Chính phủ yêu cầu cắt giảm 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025
Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ và các điều kiện kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành ngày 18/5, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến cấp phép và phá sản doanh nghiệp.
Một trong những trọng tâm là rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, cũng như khắc phục các quy định chồng chéo, gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong xử lý thủ tục hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực như đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế và hải quan... nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Từ năm 2025 - 2026, thủ tục cấp phép và chứng nhận sẽ được chuyển dần sang hình thức hậu kiểm, ngoại trừ các lĩnh vực bắt buộc phải tuân theo quy định quốc tế. Đồng thời, dịch vụ công sẽ được cung cấp cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh mà không bị giới hạn bởi địa giới hành chính.

Để khắc phục tình trạng kiểm tra trùng lặp, Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý tiến hành rà soát, phân loại hoạt động thanh kiểm tra tại doanh nghiệp.
Việc kiểm tra sẽ được giới hạn tối đa một lần mỗi năm đối với từng doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Các hành vi lạm dụng kiểm tra gây nhũng nhiễu sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Chính phủ cũng khuyến khích áp dụng hình thức kiểm tra trực tuyến, từ xa để giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ cụ thể được giao cho từng bộ, ngành như sau:
Bộ Công an: Hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dữ liệu trong năm 2025, nhằm thúc đẩy chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, thanh tra số hóa.
Bộ Tài chính: Rà soát, đề xuất điều chỉnh danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, tiến tới loại bỏ những ngành nghề không còn phù hợp, với hạn chót là 31/12/2026. Đồng thời, hoàn thiện chính sách hỗ trợ tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2025 - 2026.
Cơ quan quản lý ngành tài chính: Sửa đổi Nghị định 35/2022/NĐ-CP để quy định rõ việc giao các địa phương dành tối thiểu 20 ha hoặc 5% quỹ đất tại các khu công nghiệp cho doanh nghiệp thuê. Các hướng dẫn về ưu đãi thuê đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp... cần được hoàn tất trong năm nay.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn liên quan, kiểm soát biến động giá đất ngoài nông nghiệp và dành quỹ đất phát triển hạ tầng cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ phục vụ doanh nghiệp nhỏ, vừa và doanh nghiệp công nghệ cao và hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và kết nối liên thông với các trung tâm dữ liệu có liên quan trong năm 2025.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính: Được giao nghiên cứu, trình Chính phủ chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Mục tiêu nhằm hỗ trợ các dự án phát triển bền vững, áp dụng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và khung quản trị ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).