạm dừng cấp phép rời cảng đối với tàu khách do bão Wipha... và một số tin tức đáng chú ý khác.
Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng “cò làm giấy tờ”, thúc đẩy cải cách hành chính
Tại phiên họp ngày 20/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là chấm dứt tình trạng “cò làm giấy tờ” tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công. Ông nhấn mạnh, khi hành chính còn rườm rà thì người dân và doanh nghiệp còn gặp khó khăn.

6 tháng đầu năm 2025, đã có 872 TTHC và 118 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, 2,1 tỷ hóa đơn điện tử được phát hành, thu thuế từ thương mại điện tử đạt 98.000 tỉ đồng, tăng 58%. Tuy nhiên, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công toàn trình mới đạt 39,51%, thấp so với mục tiêu 80%.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, thiết lập hệ thống KPI và bố trí đầy đủ nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số.
Đồng thời, giao Bộ Nội vụ xây dựng quy trình tuyển dụng tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng, hoàn thành trong tháng 7/2025. Chính sách thu hút 100 chuyên gia công nghệ về nước sẽ hoàn tất trong tháng 8/2025.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo khẩn trương ứng phó với bão số 3
Ngày 20/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp về ứng phó bão số 3 (Wipha), dự báo đổ bộ vào Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 21/7 với sức gió cấp 10 - 11, giật cấp 14. Các khu vực ven biển Quảng Ninh đến Thanh Hóa có thể bị ảnh hưởng trực tiếp với gió mạnh, sóng lớn và mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa có nơi vượt 600mm.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn đánh giá chính xác quy mô, cường độ và phạm vi ảnh hưởng của bão, cập nhật phương án ứng phó phù hợp. Đặc biệt nhấn mạnh việc dự báo cần khoa học, dễ hiểu, giúp người dân hình dung rõ nguy cơ để chủ động phòng tránh.
Các địa phương ven biển cần hoàn tất công tác phòng chống bão, cấm biển từ trưa 21/7, nhất là tại khu vực nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt tại các vùng nguy cơ cao như đảo, vùng núi, vùng sâu, không để gián đoạn thông tin chỉ đạo ứng phó thiên tai.
TP.HCM ngừng mô hình cho thuê vỉa hè có trả phí, chuẩn bị đề án quản lý mới
Từ ngày 1/1/2025, theo Luật Đường bộ và Nghị định 165/2024/NĐ-CP, các địa phương không còn quyền cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh. Trước thay đổi này, TP.HCM đã giao Sở Xây dựng TP.HCM xây dựng đề án mới về quản lý và khai thác lòng đường, vỉa hè phù hợp với luật hiện hành và thực tiễn sau khi mở rộng địa giới hành chính.
Thành phố dự kiến bãi bỏ Quyết định 32/2023 và điều chỉnh Nghị quyết 15/2023 của HĐND TP.HCM liên quan đến thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Đồng thời, một đề án tổng thể sẽ được xây dựng theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, với sự phối hợp giữa Sở Xây dựng và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Đề án mới sẽ khảo sát cả các địa phương vừa sáp nhập như Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương cũ, hướng tới một chính sách thống nhất trên toàn TP.HCM. Trong thời gian chờ triển khai, thành phố vẫn cho phép sử dụng tạm vỉa hè cho mục đích phi thương mại như giữ xe, thu gom rác và vật liệu xây dựng theo đúng quy định mới.
Hơn 75.800 người nghỉ hưu và thôi việc theo Nghị định 178
Tính đến ngày 17/7, cả nước đã có 83.399 người được phê duyệt nghỉ việc theo Nghị định 178, trong đó 75.871 người đã chính thức nghỉ hưu hoặc thôi việc. Thông tin được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long báo cáo tại phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Chính phủ về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 ngày 20/7.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 2.758 văn bản chỉ đạo cải cách hành chính, góp phần vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp bắt đầu từ ngày 1/7/2025.
Chính phủ đã cắt giảm 872 thủ tục hành chính và 90 điều kiện kinh doanh; 60% thủ tục đủ điều kiện đã được tích hợp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đồng thời, công tác tổ chức bộ máy hành chính được sắp xếp tinh gọn, phù hợp mô hình mới.
Trong 6 tháng cuối năm, các bộ ngành, địa phương được yêu cầu tiếp tục giải quyết vướng mắc pháp lý, hoàn thiện cơ cấu vận hành chính quyền hai cấp, nâng cao chất lượng cán bộ cấp xã, đảm bảo hoạt động hành chính thông suốt, hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.
Đồng Nai thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu kinh tế
UBND tỉnh Đồng Nai vừa công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu kinh tế tỉnh Đồng Nai. Ban này được hình thành trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị: Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước (cũ).
Nhằm kiện toàn tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã ký quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cho đơn vị mới.
Ông Phạm Việt Phương - Nguyên Trưởng ban Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng ban và phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu kinh tế tỉnh Đồng Nai.
Đồng thời, sáu cán bộ khác cũng được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng ban, bao gồm: ông Nguyễn Minh Chiến, ông Nguyễn Huy Hoàng, ông Hoàng Hữu Vũ, ông Nguyễn Trọng Tiến, ông Nguyễn Quốc Ấn và ông Đỗ Thành Phước.
Thời hạn bổ nhiệm cho các vị trí lãnh đạo trên là 5 năm, nhằm đảm bảo ổn định bộ máy quản lý và điều hành trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh.
Quảng Ninh tạm dừng cấp phép rời cảng đối với tàu khách do bão Wipha
Trước diễn biến phức tạp của bão Wipha, ngày 20/7, Cảng vụ Đường thủy và Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công văn khẩn về việc tạm dừng cấp phép rời cảng, bến đối với các phương tiện vận chuyển khách trên địa bàn.
Theo đó, kể từ ngày 20/7, toàn bộ tàu khách du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long và các tuyến vận chuyển hành khách ra đảo, giữa các đảo sẽ tạm ngừng rời cảng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, thuyền viên và phương tiện. Riêng các tàu từ đảo về đất liền để trả khách vẫn được phép hoạt động.

Các đơn vị liên quan được yêu cầu theo dõi sát các bản tin dự báo khí tượng thủy văn chính thức, thông báo kịp thời đến chủ tàu, thuyền trưởng và các bên liên quan, chủ động phương án phòng tránh, không chủ quan trước diễn biến của bão.
Lực lượng chức năng sẽ tiếp tục cập nhật tình hình bão Wipha và hướng dẫn các biện pháp ứng phó phù hợp với thực tế.
Gia Lai yêu cầu không bán trụ sở dôi dư sau sắp xếp hành chính
Ngày 20/7, UBND tỉnh Gia Lai ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND cấp xã, phường nghiêm túc quản lý, sử dụng hiệu quả trụ sở làm việc dôi dư sau sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Văn bản do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh ký, nhấn mạnh: tuyệt đối không được bán trụ sở, cơ sở sự nghiệp công lập dôi dư, nhằm ngăn ngừa thất thoát, lãng phí tài sản công.

Việc xử lý tài sản phải tuân thủ nghiêm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Các trụ sở chưa sử dụng phải được bảo vệ, quản lý chặt chẽ, tránh xuống cấp. Sở Tài chính sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch xử lý tổng thể, hiệu quả, tránh tình trạng "bỏ hoang".
Các đơn vị thiếu cơ sở vật chất sau điều chuyển có thể mua sắm, sửa chữa theo đúng tiêu chuẩn. Tỉnh ưu tiên bố trí trụ sở cho Trung tâm phục vụ hành chính công nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Về phương tiện ô tô, sẽ điều chuyển hoặc mua sắm bổ sung để đảm bảo phục vụ nhiệm vụ tại các đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, tặng quà gia đình thương binh tại An Giang
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), chiều 20/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác Bộ Quốc phòng đến thăm, tặng quà nhiều gia đình người có công tại tỉnh An Giang.
Tại TP. Châu Đốc, Thủ tướng đã thăm và trao quà cho ông Huỳnh Văn Anh (bệnh binh 81%), cụ Phạm Phong Hải (thương binh 69%) và cụ Phạm Thanh Quang (thương binh 21%). Các cá nhân đều là cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia.

Cùng ngày, đoàn cũng đến thăm gia đình cụ Nguyễn Thị Có (85 tuổi, xã Bình Mỹ), người có công được hỗ trợ xây dựng nhà từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ.
Tại các điểm đến, Thủ tướng gửi lời tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến các thương bệnh binh và gia đình có công, khẳng định nỗ lực của chính quyền trong phục vụ nhân dân thông qua mô hình chính quyền hai cấp ứng dụng công nghệ số, đồng thời cam kết tiếp thu các ý kiến đóng góp của lão thành cách mạng. Mỗi gia đình được trao tặng ba phần quà nhân dịp này.
Nông sản Việt gặp khó khi xuất khẩu sang EU do thiếu chứng thư
Từ đầu tháng 7/2025, nhiều lô hàng nông sản Việt Nam như thanh long, ớt, đậu bắp xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) bị ùn ứ tại cảng do thiếu giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy chuẩn mới của EU.
Theo quy định có hiệu lực từ ngày 1/7, EU yêu cầu giấy chứng nhận phải được cấp bởi cơ quan nhà nước Việt Nam, thay vì doanh nghiệp tự chứng nhận hoặc thông qua bên thứ ba như trước đây. Việc chưa kịp triển khai đồng bộ theo yêu cầu mới khiến hàng loạt lô hàng phải lưu kho, phát sinh chi phí bảo quản và đối mặt nguy cơ hư hỏng hoặc mất hợp đồng do chậm giao hàng.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, nguyên nhân chính đến từ quá trình phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Trước tình hình này, Cục đề nghị các địa phương nhanh chóng tổ chức lực lượng chuyên môn kiểm tra, xác nhận và cấp chứng thư theo đúng quy định, nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu nông sản sang EU được khôi phục ổn định và kịp thời.
Mỹ tăng thêm 250 USD phí visa, ngành du lịch toàn cầu phản đối mạnh mẽ
Từ tháng 10/2025, Chính phủ Mỹ sẽ áp dụng khoản phí mới trị giá 250 USD đối với hầu hết loại thị thực tạm thời như du lịch, công tác, du học và lao động. Khoản phí này mang tên “Visa Integrity Fee” và sẽ được cộng thêm vào lệ phí xin visa hiện hành.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết biện pháp này nằm trong đạo luật “Lớn và Đẹp” được ký ngày 4/7, nhằm tăng nguồn thu từ người nhập cảnh hợp pháp để hỗ trợ chi phí kiểm soát nhập cư trái phép và củng cố an ninh biên giới.
Tuy nhiên, quyết định này vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ ngành du lịch và cộng đồng quốc tế. Nhiều chuyên gia xem đây như một “thuế nhập khẩu đối với con người” và cảnh báo điều này có thể khiến du khách e ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến lượng khách đến Mỹ, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu còn đang phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Đáng chú ý, công dân 42 quốc gia thuộc chương trình miễn visa, chủ yếu từ châu Âu, Nhật Bản và Úc, sẽ không bị áp dụng khoản phí mới, khiến nhiều nước châu Á đặt câu hỏi về tính công bằng. Việc hoàn phí có điều kiện vẫn đang trong quá trình xem xét và chưa có hướng dẫn cụ thể.