Xu hướng

Loay hoay chuyện vay thế chấp bằng tài sản trí tuệ

Hưng Khánh 16/12/2024 - 14:07

Tại Việt Nam, việc thế chấp tài sản trí tuệ để vay vốn là nhu cầu ngày càng bức thiết, nhưng hành trình này vẫn đầy thử thách…

Theo báo cáo của Virtue Market Research, năm 2023, thị trường dịch vụ sở hữu trí tuệ (IP) toàn cầu được định giá 2,85 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 6,38 tỷ USD vào cuối năm 2030. Trong giai đoạn 2024-2030, thị trường dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hằng năm (CAGR) khoảng 12,48%.

Khó khăn chồng chất từ nhiều phía

Theo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp, tại Việt Nam, dù đã có cơ chế pháp lý cho phép dùng quyền tài sản phát sinh từ quyềntài sản trí tuệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm, việc ứng dụng trên thực tế vẫn còn rất hạn chế. Hiện có nhiều điểm nghẽn khiến nhu cầu từ doanh nghiệp (DN) rất lớn nhưng số lượng đăng ký biện pháp bảo đảm tài sản trí tuệ tại các trung tâm giao dịch còn thấp.

Có kinh nghiệm nhiều năm đồng hành tư vấn chiến lược cho nhiều DN, đặc biệt là DN trong lĩnh vực công nghệ, TS. Nguyễn Hữu Thi nhận định rằng, điểm nghẽn này xuất phát từ nhiều phía. Đối với DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhận thức về giá trị tài sản trí tuệ còn hạn chế. Phần lớn DN chưa xây dựng chiến lược bài bản để bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ từ giai đoạn đầu, như đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu hay bí quyết công nghệ. Ngay cả DN hiểu rõ giá trị của loại tài sản này cũng gặp khó khăn trong việc định giá và chuẩn bị hồ sơ minh bạch để thuyết phục các tổ chức tín dụng. Việc thuê bên thứ ba định giá hay tư vấn thường tốn kém, trong khi thị trường thiếu các đơn vị định giá uy tín.

“Đặc biệt, tài sản trí tuệ thường không gắn chặt với mô hình kinh doanh của DN, khiến tài sản như thương hiệu, sáng chế chưa được khai thác hiệu quả để tạo dòng tiền hoặc đưa vào báo cáo tài chính” - TS. Thi nhận định.

Từ phía các tổ chức tín dụng, mới đây, trong một buổi hội thảo về chủ đề này tổ chức bởi Bộ Tư pháp, vị đại diện bộ phận pháp chế thuộc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chia sẻ: “So với các loại tài sản thông thường, tài sản trí tuệ vẫn là một lĩnh vực nhiều rủi ro, khiến các tổ chức tín dụng thực sự e dè khi áp dụng”.

Nguyên nhân đầu tiên mà vị này chỉ ra là việc định giá tài sản trí tuệ cũng là bài toán phức tạp, chưa có lời giải thỏa đáng với các tổ chức tín dụng. Với đặc tính “vô hình” như thương hiệu, chế, hay bản quyền, việc định giá thường không phản ánh chính xác giá trị thực tế. Nếu giá trị tài sản được định quá cao, bên nhận thế chấp sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ, trong khi định giá quá thấp lại khiến bên thế chấp chịu thiệt thòi, làm giảm động lực hợp tác.

Bên cạnh đó, ngay cả khi đã sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản đảm bảo, với giá trị thường xuyên biến động và tính chất đặc thù, việc khai thác tài sản này để thu hồi vốn thường kéo dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro với các ngân hàng.

Không chỉ vậy, hệ thống pháp luật hiện hành về thế chấp tài sản trí tuệ vẫn còn nhiều lỗ hổng. Quy định pháp lý chưa đầy đủ và chưa phù hợp với đặc thù của loại tài sản này khiến cả bên vay lẫn bên cho vay lúng túng khi tham gia giao dịch. Khi xảy ra tranh chấp hoặc hậu quả pháp lý, sự thiếu vắng quy định cụ thể sẽ gia tăng rủi ro cho các bên liên quan.

Đồng quan điểm, TS. Ngô Đắc Thuần - Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn công nghệ và Sở hữu trí tuệ IP Group, cho rằng, các bộ luật và quy định tín dụng hiện hành đều chưa đồng bộ, khung pháp lý về thế chấp tài sản trí tuệ chưa rõ ràng gây khó khăn trong thực tiễn triển khai. Cơ chế định giá, quản lý và sử dụng tài sản trí tuệ trong tín dụng còn thiếu chi tiết, trong khi hệ sinh thái hỗ trợ loại tài sản này như các trung tâm định giá, sàn giao dịch hoặc sản phẩm bảo hiểm tài sản trí tuệ chưa được chú trọng phát triển.

1.jpg
Dùng tài sản trí tuệ làm đảm bảo vẫn là bài toán chưa có lời giải với cả hai bên, doanh nghiệp và ngân hàng

Gỡ khó, cần chung tay

Theo các chuyên gia, đây là khó khăn từ nhiều phía, nên để gỡ khó, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, bao gồm Nhà nước, DN và các tổ chức tín dụng.

Theo TS. Thi, với DN, việc nâng cao nhận thức và năng lực quản lý tài sản trí tuệ là ưu tiên hàng đầu. DN cần tham gia các khóa đào tạo về sở hữu trí tuệ, định giá và khai thác tài sản trí tuệ một cách bài bản, đồng thời minh bạch hóa hồ sơ pháp lý và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đầy đủ. DN cũng cần hợp tác với các chuyên gia và tổ chức định giá để xây dựng hồ sơ tài sản trí tuệ chuyên nghiệp, chứng minh năng lực khai thác tài sản trí tuệ nhằm tạo dòng tiền ổn định.

Về phía tổ chức tín dụng, cần phát triển đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm về tài sản trí tuệ, thiết lập công cụ và quy trình chuẩn để định giá và quản lý rủi ro. Các ngân hàng nên hợp tác với trung tâm định giá, sàn giao dịch tài sản trí tuệ hoặc các tổ chức bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro.

“Việc các ngân hàng trong nước tiên phong thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng chuyên biệt về tài sản trí tuệ cũng là giải pháp đáng cân nhắc…” - TS. Nguyễn Hữu Thi nhấn mạnh.

Với vai trò dẫn dắt, TS. Ngô Đắc Thuần đề xuất Nhà nước nên bắt đầu bằng việc cải thiện khung pháp lý về tài sản trí tuệ, sửa đổi các quy định liên quan để đồng bộ hóa quy trình thế chấp tài sản trí tuệ. Khuyến khích các chính sách ưu đãi về thuế hoặc tài chính dành riêng cho DN và tổ chức tín dụng tham gia vào lĩnh vực này

“Bên cạnh đó, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia, bao gồm sàn giao dịch tài sản trí tuệ và cơ chế bảo hiểm rủi ro, sẽ giúp thúc đẩy vay vốn bằng tài sản trí tuệ” - TS. Thuần nói.

Hưng Khánh