Bộ Công Thương kiên định thực hiện “mục tiêu kép”
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 20/06/2021
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, người phát ngôn Bộ Công Thương, cho biết bức tranh nền kinh tế thế giới - thương mại toàn cầu 5 tháng đầu năm 2021 có dấu hiệu phục hồi với việc một số quốc gia đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 và đạt được những kết quả bước đầu đã thực hiện dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa bình thường trở lại, khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại.
Nhiều điểm sáng cả trong nước lẫn thế giới
So với diễn biến chung của thế giới thì kinh tế, thương mại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tích cực. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên cả nước vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh bùng phát tại một số tỉnh, thành phố có các KCN lớn.
Hoạt động xuất khẩu 5 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN.
Thị trường hàng hóa cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, kể cả người dân trong vùng có dịch hoặc bị phong tỏa; không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ Quý II/2021 ở Hà Nội |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, đến thời điểm hiện nay, phát triển các ngành công nghiệp và thương mại cơ bản đã và đang bám sát theo kịch bản tăng trưởng đề ra. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 38% kế hoạch năm; xuất khẩu đạt hơn 44% kế hoạch năm và tiếp tục là điểm sáng trong năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp đang ở mức cao hơn so với kế hoạch, 5 tháng tăng 9,9% (kế hoạch 8%).
Ông Hải cho biết dự kiến 6 tháng đầu năm 2021 chỉ số phát triển sản xuất tiếp tục được duy trì tăng khoảng 9% (kế hoạch cả năm tăng 8%); kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 21,7% (kế hoạch cả năm tăng 4-5%); tổng mức bán lẻ hoàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,1% (kế hoạch cả năm tăng 8%).
Cần thực thi nhiều giải pháp đồng bộ
Chính vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" bằng cách tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành, góp phần vào hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, ông Hải cho biết.
Ngoài ra, ngành Công Thương tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau: Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh TMĐT.
Ông Hải cho biết thêm rằng ngành Công Thương cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp mạnh mẽ để chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ, lũng đoạn thị trường hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước nhằm ổn định thị trường, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp;
“Các cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, trong các khu, cụm công nghiệp để hướng dẫn thực hiện giải pháp nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh cung ứng điện; vận hành hệ thống điện quốc gia bảo đảm hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân; Thúc đẩy xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức khai thác, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để phát triển thị trường và tháo gỡ các rào cản để thâm nhập các thị trường mới,” ông Hải nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, người phát ngôn Bộ Công Thương, chủ trì cuộc họp báo thường kỳ Quý II/2021 ở Hà Nội |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại của sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại. Cụ thể, việc dịch Covid-19 bùng phát ở các khu công nghiệp lớn đã có những ảnh hưởng nhất định tới tăng trưởng của sản xuất công nghiệp trong nước, tác động tới chuỗi cung ứng hàng hóa.
Nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng trên 90%) làm gia tăng giá trị nhập khẩu, ảnh hưởng đến cán cân thương mại hàng hóa. Bên cạnh đó, do tác động của dịch bệnh, một số địa phương thực hiện phong tỏa hoặc giãn cách xã hội khiến nhu cầu tiêu dùng của nhân dân giảm sút, đặc biệt là các mặt hàng không thiết yếu đã tác động đến tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Tích cực hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ, thời gian vừa qua, các nhà báo cũng đã hỗ trợ và đồng hành cùng Bộ Công Thương, đặc biệt là với Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan trong việc lan toả thông tin hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản, nhất là trong chiến dịch cao điểm vừa qua, hỗ trợ cho tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang tiêu thụ sản phẩm vải thiều.
“Hàng năm, Bộ Công Thương đều phối hợp và triển khai tổng thể các giải pháp để hỗ trợ các tỉnh, thành trong việc lưu thông, tiêu thụ nông sản. Trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư, để hỗ trợ các tỉnh, thành trong việc tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08 ngày 25/5/2021 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các địa phương”, ông Hoàng Minh Chiến cho hay.
Ông Chiến cho biết. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, các đơn vị của Bộ đã trao đổi với các địa phương để tổng hợp thông tin về tình hình sản xuất và sản lượng mùa vụ nông sản và nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại cụ thể của từng địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt là khi đến mùa vụ.
Cùng với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành (như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải...), chính quyền các địa phương đã cùng vào cuộc hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản.
Trong chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ cho trái vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương vừa qua, ông Hoàng Minh Chiến cho biết, đây là lần đầu tiên áp dụng thí điểm ứng dụng và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm này. Dù mới thực hiện nhưng đã nhận được phản hồi rất tích cực từ các địa phương, các doanh nghiệp thu mua và cả các thị trường nước ngoài (Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…).
Thêm giải pháp cho xuất khẩu bền vững
Về vấn đề xuất khẩu bền vững, trả lời tại họp báo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chỉ rõ, xuất khẩu (XK) bền vững là vấn đề đã được đưa ra từ lâu và là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế.
Đối với giải pháp để XK bền vững, ông Trần Thanh Hải cho rằng, XK liên quan đến vấn đề tiêu thụ hàng hóa. Do đó, việc tạo được nguồn hàng ổn định là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, XK theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu.
Vấn đề thứ hai là rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại. Cùng với việc mở cửa thị trường cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng phải đối diện với nhiều hàng rào thương mại phi thuế và việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các hàng rào này cũng là việc quan trọng.
Tiếp theo là việc đổi mới công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đối với hoạt động thương mại biên giới, các địa phương biên giới cần đẩy mạnh các giải pháp xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Bên cạnh đó là các giải pháp về thuế, lao động, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính… Hiện nay các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương được đánh giá rất cao về việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi lớn nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là hoạt động cần tiếp tục duy trì trong giai đoạn tới.
Hơn nữa, chúng ta cũng phải làm tốt việc điều hành nhập khẩu thông qua các vấn đề như quy tắc xuất xứ, chống các biện pháp lẩn tránh, phát triển công nghiệp hỗ trợ thay thế hàng nhập khẩu.
“Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới. Các quan điểm, định hướng về XK bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này,” ông Trần Thanh Hải khẳng định.
Cũng tại cuộc họp, nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã gửi đến tất cả các nhà báo, phóng viên theo dõi ngành Công Thương nói riêng và đội ngũ những người làm công tác truyền thông cả nước nói chung lời tri ân và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. |