Bổ sung quyền lợi cho cán bộ trong diện tinh giản biên chế theo chính sách mới
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 154/2025/NĐ-CP về tinh giản biên chế, trong đó quy định cụ thể các điều khoản chuyển tiếp nhằm bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản.
Theo đó, những trường hợp đã và đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết chế độ tinh giản theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, nhưng đến thời điểm Nghị định 154/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành vẫn chưa nhận được chế độ, sẽ được tính toán lại và cấp bổ sung phần chênh lệch.
Việc điều chỉnh này bảo đảm tính thống nhất trong thực thi chính sách, đồng thời thể hiện tinh thần nhân văn và trách nhiệm của Nhà nước đối với người lao động trong khu vực công.
Nghị định mới cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện công tác tinh giản biên chế theo quy định hiện hành.

Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc triển khai thực hiện tinh giản biên chế trên địa bàn, bao gồm việc hướng dẫn người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế hằng năm.
Việc lập danh sách đối tượng thuộc diện tinh giản và dự toán kinh phí thực hiện chính sách cần được thực hiện kịp thời, chính xác, đúng quy định, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực ngân sách địa phương.
Sở Nội vụ được giao nhiệm vụ thẩm định danh sách các đối tượng tinh giản biên chế của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trong khi đó, Sở Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế, trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí từ dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm. Nguồn kinh phí này dùng để chi trả đầy đủ, đúng đối tượng, đúng chế độ cho các trường hợp tinh giản theo quy định của Nghị định mới.
Ngoài ra, Nghị định cũng yêu cầu UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực hiện chính sách tinh giản biên chế hàng năm, bao gồm số lượng đối tượng đã được tinh giản và mức trợ cấp theo quy định tại khoản 3 Điều 12, để xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế cho năm sau.
Việc này nhằm chủ động bố trí nguồn kinh phí và đưa vào tổng hợp chung trong dự toán thực hiện cải cách tiền lương của địa phương theo kế hoạch ngân sách năm tiếp theo.
Định kỳ trước ngày 15/ 2 hằng năm, UBND cấp tỉnh phải tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của năm trước đó và gửi báo cáo về Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Với vai trò là người đứng đầu chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trực tiếp phê duyệt danh sách đối tượng tinh giản biên chế và kinh phí thực hiện chính sách cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp và phù hợp của các quyết định phê duyệt này.
Trong trường hợp phát hiện việc thực hiện tinh giản biên chế không đúng quy định, địa phương phải tiến hành thu hồi toàn bộ kinh phí đã chi trả sai, hủy bỏ các quyết định tinh giản không hợp lệ và bố trí trở lại vị trí làm việc cho những người không thuộc diện tinh giản. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định hiện hành.
Việc ban hành Nghị định số 154/2025/NĐ-CP không chỉ là sự điều chỉnh cần thiết nhằm bảo đảm tính liên tục và công bằng trong thực hiện chính sách tinh giản biên chế, mà còn thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy và hệ thống quản trị công.