Quản trị

Xu hướng rót vốn vào các công ty khởi nghiệp

Hưng Khánh 13/11/2024 17:00

Khác với các kênh truyền thống, đầu tư vào startup mang tính chất rủi ro cao, nhưng đồng thời cũng đi kèm với cơ hội thu được lợi nhuận “khủng” nếu công ty khởi nghiệp thành công.

Bàn về cơ hội khi đón đầu xu hướng đầu tư này, bà Mary Bùi - Tổng giám đốc Vườn ươm Khởi nghiệp Việt, Tổng giám đốc Sàn Gọi vốn Việt Nam, cho rằng, tham gia từ giai đoạn đầu của một startup có thể mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần khi dự án đạt được đột phá, mở rộng thị trường hoặc tạo ra sản phẩm có giá trị đặc biệt.

Nhiều cơ hội nhưng cũng không ít rủi ro

Bên cạnh đó, khi nhà đầu tư (NĐT) là người góp những “viên gạch” đầu tiên cho một dự án phát triển sản phẩm mới, dịch vụ mới, điều này có ý nghĩa rất lớn vì nó không chỉ mang lại giá trị cho riêng cá nhân, tổ chức mà còn thúc đẩy những giá trị mới cho cả hệ sinh thái khởi nghiệp và rộng hơn là xã hội. Đó là điểm khác biệt vượt trội so với các kênh đầu tư truyền thống.

Ngoài ra, NĐT còn có cơ hội tiếp cận những xu hướng mới, công nghệ mới và mô hình kinh doanh độc đáo. “NĐT không chỉ cung cấp vốn mà còn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời có cơ hội học hỏi và phát triển bản thân thông qua quá trình làm việc với doanh nhân trẻ. Đối với nhiều người, điều này là trải nghiệm thú vị, giúp mở rộng tư duy và hiểu biết về thị trường” - bà Mary Bùi chia sẻ.

hinh-minh-hoa-ai.jpg
Ảnh minh họa: AI

Đi cùng những cơ hội, bà Mary nhận định rằng, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp cũng đi kèm với nhiều rủi ro. Một trong những thách thức lớn nhất là độ non trẻ của các công ty khởi nghiệp. Dù ý tưởng có tiềm năng và đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng vẫn có nhiều startup thiếu kinh nghiệm và chưa từng vượt qua thử thách trên thương trường. Chính vì thế, nguy cơ NĐT mất vốn là khá cao, đặc biệt với những khoản đầu tư vào giai đoạn ban đầu của công ty khởi nghiệp. NĐT cần chuẩn bị tinh thần sẵn sàng “che chở” và sẵn sàng… “hy sinh” cho những ý tưởng mới.

Một rủi ro khác là việc định giá và đánh giá kết quả của mô hình khởi nghiệp hiện tại vẫn dựa nhiều vào “niềm tin” và những đánh giá định tính hơn là định lượng. Không những thế, kết quả của các dự án này phụ thuộc nhiều vào tâm huyết, đạo đức và năng lực của đội ngũ sáng lập.

Đặc thù của việc đầu tư vào dự án khởi nghiệp là tính thanh khoản thấp và thời gian hồi vốn kéo dài. Đặc biệt, một số xu hướng khởi nghiệp mới vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng, tạo ra những rủi ro tiềm ẩn, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động cũng như việc huy động vốn của các công ty này.

Đa dạng công cụ hỗ trợ NĐT

Nghị định số 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, cho phép mỗi quỹ đầu tư khởi nghiệp có tối đa 30 NĐT góp vốn để hỗ trợ phát triển và mở rộng. Với chính sách này, các NĐT cá nhân có cùng “khẩu vị” trong các lĩnh vực như EdTech, FinTech… có thể hợp tác và đồng hành với một công ty quản lý quỹ để triển khai đầu tư hiệu quả. Chưa kể, thời gian gần đây, nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ nhằm thu hút các NĐT hướng dòng vốn vào dự án startup cũng là một điều kiện thuận lợi.

Ngoài cơ hội từ chính sách đang dần “cởi mở”, hiện có nhiều công cụ đồng hành cùng các NĐT. Bà Mary Bùi cho biết, một số nền tảng hoặc sàn giao dịch vốn đã hình thành, giúp NĐT cá nhân giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào các dự án startup. Các sàn này đảm nhận vai trò xác thực, kiểm định và đánh giá kỹ lưỡng các mô hình kinh doanh của startup, cung cấp báo cáo xác thực (Verified) cho các dự án đạt yêu cầu. Ở cấp độ thứ hai, các sàn sẽ kiểm định và phân tích chi tiết về startup, đưa ra những kết quả đánh giá định tính, định lượng cụ thể. Ở giai đoạn cuối cùng, qua việc định giá tài sản hữu hình và vô hình cùng với việc lượng hóa giá trị của công ty startup, các sàn giúp NĐT có cái nhìn toàn diện về dự án trước khi quyết định rót vốn.

5 lưu ý khi NĐT rót vốn vào các dự án startup

Theo bà Mary Bùi, các NĐT không nên thấy quá nhiều rủi ro mà “chùn bước”. Khi nắm bắt được một số điểm mấu chốt dưới đây, NĐT sẽ xác định đúng “khẩu vị” đầu tư và tăng tỷ lệ thành công cho các thương vụ:

Thứ nhất, nhận thức rõ rủi ro kể trên khi tham gia vào các dự án startup. Cùng với đó, việc xác định mức vốn có thể bỏ ra và khả năng chấp nhận mất mát giúp NĐT xây dựng tâm lý vững vàng khi thị trường không như kỳ vọng.

Thứ hai, lựa chọn dự án đầu tư là một quyết định quan trọng. Đối với những NĐT ưa thích sự an toàn, hay mới bước chân vào thị trường, chấp nhận rủi ro thấp thì nên lựa chọn đầu tư thông qua các quỹ là phương án tối ưu để đảm bảo biên lợi nhuận nhất định.

Nếu vốn đầu tư không lớn, NĐT có thể lựa chọn hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) thông qua các “rổ” dự án. Crowdfunding tuy không mang lại lợi nhuận cao nhưng cho phép NĐT làm quen và tích lũy kinh nghiệm. Với những NĐT sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao, đầu tư thiên thần là một lựa chọn đầy hứa hẹn. Đây là hình thức đầu tư đòi hỏi sự tin tưởng hoàn toàn vào dự án, đánh đổi lại, đa số các dự án thành công đều có tiềm năng sinh lời rất lớn.

Thứ ba, NĐT cần đánh giá dự án một cách toàn diện dựa trên nhiều tiêu chí như xu hướng thị trường, khả năng phát triển của dự án, độ khả thi của mô hình kinh doanh và năng lực của đội ngũ sáng lập. Việc xem xét kỹ các chỉ số kinh doanh cũng như tiềm năng “thoát vốn” (exit) là điều cần thiết, giúp NĐT dự đoán khả năng thu hồi vốn trong tương lai.

Thứ tư, nguyên tắc đầu tư kinh điển “không bỏ hết trứng vào một giỏ”, đầu tư vào các dự án startup không nên tập trung vào một lĩnh vực duy nhất. Phân bổ vốn vào nhiều dự án có tiềm năng khác nhau không chỉ là cách bảo vệ nguồn vốn mà còn tăng cường cơ hội sinh lời nếu một trong các dự án đạt được thành công.

Thứ năm, khi đã quyết định rót vốn, việc quan sát và đồng hành cùng startup trong quá trình phát triển là điều nên làm, đặc biệt với những NĐT có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng. Sự hỗ trợ của NĐT không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho dự án mà còn mang lại cho họ cơ hội học hỏi liên tục trong hành trình đầu tư.

Hưng Khánh