Tương lai của Elon Musk nếu có chân trong chính quyền Trump
Trước Elon Musk, chưa CEO nào từng đặt cược lớn như vậy vào một ứng viên tổng thống và thắng cược. Vậy, tương lai của Musk sẽ ra sao nếu có chân trong chính quyền Trump?
Chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong cuộc bầu cử vừa qua là kết quả của một loạt nỗ lực kéo dài khoảng nửa năm và được xem là "ván cược" lớn với Elon Musk - CEO của hãng sản xuất xe điện Tesla. Trên thực tế, Musk là người ủng hộ tài chính nổi bật và nhiệt tình nhất, khi đã chi hơn 175 triệu USD và sử dụng mạng xã hội X để hậu thuẫn cho ông Trump.
Musk cũng thành lập Ủy ban Hành động Chính trị (America PAC) với sự hậu thuẫn của một số doanh nhân công nghệ khác để dẫn dắt chiến dịch tranh cử tổng thống 2024, đặc biệt là vận động bỏ phiếu tại các bang chiến trường. Ngược lại, ông Trump cũng tin tưởng giao phó vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử cho một người không có kinh nghiệm chính trị như Musk.
New York Times nhận định, dù thật khó để tách bạch vai trò của Musk trong cuộc đua vào Nhà Trắng lần này, không thể phủ nhận chiến thắng của ông Trump có sự đóng góp không nhỏ của CEO Tesla.
Sau chiến thắng, Musk ngồi cách Tổng thống đắc cử Donald Trump 2 ghế trong buổi tiệc vào đêm bầu cử và nhận về nhiều lời tán dương vì sự đóng góp của mình. Có thể nói, chưa vị CEO đương nhiệm nào trong lịch sử Mỹ tiến gần đến đòn bẩy quyền lực của tổng thống như Musk.
Tương lai của Musk
Trả lời phỏng vấn tại cuộc vận động tranh cử ở Arizona vào cuối tháng 10, ông Trump khẳng định bản thân có ý định để Musk trở thành nhân vật chủ chốt trong chính quyền nếu tái đắc cử. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng vị tỷ phú không muốn làm công việc thư ký mà muốn tập trung tìm cách giảm lãng phí trong chi tiêu chính phủ.
"Ông ấy nghĩ có thể cắt giảm 2.000 tỷ USD mà không ảnh hưởng đến bất kỳ ai và tôi tin ông ấy có thể làm điều đó. Ông ấy muốn cắt giảm chi phí, ông ấy muốn cứu đất nước", ông Trump nói, và hứa sẽ thành lập một ủy ban "hiệu quả chính phủ" đặc biệt với tên gọi DOGE do Musk đứng đầu.
Về phần mình, CEO Tesla cũng nói sẽ tìm cách cải thiện hiệu quả của chính phủ bằng cách giảm số lượng các cơ quan liên bang nếu có chân trong chính quyền Trump.
Tôi rất vui khi được hỗ trợ cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ. Chúng ta có một bộ máy quan liêu khổng lồ, có sự quản lý quá mức, có các cơ quan có trách nhiệm chồng chéo... Điều này chuyển thành chi phí thực sự cho mọi người, chúng là chi phí ẩn nhưng chúng rất đáng kể. Tiền thuế của bạn đang bị lãng phí và Ủy ban Hiệu quả Chính phủ sẽ khắc phục điều đó.
Elon Musk Musk nói hôm 5/11/2024
Hơn nữa, các "khoản đầu tư" của Musk trong chiến dịch tranh cử lần này cũng không hề vô ích mà đã mang lại kết quả to lớn với đế chế kinh doanh của vị tỷ phú.
Giá cổ phiếu Tesla tăng gần 15% vào ngày 6/11, trở thành một trong những công ty tăng giá lớn nhất rổ S&P 500 hôm đó, đẩy tài sản của Musk lên 285 tỷ USD. Diễn biến này không chỉ giúp CEO Tesla tiếp tục củng cố "ngôi vị" người giàu nhất hành tinh, mà còn khiến các chuyên gia lập tức tự hỏi liệu ông có đang trên đường trở thành tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên hay không.
Những dấu hỏi về lợi ích
Dù Musk có thể là làn gió mới mà chính phủ cần, con đường chính trị phía trước của vị tỷ phú đầy dấu hỏi về lợi ích. Cần chắc chắn rằng vị tỷ phú sẽ hưởng lợi từ sự ủng hộ của ông Trump theo nhiều cách.
Thứ nhất, dù tổng thống đắc cử không phải người hâm mộ xe điện, các đồng minh của ông đã nói về việc rút lại hoặc loại bỏ các tiêu chuẩn khí thải với xe cộ, và ông Trump có thể sẽ cắt giảm khoản miễn thuế cho người mua xe điện.
Tuy nhiên, thay vì gây tổn hại cho Tesla, các biện pháp như vậy sẽ mang lại cho công ty này lợi thế so với các nhà sản xuất ô tô lâu đời như General Motors và Ford - các công ty có xe điện chưa có lãi. Ý định tăng thuế với hàng nhập từ Trung Quốc cũng làm giảm nguy cơ xe của Tesla phải đối mặt với sự cạnh tranh tại Mỹ từ các mẫu xe giá rẻ của Trung Quốc.
Thứ hai, SpaceX thậm chí có thể hưởng lợi nhiều hơn từ tình bạn thân thiết Trump - Musk. Trong bài phát biểu sau chiến thắng của mình, ông Trump đã ca ngợi tên lửa "trắng sáng, đẹp đẽ" mà công ty của Musk vừa phóng gần đây, cũng như chỉ ra rằng khi bão Helene tấn công Bắc Carolina, các vệ tinh Starlink của SpaceX đã nhanh chóng đến giải cứu.
Nhiều đảng viên Cộng hòa hy vọng ông Trump sẽ tiếp tục ủng hộ các hệ thống vệ tinh giống như Starlink và hủy bỏ kế hoạch trị giá 42,5 tỷ USD của ông Biden, vốn là một thất bại tốn kém, nhằm triển khai băng thông rộng đến các vùng nông thôn.
Tuy nhiên, vệ tinh chỉ là một bậc trên nấc thang dài hơn nhiều với SpaceX. Mục tiêu của Musk là đưa con người lên sao Hỏa. Điều đó sẽ dễ dàng hơn nếu không có các cuộc đấu tranh về pháp lý với Cục Hàng không Liên bang - đơn vị giám sát các chuyến bay thương mại vào vũ trụ. Thực tế, sẽ thật khó để cho rằng ông Trump không ủng hộ việc này. Thay vào đó, khả năng vị tổng thống đắc cử khoe rằng mình đã giúp đưa một người Mỹ lên hành tinh đỏ là khả thi hơn.
Thứ ba, việc sử dụng ảnh hưởng chính trị để đảm bảo sự lỏng lẻo về quy định với doanh nghiệp của mình không phải là chưa từng xảy ra. Nếu không, vì sao nhiều CEO lại nỗ lực ủng hộ các chiến dịch tranh cử tổng thống. Trong trường hợp của Musk, điều này có thể ảnh hưởng đến Tesla, SpaceX và cả mạng xã hội X.
Kể từ khi Musk mua và đổi tên Twitter cách đây 2 năm, X đã là một thảm họa thương mại. Nhưng sức mạnh của nó như một cơ quan ngôn luận cho cặp đôi quyền lực mới của nước Mỹ đã mang lại cho nó một loại giá trị khác.
Tevi Troy - tác giả một cuốn sách gần đây về quan hệ giữa các CEO và tổng thống, cho biết nhiều tổng thống Mỹ sử dụng công nghệ để quảng bá hệ tư tưởng của họ, từ Franklin Roosevelt với đài phát thanh cho đến Barack Obama với Facebook. Do đó, X nhiều khả năng trở thành ví dụ tiếp theo. Hiện, đã có tin đồn rằng nó có thể sáp nhập với công ty mẹ của Truth Social - nền tảng mạng xã hội được thành lập bởi chính ông Trump.