Sản xuất Tết 2025 giữa thách thức kinh tế cuối năm
Mùa Tết đang đến gần, nhưng doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với không ít khó khăn khi chi phí sản xuất tăng cao, lạm phát kéo dài và sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng, triển khai các chiến lược để duy trì ổn định sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Liệu các DN có thể vượt qua thách thức và đảm bảo một mùa Tết thành công?
Cạnh tranh gây gắt
Năm 2025 dự báo sẽ là năm đầy thách thức đối với các DN sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng, đặc biệt khi giá nguyên liệu đầu vào vẫn không ngừng tăng và sức mua của người tiêu dùng còn yếu. Chi phí sản xuất tăng chủ yếu đến từ các yếu tố như giá nhiên liệu, vật liệu thô và chi phí vận chuyển, vốn đã tăng mạnh sau giai đoạn đại dịch và tiếp tục leo thang do tình trạng lạm phát.
Các DN không chỉ phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao mà còn phải cân nhắc điều chỉnh giá bán để không làm giảm sút nhu cầu tiêu thụ.
Thêm vào đó, sự cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sẵn từ các quốc gia có chi phí sản xuất thấp, đang tạo ra một sức ép lớn lên các DN nội địa. Các sản phẩm này không chỉ cạnh tranh về giá mà còn về chất lượng và mẫu mã, khiến các DN như Vissan, Kido, hay MM Mega Market phải liên tục đổi mới chiến lược sản phẩm và marketing để duy trì thị phần.
Sự gia tăng chi phí vận chuyển quốc tế cũng ảnh hưởng lớn đến giá thành của sản phẩm nhập khẩu, buộc các DN phải tìm cách tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu chi phí để giữ giá cạnh tranh. Điều này càng quan trọng khi nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn, khiến DN phải tập trung vào việc duy trì sự ổn định trong sản phẩm và giá cả.
Ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, đây là "năm rất khó khăn" với DN khi chi phí nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, trong khi sức mua của người tiêu dùng chưa phục hồi. "Chúng tôi đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ chi phí tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn. Điều này khiến chúng tôi phải điều chỉnh lại chiến lược giá cả và duy trì chất lượng sản phẩm", ông Dũng nói.
Kinh doanh trong lĩnh vực phân phối nên lãnh đạo MM Mega Market cũng cảm nhận rõ rệt sự khó khăn khi nhu cầu mua sắm chưa phục hồi đúng như kỳ vọng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu trước dịp Tết.
Ứng phó linh hoạt với biến động
Ngay từ giữa năm, các DN đã bắt đầu chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu Tết 2025. Với tình hình giá nguyên liệu tăng cao, Vissan đã lên kế hoạch dự trữ nguyên liệu để đảm bảo cung ứng đầy đủ sản phẩm cho mùa Tết, đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi giảm giá từ 10 - 30% nhằm kích cầu tiêu dùng. “Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác phân phối và nhà bán lẻ để đảm bảo nguồn cung ổn định và đưa ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong dịp Tết này”, ông Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, Tập đoàn Kido đã lên kế hoạch cho mùa Tết từ rất sớm, không chỉ để đảm bảo nguồn cung mà còn phát triển các chiến lược bán hàng theo xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Ông Bùi Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho biết, công ty tập trung vào việc tận dụng hệ thống phân phối rộng khắp. Với mạng lưới 450.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc, công ty đang nỗ lực đưa các combo quà Tết đến tay người tiêu dùng sớm, bắt đầu từ giữa tháng 11/2024. Ngoài việc đẩy mạnh kênh bán lẻ truyền thống, Tường An, một đơn vị trực thuộc Kido, còn mở rộng bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada và đặc biệt là TikTok Shop.
“Với các kênh bán hàng trực tuyến và livestream, chúng tôi muốn tăng cường tiếp cận với người tiêu dùng không chỉ tại các điểm bán truyền thống mà còn trên các nền tảng mới, để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm Tết của chúng tôi”, ông Tùng cho biết.
Ở lĩnh vực phân phối, MM Mega Market cũng không ngừng nỗ lực để duy trì vị thế trong thị trường đầy cạnh tranh này. Công ty tập trung vào việc tối ưu hóa các chiến lược khuyến mãi, đặc biệt là vào dịp cận Tết, với các gói quà Tết và chương trình giảm giá hấp dẫn. Công ty cũng đang chủ động hợp tác với các đối tác bán lẻ để bảo đảm cung ứng hàng hóa, đồng thời giảm giá mạnh cho một số mặt hàng chủ lực.
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng cho mùa Tết và sẽ triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá tại các điểm bán lẻ và trên các nền tảng thương mại điện tử. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm duy trì sự ổn định và thu hút người tiêu dùng”, ông Regis Delesque - Giám đốc Vận hành của MM Mega Market cho biết.
Phát triển bền vững trong khó khăn
Các DN đều xác định phát triển bền vững là yếu tố quan trọng để vượt qua thách thức. Vissan chú trọng đến việc bảo đảm chất lượng sản phẩm và linh hoạt trong chiến lược giá để phù hợo với nhu cầu tiêu dùng.“Để tồn tại và phát triển, chúng tôi phải đưa ra các cơ chế giá linh hoạt, phù hợp với nhu cầu và sức mua của người tiêu dùng. Đồng thời, chúng tôi cũng rất chú trọng đến việc xây dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác B2B và nhà đầu tư duy trì hoạt động sản xuất trong điều kiện hiện tại”, ông Dũng cho biết.
Tương tự, Kido và Tường An cũng đang chuẩn bị một ngân sách lớn để thúc đẩy tiêu thụ trong mùa Tết. DN sẽ tiếp tục duy trì các chiến lược bán hàng trực tuyến, đặc biệt là trên các nền tảng như TikTok và Shopee, để mở rộng thị trường và thu hút khách hàng mới.
MM Mega Market nỗ lực duy trì sự phát triển trong thời kỳ khó khăn này, đặc biệt với việc tăng cường các chương trình khuyến mãi và gia tăng sự hiện diện trên các nền tảng thương mại điện tử. Điều này giúp công ty phục vụ nhu cầu của khách hàng mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là trong dịp Tết, khi nhu cầu tiêu dùng cao và người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trực tuyến.
Theo nhiều DN, Tết 2025 sẽ là một thử thách lớn trong việc duy trì hoạt động và tăng trưởng nhưng cũng là cơ hội để DN khẳng định khả năng thích ứng và đổi mới của mình trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.