Bản tin chiều 14/4: Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm tại TP.HCM “cán đích” dịp 30/4
Tin tức đáng chú ý chiều 14/4: Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm tại TP.HCM “cán đích” dịp 30/4; TP.HCM tạm dừng tuyển viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính; Chính phủ giữ mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8%; Đề xuất tăng tỷ lệ mua tín chỉ carbon lên 30% cho doanh nghiệp; Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động từ 1/7/2025.
Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm tại TP.HCM “cán đích” dịp 30/4
Những ngày giữa tháng 4, tại đại công trường nút giao An Phú (TP. Thủ Đức), hàng trăm công nhân, kỹ sư đang gấp rút thi công xuyên ngày đêm. Hầm chui HC1, một trong ba hạng mục hầm của dự án sẽ được thông xe kỹ thuật vào ngày 26/4, góp phần giải tỏa điểm nghẽn giao thông tại cửa ngõ phía Đông TP.HCM.

Hầm HC1 dài gần 455m, dành cho 2 làn ô tô lưu thông một chiều từ đường Mai Chí Thọ ra cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đây là hầm đầu tiên hoàn thành trong tổng thể dự án hơn 3.400 tỷ đồng, có thiết kế ba tầng giao thông gồm hầm chui, mặt đất và cầu vượt.
Song song với An Phú, hàng loạt công trình khác cũng đang về đích đúng dịp lễ lớn: ngày 26/4 thông xe đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, ngày 27/4 thông xe kỹ thuật cầu nhánh A nút giao HLD (thuộc Vành đai 3), và đến 30/4, toàn bộ dự án nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (Gò Vấp) sẽ hoàn tất.
TP.HCM cũng sẽ động thổ gói thầu rà phá bom mìn thuộc hai dự án lớn: đường Vành đai 2 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, tạo đà phát triển hạ tầng đô thị bền vững.
TP.HCM tạm dừng tuyển viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính
UBND TP.HCM vừa ban hành chỉ đạo quan trọng liên quan đến công tác tổ chức, tinh gọn bộ máy và sử dụng nguồn nhân lực trong hệ thống hành chính. Theo đó, thành phố yêu cầu tạm dừng tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính hoặc chỉ tự chủ một phần, cũng như các đơn vị đang trong quá trình sắp xếp tổ chức lại bộ máy.
Chỉ đạo này nhằm thực hiện nghiêm kết luận 128-KL/TW về tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ. Thành phố yêu cầu không bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức khi chưa hoàn tất việc rà soát và bố trí lại nhân sự. Ưu tiên bố trí người có năng lực, đạo đức và thành tích tốt; đồng thời đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu công tác.

TP.HCM cũng tạm dừng tiếp nhận công chức, chỉ xem xét trường hợp đặc biệt có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Việc nâng ngạch, thăng hạng, ký hợp đồng lao động chỉ được thực hiện tại các đơn vị đã hoàn tất sắp xếp tổ chức và phê duyệt đề án vị trí việc làm.
Mục tiêu đặt ra là giảm tối thiểu 20% số lượng cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách trong 5 năm và giảm ít nhất 15% đầu mối tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị. Các sở, ngành, địa phương được yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch nhân sự phù hợp, đảm bảo không xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ trong quá trình tinh gọn bộ máy.
Chính phủ giữ mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8%
Dù kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với chiến tranh thương mại, xung đột địa chính trị và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên. Nghị quyết 77 vừa ban hành nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tận dụng cơ hội, tháo gỡ khó khăn để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Chính phủ yêu cầu 37 địa phương không đạt tăng trưởng GRDP quý I phối hợp Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng các quý tiếp theo. Đồng thời, các cơ quan cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với biến động quốc tế, nhất là chính sách thuế của Mỹ.
Ngân hàng Nhà nước được giao điều hành tỷ giá linh hoạt, thúc đẩy tín dụng vào sản xuất, nghiên cứu gói vay ưu đãi cho người trẻ mua nhà. Bộ Tài chính đề xuất kéo dài chính sách giảm VAT đến hết 2026. Chính phủ cũng chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đảm bảo điện, kích cầu vật liệu xây dựng và du lịch nội địa, cùng với cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2025 - 2026.
Đề xuất tăng tỷ lệ mua tín chỉ carbon lên 30% cho doanh nghiệp
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa đề xuất điều chỉnh tăng giới hạn mua tín chỉ carbon từ 10% lên 30% tổng lượng phát thải cần bù trừ của doanh nghiệp. Đây là một bước đi đáng chú ý trong lộ trình xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công cụ tài chính xanh và góp phần hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Việc cho phép mua tỷ lệ lớn hơn tín chỉ carbon sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất khó có thể cắt giảm khí thải ngay trong ngắn hạn. Tín chỉ carbon được hiểu là giấy phép trao đổi được, đại diện cho một tấn khí CO₂ (hoặc tương đương) đã được loại bỏ hoặc giảm phát thải khỏi khí quyển.
Khi sàn giao dịch carbon Việt Nam chính thức đi vào hoạt động, hai loại hàng hóa chính sẽ bao gồm hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon. Đây sẽ là công cụ quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi xanh, gia tăng tính minh bạch trong quản lý môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động từ 1/7/2025
Theo Nghị quyết 60 ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trên toàn quốc từ ngày 1/7. Từ thời điểm này, hệ thống chính quyền địa phương sẽ chuyển sang mô hình hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã. Việc thay đổi này đồng thời dẫn đến kết thúc tổ chức đảng bộ cấp huyện và tinh gọn tổ chức đảng tương ứng theo đơn vị hành chính mới.
Sau sắp xếp, cả nước sẽ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương; cấp xã cũng sẽ giảm từ 60 - 70% tổng số hiện tại. Tổ chức bộ máy tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và cấp cao cũng bị giải thể, thống nhất lại thành 3 cấp: trung ương, tỉnh và khu vực.
Trung ương yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, bảo đảm không gián đoạn phục vụ người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở.